| Hotline: 0983.970.780

Nhiều sáng kiến hay gắn doanh nghiệp với người trồng rừng

Thứ Năm 17/11/2022 , 10:21 (GMT+7)

Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu gỗ và tính hợp pháp, ngành gỗ Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người trồng rừng.

Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang có nhiều cơ hội tại thị trường EU. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam đang có nhiều cơ hội tại thị trường EU. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại diện phía doanh nghiệp tư nhân trong ngành gỗ, ông Cao Chí Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua cũng có những thời điểm, doanh nghiệp gỗ và lâm sản Việt Nam gặp một số khó khăn trước mắt. Thế nhưng, với kinh nghiệm và sự nỗ lực của từng doanh nghiệp đã từng bước vượt qua những thách thức, khó khăn, vướng mắc để đạt được một số kết quả khả quan.

Để đạt được một số thành tích đó cũng như hưởng ứng Hiệp định VPA/FLEGT triển khai ở Việt Nam từ năm 2019, theo ông Công, cộng đồng doanh nghiệp trong ngành gỗ cũng có nhiều sáng kiến.

Hưởng ứng Hiệp định VPA/FLEGT, năm 2020 Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đã phối hợp với 6 Hiệp hội gỗ và lâm sản các địa phương tiến hành ký kết một cam kết không sử dụng nguồn gỗ bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng, để phát triển một cách nhanh chóng nhưng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội.

Đồng thời, 6 Hiệp hội gỗ và lâm sản cũng đã thành lập một quỹ “Việt Nam xanh” với nguồn vốn ban đầu đóng góp được 6,5 tỷ đồng, những năm tiếp theo đưa vào hoạt động sẽ thu hút nguồn tài trợ của các doanh nghiệp cũng như là xã hội hóa để làm sao tài trợ cho các cái chương trình, dự án chế biến, trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế và gắn với bảo vệ môi trường.

Cũng đã xuất hiện một số mô hình kinh doanh có hiệu quả gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của người trồng rừng. Như các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ liên kết với các hộ gia đình, cá nhân có nguồn đất hợp pháp, chưa trồng rừng để tổ chức trồng rừng, sau đó ăn chia sản phẩm và khi khai thác thì toàn bộ sản phẩm liên tiếp đó sẽ được doanh nghiệp thu mua toàn bộ cho người dân theo giá thị trường.

"Đây là một số mô hình vừa có lợi cho doanh nghiệp cũng như có lợi cho người trồng rừng, điển hình như là ở Yên Bái, Phú Thọ, Bình Định", ông Công cho hay.

Các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp trong và ngoài nước tham quan nhà máy sản xuất gỗ tại Công ty Gỗ Minh Dương (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp trong và ngoài nước tham quan nhà máy sản xuất gỗ tại Công ty Gỗ Minh Dương (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ngoài ra, còn có mô hình đầu tư phối hợp giữa các công ty chế biến xuất khẩu liên kết với các doanh nghiệp đã có diện tích đất trồng rừng, nhưng chưa cấp chứng chỉ. Khi đó, các doanh nghiệp chế biến sẽ đầu tư kinh phí hướng dẫn kỹ thuật để tổ chức nâng cao chất lượng rừng. Đồng thời, tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ rừng.

"Mô hình này điển hình là ở tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, đến nay theo số liệu sơ bộ thống kê ở mô hình này có hơn 15.000 hecta với 5 chủ rừng là doanh nghiệp chuyên trồng rừng sản xuất", Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nói.

Mô hình thứ ba, là mô hình các doanh nghiệp chế biến sẽ hợp tác với các hộ gia đình trồng rừng nhỏ lẻ nhưng chưa có điều kiện để cấp chứng chỉ, thì các doanh nghiệp sẽ đầu tư tiền để nâng cao chất lượng rừng của các hộ gia đình, cá nhân. Sau đó, hỗ trợ tư vấn và tổ chức mời các tổ chức vào đánh giá để cấp chứng chỉ rừng.

"Đến nay, các mô hình này cũng được khoảng hơn 20.000 hecta với gần 1.000 hộ gia đình, cá nhân ở nhiều tỉnh và chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc. Toàn bộ các sản phẩm của các hộ gia đình khai thác thì doanh nghiệp đều tiêu thụ hết với cái giá cả theo đúng giá thị trường và thỏa thuận giữa hộ gia đình", ông Công cho hay.

Mô hình cuối cùng, là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sẽ liên kết hợp tác với các doanh nghiệp chế biến nhỏ lẻ để cung cấp nguồn nguyên liệu bền vững và có chứng chỉ để cho các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nguồn nguyên liệu này chế biến.

Ông Công cho biết thêm, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam có ba Chi hội ngành hàng gồm: Chi hội dăm gỗ, Chi hội gỗ dán và Chi hội viên nén. Chính các chi hội này sẽ hợp tác với nhau để chia sẻ thị trường cũng như hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất kinh doanh và cùng nhau cam kết không chặt rừng non trong quá trình khai thác, chế biến xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản.

Theo Tổng Cục lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn quốc là 16,34 triệu ha, chiếm 49% tổng diện tích tự nhiên (tính đến năm 2020), trong đó, đất có rừng là 14,67 triệu ha, tương ứng tỷ lệ che phủ rừng 42%. Những năm gần đây, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng. Giai đoạn 2010 - 2020, trồng rừng sản xuất mỗi năm đạt trên 200.000ha.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Điển, có hàng loạt bài toán lớn đặt ra khi nói đến duy trì và phát triển các chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững như cân bằng giữa bảo tồn và bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế lâm nghiệp. Chuỗi giá trị này hiện nay chủ yếu từ rừng trồng và nhập khẩu, không khai thác gỗ tự nhiên của Việt Nam (đã đóng cửa rừng - PV). Gắn với một loạt bối cảnh rộng lớn, đó là các tuyên bố về rừng, về sử dụng đất, về biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phát triển nền kinh tế xanh…

Vì vậy, vai trò của các doanh nghiệp trồng rừng lấy gỗ phối hợp với các hộ gia đình và chế biến gỗ ngày càng quan trọng hơn nếu muốn đảm bảo 100% gỗ xuất khẩu từ Việt Nam là “hợp pháp”.

Là một trong những địa phương xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành gỗ và lâm sản trên địa bàn, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương đang thúc đẩy việc kiến nghị Chính phủ và tỉnh Bình Dương nghiên cứu, quy hoạch một khu công nghiệp dành riêng cho ngành gỗ với diện tích 350 ha trở lên.

Nơi đây sẽ tập hợp, chuyên môn hóa trong sản xuất, thúc đẩy sản xuất lớn với quy trình được liên kết chặt chẽ, hình thành chuỗi sản xuất, phát triển ngành công nghiệp gỗ hiện đại, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ngoài ra, sẽ giúp các doanh nghiệp gỗ tiết kiệm chi phí vận chuyển, giao thương còn giúp địa phương giảm tải được sức nặng trong vấn đề giao thông. Đặc biệt, khi có khu công nghiệp tập trung chuyên ngành gỗ, việc hình thành phát triển các trung tâm giao dịch, trung tâm triển lãm hội chợ đủ tầm sẽ trở nên dễ dàng hơn, từ đó tạo đà xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu gỗ Việt, trở thành lợi thế lớn về quảng bá thương hiệu gỗ Việt đến thế giới.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất