| Hotline: 0983.970.780

Những triệu phú cam sạch ở Đồng Bàng, không phải lo nhiều về đầu ra

Thứ Sáu 16/03/2018 , 07:15 (GMT+7)

Nhờ trồng cam sạch, những người nông dân trong tổ trồng cam VietGAP ở tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã trở thành triệu phú. 

Có những năm nhiều hộ trồng cam bị mất giá nhưng cam của những lão nông nơi đây vẫn được giá và có thị trường tiêu thụ ổn định.
 

Nữ đại gia “ba nhất”

Chị Đoàn Thị Thơm, người phụ nữ trồng cam có biệt danh “nữ đại gia 3 nhất” ở Đồng Bàng. Bởi chị là hộ có diện tích trồng cam lớn nhất, là người phụ nữ duy nhất trong tổ VietGAP và là một trong những hộ có ngôi biệt thự đẹp nhất tổ dân phố.

Ngôi nhà xây khang trang của gia đình chị Đoàn Thị Thơm, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên

Chị Thơm tâm sự, để có thành quả hôm nay, gia đình cũng nhiều phen nếm mật, nằm gai. Chị vốn là công nhân của Công ty lâm nghiệp Hàm Yên. Năm 1995 chị về nghỉ hưu. Với đồng lương ít ỏi, sống tằn tiệm mới đủ cho nhà 4 miệng ăn. Không để đói nghèo “dẫn dắt” cuộc sống, năm 1996, chị bàn với chồng vào khai hoang khu đồi Khe Chuối với chuối. Rồi chị vay 40 triệu của ngân hàng đầu tư trồng cam.

Không có kinh nghiệm và kỹ thuật, những vụ đầu chị trồng cam dày như… trồng ngô. Cây cách cây chưa đến 1m, tán không phát triển cây cứ cao vút, quả ít lại ở cao nên khó thu hoạch. Sau khi đi học hỏi ở nhiều nhà vườn khác, chị ngậm ngùi cắt bỏ một số gốc cam để cây cách cây từ 5 đến 6m. Đến năm thứ 5, vườn cam của gia đình chị bắt đầu cho thu lãi, ngôi nhà tạm ọp ép được thay thế bằng ngôi biệt thự đẹp nhất làng.

Nhiều năm gắn bó với cây cam, chị Thơm luôn đau đáu ước mơ để quả cam vươn xa. Năm 2016, khi được vận động vào tổ VietGAP chị đồng thuận rất cao. Chị bảo, vào tổ cam chị học được những nguyên tắc, trình tự, thủ tục sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Trồng cam theo hướng này vừa đảm bảo sức khoẻ người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Vườn cam VietGAP của gia đình chị Đoàn Thị Thơm, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên

Cầm quả cam cuối vụ đỏ mọng trên tay chị phân tích, cam VietGAP so với cam chăm sóc bình thường vỏ thường dày hơn, tuy nhiên độ ngọt cao, cam để được lâu. Đặc biệt, mô hình VietGAP không lo về đầu ra của sản phẩm vì cam đến độ thu hoạch được thương lái ở miền Nam, Hà Nội đến tận vườn thu mua, giá cao hơn cam thường từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Vụ năm nay, gia đình chị thu hoạch được hơn 60 tấn cam. Trừ chi phí gia đình chị lãi hơn 500 triệu đồng.
 

Nhân rộng mô hình cam sạch

Lão nông Lê Quý Đáng, tổ trưởng tổ cam VietGAP ở Đồng Bàng cho biết, đầu năm 2016, khi chính quyền địa phương có chủ trương hỗ trợ triển khai mô hình VietGAP tại Đồng Bàng, ông mạnh dạn nhận làm tổ trưởng và là người đầu tiên áp dụng mô hình trên diện tích cam gần 1ha.

Ông Đáng nhớ lại, ngày trước người nông dân thường quan niệm muốn trừ tận gốc sâu bệnh phải dùng nhiều thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, muốn cây tốt phải bón phân vô cơ… Nhưng sau khi được cán bộ tập huấn cách trồng, chăm sóc cam an toàn theo quy trình VietGAP và ghi chép sổ nhật ký nông hộ, bà con đã dần thích nghi và mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau 1 tháng vận động, tổ cam VietGAP Đồng Bàng gồm 11 người đã được thành lập với diện tích 18,5 ha. Cuối vụ 2016, mô hình cam được thu hoạch cho năng suất và chất lượng quả tương đương cam ngoài mô hình. Sản phẩm cam được cấp Giấy chứng nhận sản xuất cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và tiêu thụ dễ dàng.

Mô hình trồng cam hữu cơ của gia đình ông Lê Quý Đáng, tổ dân phố Đồng Bàng, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên

Gia đình anh Giáp Văn Chung hiện có hơn 2 ha cam. Anh Chung chia sẻ, dù đã có gần 20 năm thâm niên trồng cam nhưng khi tham gia tổ sản xuất mình đã vỡ ra được nhiều điều. Trồng cam theo phương thức cũ, người nông dân sẽ đỡ vất vả hơn nhưng nếu không làm tốt sẽ khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, khi ông Đáng vận động vào tổ, anh đồng ý ngay.

Hơn 2 năm tham gia tổ hợp tác, anh Chung kể làu làu cho tôi nghe quy trình trồng và chăm sóc cam sạch. Như trồng phải đảm bảo theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng lúc, đúng cách); ưu tiên sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học góp phần hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Dù năng suất cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP không cao hơn so với diện tích cam ngoài mô hình nhưng sản phẩm cam đã đạt tiêu chuẩn theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vụ này vườn cam của gia đình anh cho thu 30 tấn quả, trừ chi phí lãi trên 250 triệu đồng.

Do nắm vững kiến thức trồng cam sạch, các hộ dân trong tổ đều chủ động trồng những diện tích còn lại theo hình thức VietGAP, đến nay tổng diện tích cam an toàn của tổ lên trên 36 ha. Mỗi vụ cho thu hoạch 425 tấn quả. 11/11 hộ gia đình trong tổ VietGAP đều là triệu phú và trở thành điểm sáng trong các mô hình trồng cam sạch ở Hàm Yên.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm