| Hotline: 0983.970.780

Những thức ăn 'khoái khẩu' của sâu keo mùa thu

Thứ Năm 21/11/2019 , 08:57 (GMT+7)

Sâu keo mùa thu (SKMT) được công bố có ký chủ rất rộng, chúng có thể ăn tới khoảng 300 loài thực vật. Tại Việt Nam, các thí nghiệm tại Viện Bảo vệ Thực vật vừa qua cho thấy khi không còn thức ăn “khoái khẩu” nhất là ngô, SKMT đã lựa chọn ăn một số cây trồng khác thuộc họ hòa thảo, họ đậu...

18-20-18_1
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra kết quả thí nghiệm đánh giá khả năng gây hại của SKMT tại Viện BVTV.

Kể từ khi xâm nhập vào nước ta, SKMT đã gây hại diện rộng với mức độ nặng trên cây ngô tại nhiều địa phương trên cả nước. Mặc dù được công bố diện ký chủ mà SKMT có thể phá hoại lên tới khoảng 300 loài thực vật, tuy nhiên đến nay, tại Việt Nam mới chỉ ghi nhận tình trạng SKMT gây hại nặng diện rộng trên cây ngô, chưa phát hiện loài sâu này gây hại nặng ở quy mô đáng kể trên các loại cây trồng khác.

Tại Nam Định, trong vụ mùa 2019, cũng đã ghi nhận SKMT gây hại trên một số diện tích lúa, tuy nhiên chỉ ở quy mô nhỏ, mức độ gây hại nhẹ và không bùng phát ra diện rộng.
 

Thích đẻ trứng trên cây ngô, lúa cạn, cỏ thảm

Nhằm đánh giá về khả năng gây hại của SKMT trên các cây trồng ở nước ta, vừa qua, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Viện BVTV triển khai các thí nghiệm (trong điều kiện nhà lưới) để xác định về sự lựa chọn cây ký chủ và khả năng gây hại của SKMT.

Có hai nội dung thí nghiệm chính đã được Viện BVTV thực hiện: Một là thí nghiệm về sự lựa chọn ký chủ của trưởng thành cái SKMT trên một số cây trồng chính ở nước ta; hai là thí nghiệm về khả năng gây hại của sâu non SKMT trên một số cây trồng chính (thí nghiệm không có sự lựa chọn thức ăn của sâu non).

Với thí nghiệm thứ nhất, Viện BVTV đã tiến hành thả sâu cái trưởng thành SKMT trên 24 loại cây trồng chính ở nước ta, bao gồm: Lúa cạn, cao lương, ngô chuyển gen Bt, ngô thường, sắn, cỏ voi, cỏ sudan, cỏ thảm, cỏ mombasa, cà phê, hồ tiêu, đậu tương, lạc, mía, nhãn, cam, bưởi, na, xoài, cà chua, cải bắp, cải xanh, hành hoa và bầu.

Kết quả cho thấy, trong điều kiện thí nghiệm không có cây ngô, trưởng thành cái SKMT đã lựa chọn ký chủ để đẻ trứng gồm lúa cạn, lạc và hồ tiêu. Với thí nghiệm có cả cây ký chủ là ngô, trưởng thành cái SKMT đã “ưu tiên” lựa chọn đẻ trứng trên cây ngô thường, ngô chuyển gen Bt và cỏ thảm. Như vậy, các thí nghiệm này cho thấy khi có cây ngô, trưởng thành cái SKMT sẽ lựa chọn ký chủ ưa thích đầu tiên là cây ngô.

Tuy nhiên khi không có cây ngô, chúng đã lựa chọn đối tượng ký chủ tiếp theo là cây lúa cạn, cỏ thảm (thuộc họ hòa thảo) và cây lạc (họ đậu). Đặc biệt, thí nghiệm cũng ghi nhận trưởng thành cái SKMT có đẻ trứng trên cây hồ tiêu (họ hồ tiêu).

Các thí nghiệm cũng cho thấy trưởng thành cái SKMT không đẻ trứng trên nhiều loại cây trồng khác phổ biến ở nước ta như cỏ voi, sắn, các loại cây rau (cà chua, cải bắp, cải xanh, bầu, hành...), cà phê, đậu tương, các cây ăn quả (nhãn, bưởi, na, xoài...).
 

“Khoái khẩu” nhất ngô, họ hòa thảo, họ đậu

Với thí nghiệm đánh giá khả năng gây hại của sâu non SKMT, thí nghiệm được thực hiện “cưỡng bức” nhằm đánh giá mức độ gây hại của sâu non SKMT, bằng cách thả sâu non vào nhà lưới đối với từng loại cây trồng riêng biệt (sâu non không có sự lựa chọn thức ăn khác).

18-20-18_2
Thí nghiệm cho thấy, ngô vẫn là thức ăn “khoái khẩu” nhất của SKMT.

Theo đó, Viện BVTV đã chọn thí nghiệm trên các loại cây trồng gồm: Lúa cạn, sắn, cỏ voi, cỏ thảm, cà phê, hồ tiêu, đậu tương, lạc, mía, nhãn, bưởi, na, xoài, cà chua, cải bắp, cải xanh, hành hoa và bầu.

Kết quả cho thấy, sâu non SKMT đã gây hại trên các loại cây trồng gồm: lúa cạn, cao lương, cỏ voi, cỏ thảm, đậu tương, lạc, mía, cải bắp. Không phát hiện gây hại trên sắn; các loại cây ăn quả như na, cam, quýt, bưởi, nhãn; xoài, các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu và một số loại rau như cây cà chua, bầu, hành, cải xanh.

Như vậy, kết quả thí nghiệm bước đầu cho thấy, dường như cả trưởng thành SKMT và sâu non SKMT đều không ưa thích ăn, không có khả năng gây hại cũng như chọn lựa làm nơi đẻ trứng đối với một số nhóm cây trồng, bao gồm các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, các loại rau.

Trong khi đó, đối tượng thức ăn mà chúng ưa thích hơn cả, cũng như thường chọn làm nơi đẻ trứng để duy trì vòng đời thường xảy ra đối với các loại cây trồng thuộc họ hòa thảo (lúa, cao lương, cỏ thảm, cỏ voi, mía...; hoặc các loại cây họ đậu như lạc, đậu tương... Đối với nhóm cây rau, đã phát hiện khả năng gây hại với mức độ trung bình đối với cây cải bắp.

Kết quả các thí nghiệm cũng cho thấy, sâu non SKMT có khả năng sinh trưởng và hoàn thành vòng đời trên một số loại cây trồng bao gồm: lúa cạn, cỏ voi, cỏ thảm, lạc, mía, đậu tương, mía, cải bắp, thầu dầu.

Bên cạnh đó, Viện BVTV đã thực hiện thí nghiệm trong điều kiện nhà lưới để đánh giá về mức độ gây hại của SKMT (sau non) đối với một số giống ngô đang được SX phổ biến tại nước ta. Kết quả cho thấy, sâu non SKMT có thể gây hại đến 100% đối với các giống ngô thường ở bất kỳ tuổi sâu nào (ngoại trừ ngô chuyển gen Bt kháng sâu). Trong đó, các giống ngô bị phá hoại nặng nhất là ngô nếp, ngô ngọt.
 

Sâu keo mùa thu cơ bản được khống chế trên phạm vi cả nước

Theo Cục BVTV, sâu keo mùa thu (SKMT) bắt đầu xuất hiện tại phía Bắc từ tháng 3/2019, cao điểm hại từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5/2019 trên ngô giai đoạn từ 4 lá đến xoáy nõn mật độ phổ biến 1-3 c/m2, cao 5-7 c/m2, cục bộ 20-40 c/m2 (Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Hoà Bình, Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Kạn). Tổng diện tích nhiễm (tính đến hết vụ xuân) cả nước là 21.602 ha, trong đó nhiễm nặng 1.761 ha, đã phòng trừ 20.220 ha.

18-20-18_3
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Viện BVTV tiếp tục thí nghiệm sâu hơn về khả năng gây hại của SKMT, nhất là trên thực địa.

Đối với ngô vụ hè thu, SKMT phát sinh trên ngô hè thu cao điểm gây hại từ cuối tháng 6 đến tháng 9 chủ yếu giai đoạn 3-7 lá đến xoáy nõn, mật độ phổ biến 1-3 c/m2, cao 5-10 c/m2, cục bộ 15-30 c/m2 (Sơn La, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh). Tổng diện tích nhiễm của vụ hè thu là 29.785 ha, trong đó nhiễm nặng 2.059 ha, đã phòng trừ 26.600 ha.

Theo đánh giá, đến nay, tình hình SKMT đã cơ bản được khống chế trên phạm vi cả nước, hiện chỉ còn phát sinh trên diện hẹp tại một số tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ.

Tại cuộc làm việc mới đây với Viện BVTV về công tác nghiên cứu phục vụ công tác phòng chống SKMT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, hiện nay, mặc dù tình hình gây hại của SKMT đã giảm mạnh trên phạm vi cả nước, tuy nhiên, đây là đối tượng sâu hại đa thực, có khả năng gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nhau.

Vì vậy, ngành BVTV cũng như các địa phương không được chủ quan, phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phát hiện kịp thời tình hình phát sinh gây hại của SKMT, đặc biệt là trên các đối tượng cây trồng khác (ngoài cây ngô)...

Đối với Viện BVTV, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị cần tiếp tục có những thí nghiệm, nghiên cứu, đánh giá sâu hơn nữa về khả năng gây hại, các loại ký chủ mà SKMT có thể gây hại tại nước ta, đặc biệt là trong cả điều kiện nhà lưới và thực địa.

Bởi mặc dù các công bố cho thấy SKMT có thể ăn tới 300 loại cây trồng, nhưng trong điều kiện khí hậu, các đối tượng chủng loại cây trồng của nước ta có nhiều khác biệt so với các nước trên thế giới nên khả năng, mức độ, đặc điểm gây hại có thể có nhiều sự khác biệt.

Trước mắt, Viện BVTV cần tiếp tục thí nghiệm thêm về khả năng, đặc điểm, nguy cơ gây hại của SKMT đối với cây lúa (lúa nước). Bởi SKMT từng xuất hiện và gây hại trên lúa tại Nam Định ở vụ mùa 2019, tuy nhiên sau đó lại nhanh chóng bị tiêu diệt và không thấy bùng phát ra diện rộng, nên cần có những đánh giá thêm.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.