| Hotline: 0983.970.780

Những scandal nhiễm độc thực phẩm trên thế giới: Vụ nhiễm độc trứng gây rúng động châu Âu

Thứ Hai 25/03/2019 , 13:15 (GMT+7)

Nguyên nhân dẫn tới các vụ thực phẩm bị nhiễm độc trong quá khứ chủ yếu bắt nguồn từ sự tắc trách của con người và những lỗ hổng trong khâu quản lý, kết nối thông tin.

10-00-56_nh1
Trứng gà nhiễm Fipronil gây rúng động ở châu Âu hồi năm 2017 vì mức độ lan rộng. (Ảnh: CBS News)

Cuộc khủng hoảng trứng khiến người dân các nước châu Âu hoang mang bởi con số quốc gia phát hiện trường hợp nhiễm độc gia tăng nhanh chóng.

Vào một ngày cuối tháng 7/2017, một lô gồm hàng triệu quả trứng từ Hà Lan bị chặn lại ở biên giới Đức vì tất cả chúng đều nhiễm độc. Đây chỉ là một phần trong bê bối từng khiến toàn châu Âu rúng động bởi mức độ lan rộng và nghiêm trọng của nó. Theo thống kê, đến tháng 9/2017, 40 nước trên thế giới, trong đó 24 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), thông báo có trứng bị nhiễm độc. Hàng chục triệu quả trứng bị loại khỏi các kệ hàng siêu thị và tiêu hủy, gây ra thiệt hại khổng lồ.

Nguyên nhân khiến hàng triệu quả trứng ở châu Âu bị thu hồi là do chúng bị nhiễm Fipronil, một loại thuốc trừ sâu tương đối phổ biến dùng để loại bỏ bọ chét và ve trên gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, theo BBC, Fipronil đã bị EU cấm sử dụng trên các loại gia súc, gia cầm được nuôi để phục vụ nhu cầu của con người, trong đó có gà.

Nếu người bị nhiễm thuốc trừ sâu Fipronil, cơ thể có thể xuất hiện một số triệu chứng khó chịu như buồn nôn, đau bụng, chóng mặt và tệ nhất là động kinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt Fipronil vào danh sách “thuốc trừ sâu nguy hại”.

Giới chức y tế châu Âu lúc bấy giờ lưu ý rằng mức độ Fipronil trong những quả trứng bị nhiễm độc không gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bởi chưa đủ lượng. Dù vậy, cơn chấn động không có dấu hiệu ngừng lại.

Theo New York Times, cuộc khủng hoảng trứng bùng phát vào ngày 19/7/2017 ở Bỉ, sau khi chính phủ nước này phát hiện trứng nhiễm Fipronil. Tuy nhiên theo Politico, giới chức an toàn thực phẩm Bỉ và Hà Lan đã tiến hành điều tra về khả năng trứng bị nhiễm độc từ giữa tháng 6. Ngày 10/8, hai công nhân Hà Lan làm việc cho công ty ChickFrienn bị bắt với cáo buộc đóng vai trò chính trong vụ bê bối. ChickFriend cũng bị cáo buộc sử dụng Fipronil tại các trang trại nuôi gà của mình ở Bỉ.

Một phần lý do khiến người dân hoảng loạn là bởi con số nước phát hiện trứng bị nhiễm độc liên tục gia tăng. Tình trạng trên cũng làm bật lên những khó khăn mà EU gặp phải trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bỉ lần đầu tiên nhận được thông tin về mức độ Fipronil cao bất thường trong trứng, có thể gây ảnh hưởng tới gan của người sử dụng, vào ngày 2/6. Không lâu sau, họ mở một cuộc điều tra hình sự đối với chủ sở hữu công ty mang tên Poultry Vision vì đưa chất cấm vào dung dịch vệ sinh bán ra thị trường để diệt ve trên gà.

Tuy nhiên, Bỉ phải đợi đến ngày 20/7 mới thông báo cho các đồng minh châu Âu về sự việc thông qua Hệ thống Cảnh báo Nhanh Thực phẩm và Thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF). Theo luật EU, một quốc gia phải “lập tức thông báo cho Ủy ban châu Âu thông qua hệ thống cảnh báo nhanh” nếu có bất kỳ thông tin nào liên quan tới “những mối nguy hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với sức khỏe con người từ thực phẩm và thức ăn chăn nuôi”.

Đức tỏ ra giận dữ trước việc Bỉ quá chậm trễ trong cung cấp thông tin, song Bỉ cũng đưa ra những lý lẽ của riêng mình. Họ không báo động từ ngày 2/6 bởi việc kiểm tra mức độ Fipronil khi ấy do một trang trại tư nhân thực hiện, không nằm trong cuộc điều tra chính thức của chính phủ. Mặt khác, Bỉ cho hay họ không thể tiến hành các cuộc điều tra thêm vì không nhận được thông tin từ Hà Lan.

Hà Lan, trong khi đó, biết về sự tồn tại của Fipronil trong trứng từ ngày 15/6 nhưng cũng không cảnh báo cho EU và các đồng minh. Dung dịch vệ sinh của Poultry Vision chủ yếu được bán cho các trang trại thông qua doanh nghiệp Hà Lan ChickenFriend.

Giới chuyên gia nhận định chính sự thất bại trong kết nối thông tin giữa các nước châu Âu là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng trứng nhiễm độc lan rộng.

Các công nhân tại một trang trại của Hà Lan tiêu hủy trứng gà vì nghi nhiễm độc. (Ảnh: Getty Images)

“Liên minh châu Âu có những hệ thống hiện đại và tinh vi nhất để bảo vệ công dân cũng như người tiêu dùng”, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Daniel Rosario tuyên bố. “Có những bài học rõ ràng chúng ta phải rút ra từ sự việc lần này và đây rõ ràng là điều chúng ta sẽ làm”.

Geoff Tansey, chuyên gia tại hệ thống tài nguyên mở Food Systems Academy, nhận định việc để cho từng chính phủ quốc gia đưa ra cảnh báo khi gặp vấn đề vẫn tiềm ẩn rủi ro xung đột lợi ích.

Theo ông, chính phủ các nước, có thể chủ ý không phản ứng nhanh bởi lo sợ những lợi ích chiến lược từ ngành nông nghiệp chủ chốt bị ảnh hưởng. “Có thể họ chỉ nghĩ tới ảnh hưởng của nó đối với ngành công nghiệp quốc gia”, Tansey nói.

Graham Dutfield, giáo sư quản trị quốc tế tại Đại học Leeds, Anh, cũng nhấn mạnh cần có những quy định kiểm soát tập trung hơn ở EU.

“Chúng ta cần phản ánh thực tế là vẫn còn những con đường tắt và tình trạng sử dụng chất hóa học không được phép là có thật. Có lẽ cần có những cơ sở để giám sát bổ sung và trao quyền nhiều hơn cho các nhà quản lý trên khắp châu Âu”, ông nói. “Đây là câu hỏi cần đặt ra và tìm hiểu. Điều gì đã thực sự bị phá vỡ”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.