Là huyện đầu tiên của cả nước có 100% số xã, thị trấn đạt 19 tiêu chí NTM, huyện Hải Hậu (Nam Định) được xem là lá cờ đầu, tấm gương để các địa phương khác trong cả nước học hỏi, rút kinh nghiệm. Để làm được điều này ngay từ ban đầu, huyện Hải Hậu đã xác định yếu tố then chốt trong xây dựng NTM là lấy người dân làm trung tâm với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.
Đi dọc tuyến đê chạy qua các xã ven biển của huyện Hải Hậu, không khó để bắt gặp những ao nuôi tôm thẻ chân trắng nằm san sát nhau, trải dài tít tắp. Hình ảnh vùng đất trũng nhiễm mặn, hoang sơ trước đây được thay bằng một vùng kinh tế sôi động với sự xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú nông dân.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Phạm Văn Khấn, xóm 1 xã Hải Phúc là một điển hình. Năm 2003, khi UBND huyện có chính sách chuyển đổi những diện tích đất sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp kém hiệu quả sang sản xuất đối tượng khác có tiềm năng giá trị kinh tế cao hơn, ông mạnh dạn nhận thầu ruộng trũng để đào ao nuôi cá.
Miệt mài nhiều năm, khi ao nuôi đảm bảo các tiêu chuẩn, cộng với kiến thức mà ông học được từ các lớp hướng dẫn chăn nuôi thủy sản, ông quyết định mua tôm thẻ chân trắng về nuôi thử. Không phụ công người, giống tôm mới có những ưu điểm phù hợp với thời tiết, nguồn nước nuôi ở địa phương nên sinh trưởng và phát triển rất tốt, lứa đầu tiên anh đã giành được thắng lợi.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ 4 ao nuôi ban đầu, đến hiện tại ông đã nâng số lượng ao nuôi lên 18 ao, mỗi ao đều được trang bị đầy đủ hệ thống xử lý nước, máy sục khí, mái che… Trung bình mỗi năm ông xuất ra thị trường từ 25-30 tấn tôm, sau khi trừ chi phí ông có thu nhập từ 1,5-2 tỷ đồng. Tạo công ăn việc làm cho 7 công nhân với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Vũ Văn Hoài, thôn Xuân Hà, xã Hải Đông cũng tiên phong thoát nghèo, làm giàu bằng nuôi tôm thẻ chân trắng. Ao nuôi của anh được chia nhỏ thành các ô, kè bê tông kiên cố, thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Nguồn nước được lọc qua hệ thống máy lọc, đưa vào ao phụ khi nào đủ tiêu chuẩn mới bơm vào ao nuôi chính. Khi đo đạc cẩn thận các chỉ số anh mới đưa tôm vào nuôi.
Với cách làm này, từng lứa tôm sau đó anh đều thành công. Hiện tại, anh đã xây dựng cho mình được gần 10 ha ao nuôi. Thu nhập trung bình hàng năm sau khi trừ đi chi phí từ 1,5-1,7 tỷ đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho 8 công nhân với mức lương 5 triệu/tháng.
Ở xã Hải Thanh, không ai không biết anh Nguyễn Văn Dưỡng trưởng xóm 5. Người lãnh đạo gương mẫu tích cực vận động người dân tham gia và phong trào xây dựng NTM.
Anh Dưỡng cho biết: Khi mới triển khai chương trình xây dựng NTM tới người dân, không biết đã phải tổ chức bao nhiêu cuộc họp thôn để tuyên truyền những tiêu chí, lợi ích mà chương trình mang lại, từ đó vận động người dân tích cực tham gia. Tuy nhiên, ban đầu đa phần người dân đều tỏ ra phân vân, có người còn phản đối vì cuộc sống còn nhiều khó khăn, thoát nghèo đã là khá rồi mong gì đến danh hiệu NTM hay miền quê đáng sống.
Không nản chí, ban vận động thôn do anh đứng đầu miệt mài đến từng hộ gia đình ân cần trao đổi, thuyết phục. Cuối cùng cũng tìm được tiếng nói chung và sự đồng thuận của tất cả người dân trong thôn.
Nhờ vậy, nhân dân xóm 5 đã hăng hái hiến hơn 20.000m2 đất làm đường, đóng góp tiền, ngày công lao động sửa lại các tuyến giao thông nội đồng. Làm mới hai tuyến đường bê tông dài gần 600m, mặt đường rộng 5m. Sau đó, nhân dân lại đóng góp kinh phí xây dựng cây cầu trị giá 80 triệu đồng và nhiều công trình công cộng khác trong thôn.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều tấm gương điển hình phát triển kinh tết hộ, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân trong xây dựng NTM ở Hải Hậu. Tin tưởng rằng với nguồn sức mạnh to lớn này, mục tiêu đến năm 2025 đạt huyện NTM kiểu mẫu sẽ được hoàn thành.