| Hotline: 0983.970.780

Sâu keo mùa thu đe dọa ngô vụ đông Nghệ An

Thứ Năm 29/08/2019 , 09:40 (GMT+7)

Đến huyện Nam Đàn, trên vùng đất bãi cao ven sông Lam đã gieo trồng được hơn 300ha ngô. Trong số đó, đã có trên 200ha ngô đang bị sâu keo mùa thu cắn phá...

18-55-05_sukeo1
Người dân đang lo lắng trước vấn nạn sâu keo mùa thu.

Nhiều loại cây trồng vụ hè thu này ở Nghệ An thu hoạch sớm hơn các vụ trước, nên có nhiều cây rau màu vụ đông được triển khai gieo trồng sớm, như đậu các loại, ngô, khoai, cà chua… Riêng cây ngô đến thời điểm này Nghệ An trồng được hơn 3.000ha, tập trung chủ yếu ở vùng đất màu bãi ngang huyện Diễn Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu và vùng đất bãi cao ven sông Lam ở Nam Đàn, Thanh Chương…

Trên diện tích ngô đã được gieo trồng, loại ngô sớm đã có 7 - 8 lá, loại mới gieo đã có 4 - 5 lá. Nhưng đáng lo nhất hiện nay là đã có hơn 1.600ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại nặng.

Riêng ở huyện Diễn Châu theo ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, đến thời điểm này các xã đã trồng xong 2.000ha ngô đông theo kế hoạch của huyện đề ra. Nhưng rất đáng buồn là không có nơi nào cây ngô không bị sâu keo mùa thu phá hoại với mức độ khác nhau, nơi bị nặng là 20 - 30% cây bị hại, có nơi là 50 - 60% số cây bị hại.

Chị Thái Thị Lam - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu cho biết vụ đông năm nay, toàn HTX đã gieo trồng xong 100ha các loại rau, củ, quả; 15ha lạc; 10ha khoai tây và 70ha ngô. Nhưng rất buồn toàn bộ diện tích ngô đã bị sâu keo mùa thu phá hoại nặng. Bà con sớm hôm vất vả tìm cách phòng trừ, phun đủ các loại thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, nhưng sâu vẫn không bị tiêu diệt hết, đã có hơn 5ha ngô phải bứt đem về cho trâu, bò ăn.

Đến huyện Nam Đàn, trên vùng đất bãi cao ven sông Lam đã gieo trồng được hơn 300ha ngô. Trong số đó, đã có trên 200ha ngô đang bị sâu keo mùa thu cắn phá thuộc các xã Nam Thượng, Nam Tân, Vân Diên, Nam Hưng. Ông Nguyễn Văn Hưng ở xóm 7, xã Nam Tân, một trong những hộ nông dân chủ động gieo trỉa ngô sớm nhất với gần 3 sào ngô đã có 4 - 5 lá mặt rầu rĩ.

Ông vừa phun thuốc tiêu diệt sâu keo mùa thu, vừa nói với chúng tôi có vẻ lo lắng: "Chưa bao giờ, chúng tôi thấy loại sâu keo gì mà cắn phá ngô nhanh như loại sâu này, nguy to các anh ơi, khả năng dễ mất vụ ngô này lắm. Nếu lần phun thuốc này không trừ được sâu thì chúng tôi phải phá ngô sớm để chuyển sang trồng rau, dưa kiếm sống".

Đến huyện miền núi Thanh Chương, theo ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện thì vụ hè thu vừa rồi gieo trồng được 450ha ngô, tất cả đều bị sâu keo mùa thu phá hoại nặng nề, bà con nông dân rất "khiếp" loại sâu này. Vì vậy, huyện đang lo vụ ngô đông năm nay kế hoạch gieo trồng 3.500ha ngô xong trước ngày 30/10 khó thành công. Đơn giản vì lo sợ sâu phá hoại nên bà con không mặn mà gieo trồng nhiều.

Còn theo khuyến cáo của Cơ quan BVTV vùng khu 4 thì cứ 10 ngày phun thuốc 1 lần, dân không chịu nổi, chi phí lớn, không ai thực hiện được. Cũng theo khuyến cáo nên sử dụng giống ngô biến đổi gen để gieo trồng. Thực tế trong vụ hè thu vừa rồi, huyện Thanh Chương có trồng thử gần 1 sào giống ngô biến đổi gen ở xã Thanh Tiên, vẫn bị sâu phá, nhưng mức độ có nhẹ hơn, có thể do vụ đầu, còn nếu gieo trồng liên tục nhiều vụ chưa hẳn hạn chế được sâu keo.

Có thể nói, kế hoạch gieo trồng 22.000ha ngô vụ đông năm 2019 ở Nghệ An đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi không riêng gì thời tiết (mưa, gió, bão, ngập úng...), thời vụ khẩn trương, mà trước mắt là sâu keo mùa thu đã xuất hiện phá hoại ngay trên những vùng ngô đông được gieo trồng sớm như hôm nay.

Bài học và kinh nghiệm phòng trừ sâu nói chung và sâu keo mùa thu nói riêng, theo chúng tôi cần chỉ đạo bà con nông dân không chỉ sử dụng đúng các loại thuốc có hiệu nghiệm đối với loại sâu này, như Indoxacarb (Ammate 150 SC, Clever 150 SC…) Lufenuron (Match 50 EC), Spineteram (Radiant 60 SC) mà phải phun khi sâu đang ở tuổi 1 - 3, phun vào lúc gần cuối buổi chiều tối là tốt nhất, phun 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày, mỗi sào (500m2) phun từ 20 - 25 lít nước thuốc đã pha.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.