| Hotline: 0983.970.780

Cây giống quyết định thành bại trồng rừng gỗ lớn

Thứ Sáu 28/10/2022 , 15:31 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Trồng rừng gỗ lớn 8 - 10 năm sau mới khai thác, nếu chọn cây giống không đạt chất lượng, rừng sinh trưởng kém, phát triển không đồng đều, dẫn tới năng suất thấp.

Đừng ham rẻ mua phải "giống rởm”

Bình Định được đánh giá là tỉnh phát triển mạnh nghề rừng trong khu vực miền Trung, đóng góp vào thành công này là nhờ đa số người trồng rừng sử dụng cây giống có chất lượng.

Hiện nay, Bình Định đang có khoảng 146 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đang hoạt động, phân theo loại hình đăng ký kinh doanh thì có 24 doanh nghiệp, 4 đơn vị sự nghiệp; 118 cơ sở sản xuất. Trong đó, có 3 đơn vị có nhà nuôi cấy mô sản xuất các giống keo lai, bạch đàn, chủ yếu là dòng U6.

Bạt ngàn rừng trồng ở Phước Mỹ (thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bạt ngàn rừng trồng ở Phước Mỹ (TP Quy Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Về nguồn giống, Bình Định có 153 vườn cây đầu dòng với diện tích hơn 44ha cung cấp hom keo lai. Chất lượng cây giống lâm nghiệp sản xuất tại Bình Định không chỉ được người trồng rừng trong tỉnh tin tưởng, mà còn lan tỏa đến người trồng rừng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sang đến Lào, Campuchia.

Số lượng sản xuất cây giống lâm nghiệp ở Bình Định tăng lên từng năm. Đơn cử 3 năm gần nhất, nếu như năm 2019 chỉ sản xuất được gần 124 triệu cây (trong đó keo lai giâm hom hơn 116 triệu cây, keo lai cấy mô gần 8 triệu cây) thì đến năm 2020, số lượng giống cây lâm nghiệp Bình Định sản xuất ra tăng lên gần 159 triệu cây (trong đó keo lai giâm hom gần 152 triệu cây, keo lai mô hơn 7 triệu cây). Năm 2021, sản xuất cây giống lâm nghiệp ở Bình Định tăng đến gần 163,6 triệu cây, trong đó keo lai giâm hom gần 151,4 triệu cây, keo lai cấy mô tăng đến hơn 12,2 triệu cây.

Bình Định được đánh giá là một trong những tỉnh quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống lâm nghiệp rất tốt, đặc biệt việc thực hiện cấp, hủy nguồn giống khi hết hạn. Nhờ đó, cây giống lâm nghiệp sản xuất tại Bình Định được người trồng rừng khắp nơi tin tưởng, đánh giá cao. Tuy nhiên, giống cây lâm nghiệp kém chất lượng không phải là không còn tồn tại trên thị trường, tuy là số ít, nhưng tình trạng này giống như vết lem bôi trên bức tranh đẹp.

Ở Bình Định đang có khoảng 146 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đang hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định đang có khoảng 146 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp đang hoạt động. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), những tồn tại nói trên xuất phát từ những cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp theo kiểu “chụp giật”. Đối với cây keo lai giâm hom, hom cắt vườn cây đầu dòng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; vườn cây đầu dòng chưa công nhận, không được chăm sóc, vệ sinh tốt; vườn bị nhiễm bệnh; cắt hom không đảm bảo, cắt cành thứ cấp… sẽ cho ra cây giống kém chất lượng.

Cũng theo ông Đạo, người trồng rừng mua giống kém chất lượng do ham giá rẻ, hoặc thông qua trung gian mua phải cây giống loại 2, loại 3, cây giống đã bị loại. Cây lâm nghiệp là cây dài ngày, mua cây giống kém chất lượng phải đến 3 - 4 năm sau mới biết mình mua phải cây "giống rởm”, đến khi ấy không có giấy tờ gì để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, cũng không nhớ mua ở cơ sở nào để phản ánh với ngành chức năng.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định), trong vườn ươm cây giống của công ty. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Nguyễn Ngọc Đạo (phải), Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) trong vườn ươm cây giống của Công ty. Ảnh: V.Đ.T.

“Nếu trồng keo lai, người trồng rừng nên nên đặt mua cây giống từ 2 dòng trở lên để phòng trừ rủi ro về sâu bệnh. Các dòng hiện nay đang trồng phổ biến là AH1, BV75; BV33, BV32, AH7… Cây giống lâm nghiệp nên mua cây loại 1 của đơn vị có đăng ký kinh doanh, có nguồn giống được công nhận.

Khi mua cây giống, phải yêu cầu cơ sở bán giống cấp hóa đơn, hoặc phiếu xuất kho để sau này truy xuất nguồn gốc. Nếu mua qua trung gian, cần có phiếu xuất kho của đơn vị bán giống, ghi rõ loại cây, người trồng rừng nên liên lạc với đơn vị sản xuất giống để xác nhận”, ông Nguyễn Ngọc Đạo chia sẻ.

Rừng gỗ lớn rất cần giống cây lâm nghiệp mới

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 1995 - 2000, Bình Định phát triển mạnh phong trào trồng rừng, thế nhưng do chất lượng cây giống chưa được quan tâm đúng mức, cây giống sản xuất từ hạt nên năng suất, chất lượng rừng trồng thấp, hiệu quả trồng rừng không cao.

Từ năm 2000, Bình Định tiến hành triển khai Đề án phát triển giống cây lâm nghiệp giai đoạn 2001 - 2010; xây dựng và ban hành các văn bản quản lý nhà nước về công tác giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; trang bị và nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn về công tác giống lâm nghiệp. Tỉnh này cũng xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản, thiết yếu cho công tác sản xuất cây giống; tuyển chọn giống, xây dựng các nguồn giống để sản xuất cây giống bằng phương pháp giâm hom, nuôi cấy mô.

Giá thể trong bầu giống lâm nghiệp là đất nên vận chuyển lên rừng rất nặng, tốn nhiều công đóng bầu và công vận chuyển. Ảnh: V.Đ.T.

Giá thể trong bầu giống lâm nghiệp là đất nên vận chuyển lên rừng rất nặng, tốn nhiều công đóng bầu và công vận chuyển. Ảnh: V.Đ.T.

Từ đó đến nay, công tác quản lý, sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp ở Bình Định dần đi vào nề nếp, chất lượng rừng trồng được nâng lên rõ rệt. Đến nay, năng suất rừng trồng ở Bình Định bình quân đạt 120 - 140m3/ha/chu kỳ (từ 6 đến 7 năm), tăng gấp đôi so với những năm 2000 với năng suất chỉ đạt 60 - 70m3/ha/chu kỳ (6 đến 7 năm).

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 30.000ha rừng gỗ lớn, công tác quản lý giống cây lâm nghiệp và công tác nghiên cứu các giống mới càng được Bình Định đặt lên hàng đầu. Các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở Bình Định tăng cường quản lý các nguồn giống được công nhận, quản lý chất lượng giống theo chuỗi hành trình, đặc biệt là các nguồn giống gốc đưa vào sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô, nguồn giống trồng vườn cây đầu dòng cung cấp hom.

Ngoài ra, Bình Định còn tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất giống; tổ chức tập huấn, hội thảo, nâng cao năng lực quản lý giống cây trồng lâm nghiệp cho các đơn vị quản lý nhà nước cấp huyện, các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn các đơn vị sản xuất giống quản lý theo chuỗi đối với giống các loài cây lâm nghiệp chính để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng quản lý, sản xuất giống cây trồng.

Đối với Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, đây là đơn vị nhà nước vừa phục vụ công ích, vừa kinh doanh rừng trồng và cây giống lâm nghiệp. Thế nhưng theo ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty, mỗi năm đơn vị này chỉ sản xuất khoảng 1 triệu cây giống lâm nghiệp để phục vụ cho việc trồng rừng của Công ty.

Sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng, rừng trồng tránh được sâu bệnh hại, nhanh phát triển. Ảnh: V.Đ.T.

Sử dụng giống cây lâm nghiệp chất lượng, rừng trồng tránh được sâu bệnh hại, nhanh phát triển. Ảnh: V.Đ.T.

Theo quan điểm của ông Đạo, hiện trên địa bàn Bình Định đã có đến 146 đơn vị chuyên sản xuất giống cây lâm nghiệp đang hoạt động rất tốt, nên Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn không đặt mục tiêu cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất cây giống, mà sẽ tập trung thu thập các giống mới về sản xuất khảo nghiệm để vừa phục vụ cho việc trồng rừng của Công ty và phục vụ người trồng rừng trong tỉnh.

Trong những năm qua, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn đã có nhiều đề tài nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình thử nghiệm giống mới. Từ năm 2019 đến nay, Công ty đã thực hiện 2 đề tài cấp tỉnh; thực hiện mô hình so sánh các dòng keo lai, quản lý rừng cộng đồng, trồng cây dược liệu, trồng rừng gỗ lớn. Thời gian tới, Công ty tiếp tục xây dựng mô hình chuyển hóa rừng gỗ lớn và mô hình so sánh hiệu quả các giống cây lâm nghiệp và kỹ thuật chăm sóc rừng.

“Hiện các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp trong bầu thủ công, giá thể là đất, nên vận chuyển lên rừng rất nặng, tốn nhiều công đóng bầu và công vận chuyển. Thời gian tới, Công ty sẽ nghiên cứu thay đổi giá thể trong đóng bầu giống cây lâm nghiệp, tái cơ cấu vườn ươm. Hoạt động của Công ty sẽ hướng đến 3 mũi nhọn là kinh tế, môi trường và xã hội, đặc biệt là hỗ trợ người trồng rừng về kỹ thuật để đạt hiệu quả cao hơn từ kinh tế rừng”, ông Nguyễn Ngọc Đạo, Chủ tịch Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cho biết.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất