| Hotline: 0983.970.780

Những thay đổi đáng chú ý nếu ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ

Thứ Hai 03/08/2020 , 06:10 (GMT+7)

Với việc ông Biden đang dẫn điểm, các chính sách đối ngoại có thể đưa nước Mỹ trở lại với thời điểm trước tháng 11/2016.

Tổng thống Donald Trump bắt tay cựu Phó Tổng thống Joe Biden tại lễ nhậm chức của ông Trump năm 2016. Ảnh: Washington Post.

Tổng thống Donald Trump bắt tay cựu Phó Tổng thống Joe Biden tại lễ nhậm chức của ông Trump năm 2016. Ảnh: Washington Post.

Nước Mỹ sẽ đi bầu Tổng thống vào ngày 3/11. Theo các cuộc thăm dò mới nhất của cả các viện nghiên cứu, tổ chức tư vấn lẫn truyền thông, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đang có lợi thế, kể cả ở các bang “chiến địa” và các bang đảng Cộng hòa nắm lợi thế trong nhiệm kỳ đang sắp hết.

Lịch sử chính trường Mỹ cho thấy chính sách đối ngoại ít khi thay đổi dù người lên giữ chức Tổng thống là Dân chủ hay Cộng hòa. Lợi ích của nước Mỹ bên ngoài lãnh thổ là tối tượng và được bảo vệ bất kể ông chủ Nhà Trắng là ai.

Năm 2016, điều đó bắt đầu không còn đúng, khi Tổng thống Donald Trump khởi động chính sách “Nước Mỹ trước hết”. Những mối quan hệ đồng minh lung lay và thật lạ là “kẻ thù” lại ấm áp mà điển hình là chính sách với Triều Tiên.

Giới học giả lọc lõi Hoa Kỳ thường ví chính sách đối ngoại của nước này như một con tàu sân bay: Ra lệnh thì dễ, nhưng đổi hướng thì chông gai và tốn thời gian. Các thay đổi trong chính sách của chính quyền Tổng thống Trump cũng vậy.

Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran đang lâm vào bế tắc hơn 1 năm qua. Quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu bị chính trong nước Mỹ phản kháng. Tương tự là quyết định rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới. Rồi quyết định rút một tỷ lệ lớn quân Mỹ khỏi Đức sẽ còn mất nhiều năm mới hoàn thiện trong khi tình đồng minh với đối tác quan trọng nhất nhì này ở châu Âu đã sứt mẻ.

3 “nữ tướng” có thể được ông Biden chọn làm Phó Tổng thống

Ít nhất đã có 3 người trong nội bộ chiến dịch tranh cử của ông Joe Biden tiết lộ, với điều kiện ẩn danh, về các ứng cử viên hàng đầu có thể được lựa chọn vào vai trò ứng cử viên Phó Tổng thống.

Các nguồn tin được AP dẫn lời cho biết, 3 ứng cử viên gồm thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris, hạ nghị sĩ bang California Karen Bass, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice. Đây là danh sách rút gọn từ 10 ứng cử viên tiềm năng.

Thông tin xác nhận chính thức được cho là không thể có trước ngày 10/8, đúng 1 tuần trước đại hội lần cuối đảng Dân chủ, sự kiện sẽ chính thức tuyên bố ông Joe Biden đại diện ra tranh cử Tổng thống Mỹ.

Kết quả của ngày bỏ phiếu 3/11 dù như thế nào cũng mở ra điểm xoay mới cho các vấn đề trên. Và với việc ông Biden đang dẫn điểm, điểm xoay đó có thể đưa nước Mỹ trở lại với các chính sách đối ngoại trước tháng 11/2016.

Từ Trung Đông tới châu Á, Mỹ Latin đến châu Phi, hay quan hệ với các đồng minh truyền thống ở châu Âu cũng như đối thủ lớn tại châu lục này là Nga, cùng các vấn đề toàn cầu như chống khủng bố, thương mại đa phương, kiểm soát vũ khí và vấn đề nhập cư, đội ngũ của ứng cử viên Joe Biden đã đánh tiếng điểm xoay sẽ không có gì là xa lạ và tất nhiên là “khác Trump”.

Với kinh nghiệm của một cựu thượng nghị sĩ và “phó chủ” Nhà Trắng, ông Biden khẳng định trong buổi vận động tranh cử tại Delaware giữa tuần trước rằng, ông đủ khả năng xử lý các vấn đề quốc tế mau lẹ và êm ái.

“Tôi thấu hiểu toàn bộ các vấn đề an ninh quốc gia, tình báo và quốc tế. Những việc đó tôi đã làm cả cuộc đời này. Trump thì không có ý tưởng gì, không gì sất”, ông Biden tuyên bố.

Dưới trướng ông Biden hiện toàn những người kỳ cựu. Đó là Jake Sullivan, phó trợ lý của cựu Tổng thống Barack Obama kiêm giám đốc bộ phận chính sách tại Bộ Ngoại giao. Đó là Nicholas Burns có sừng có mỏ về đối ngoại dưới trước cả Tổng thống Cộng hòa George W.Bush và Tổng thống Dân chủ Bill Clinton.

Hay Tony Blinken giữ cả hai chức Thứ trưởng Ngoại giao và Phó Cố vấn an ninh quốc gia thời ông Obama. Chưa kể người phụ nữ sắc sảo Susan Rice từng được ông Obama chọn vào hai vị trí Cố vấn an ninh quốc gia và đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc.

Đồng hồ đang điểm, và số phận của nhiều chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có thể sẽ thay đổi. Đầu tiên sẽ là việc hủy bỏ lệnh cấm sử dụng nguồn viện trợ quốc tế cho các dự án có liên quan đến nạo phá thai.

Ngày Đầu tiên được dự báo còn chứng kiến việc chấm dứt lệnh cấm nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo, khôi phục tư cách thành viên và nối lại tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới, ngưng việc phản đối Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu, “trở lại mái nhà” NATO, hoặc đơn giản là nối lại cơ chế họp báo hàng ngày tại Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng mà ông Trump đã hủy bỏ sau nhiều lần công kích báo chí...

Ông Biden được đối thủ Trump mô tả là “yếu” trong quan hệ với Trung Quốc, lĩnh vực sẽ hóc búa nhất đối với bất kỳ chính quyền nào tới đây tại Mỹ. Nhưng cứ nhìn cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ luôn đồng thuận cao ở lưỡng viện Quốc hội thì đó có thể là vấn đề lớn duy nhất ông Biden sẽ không tạo ra sự thay đổi đáng kể.

Chính sách khu vực chờ Biden

Trung Đông: Nối lại hỗ trợ cho chính quyền Palestine, tuy ông Biden chưa từng nói sẽ lật lại việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cũng như chuyển sứ quán quay lại Tel Aviv.

Liên hợp quốc: Khôi phục tư cách thành viên của Mỹ tại một số cơ quan như Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục, có thể cả Hội đồng Nhân quyền.

Châu Âu: Đẩy mạnh quan hệ với các đồng minh và vai trò ở NATO.

Châu Phi: Tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại các điểm nóng, nơi Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt.

Châu Á: Khôi phục vai trò truyền thống của quân đội Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Biden cũng chỉ trích cách tiếp cận với Triều Tiên của ông Trump.

Mỹ Latinh: Nới lỏng dần các chính sách nhập cư của chính quyền Trump cũng như chuyển dòng vốn khỏi kế hoạch xây tường biên giới với Mexico. Nối lại các quan hệ đã có với Cuba từ thời Tổng thống Obama.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.