| Hotline: 0983.970.780

Những vùng rau Sơn La quanh năm xanh mướt bán khắp thị trường

Thứ Năm 14/05/2020 , 06:01 (GMT+7)

Từ những cánh đồng gần như quanh năm bỏ hoang, nhiều nơi ở Sơn La nay đã trở thành những vựa rau mướt mát quanh năm, cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Nhiều mô hình trồng cà chua trái vụ ở xã Vân Hồ cho giá trị hàng tỉ đồng/năm. Ảnh: Lê Bền.

Nhiều mô hình trồng cà chua trái vụ ở xã Vân Hồ cho giá trị hàng tỉ đồng/năm. Ảnh: Lê Bền.

Cú hích tư duy sản xuất

Thời điểm này trước đây, những cánh đồng ở xã Vân Hồ vẫn còn là những bãi hoang chăn thả trâu bò.

Phải tới tháng 6 hàng năm, khi mưa xuống, đồng bào người Mông ở đây mới rục rịch ra đồng cày cấy. Cả năm, những đồng đất ở Vân Hồ chỉ có một vụ lúa, từ tháng 9, tháng 10 năm trước tới tháng 6 năm sau chỉ bỏ hoang.

Đất bỏ hoang, nhưng bà con quanh năm lại đều phải đi mua rau ngoài chợ do thương lái đưa từ dưới xuôi lên bán, bởi ngoài tận dụng rau rừng, gần như chẳng mấy ai biết trồng rau.

Bây giờ thì khác, những cánh đồng ở Vân Hồ đã trở thành vùng chuyên canh rau, quanh năm phủ một màu xanh mướt mát, đủ các chủng loại rau như cải bắp, cà chua, bầu bí...

Sự đổi thay chỉ bắt đầu từ năm 2015 trở đi, khi dự án Aciar (do Úc tài trợ) được Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc triển khai hỗ trợ cho bà con ở các địa phương có lợi thế về trồng rau tại các huyện Vân Hồ và Mộc Châu của tỉnh Sơn La.

Với lợi thế có khí hậu tương đối mát mẻ quanh năm, dự án đã tiến hành khảo sát đánh giá, lựa chọn các vùng có lợi thế về trồng rau. Đồng thời có các gói hỗ trợ tổng thể từ tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rau đến liên kết sản xuất, gắn với thành lập các tổ hợp tác, kết nối tiêu thụ rau an toàn… cho bà con tại Vân Hồ và Mộc Châu.

Ông Lưu Ngọc Quyến, Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đánh giá: Cái được lớn nhất của dự án là đã từng bước thay đổi từ trình độ sản xuất, hình thành tư duy sản xuất hàng hóa cho bà con, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ chỗ bà con chưa biết tự sản xuất rau để phục vụ cho chính gia đình mình, thì đến nay đã có bước chuyển rất lớn sang sản xuất hàng hóa, tạo thu nhập, thậm chí làm giàu từ chính mảnh đất của mình.

Trước đây, bà con không biết sản xuất từ su hào, bắp cải hay cà chua, thì nay sản xuất rau không chỉ để ăn mà còn để bán và tạo ra thu. Nông dân đã biết được mình nên trồng cây trồng gì trên đất của mình cho hiệu quả.

Nếu như trước đây, bà con chỉ biết tới trồng ngô, lúa, tự túc lương thực là chính thì nay đã có thể trồng những loại rau cho thu nhập hàng trăm triệu/ha, thậm chí cà chua trái vụ hàng tỉ đồng/ha.

Không những thế, bà con đã dần tiếp cận được làm thế nào để tạo ra các sản phẩm rau an toàn, kỹ thuật trong canh tác tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng.

Dự án ban đầu chỉ triển khai ở các nhóm nông dân nhỏ, sau này tự nông dân đã biết liên kết với nhau hình thành các HTX, tạo sản phẩm đủ lớn, đang dần xây dựng tên tuổi, thương hiệu, kết nối tiêu thụ với nhiều hệ thống phân phối có giá trị cao.

Lợi thế trời phú rau trái vụ

Bà Đinh Thị Xoa ở bản Hang Trùng, Giám đốc HTX Sản xuất rau an toàn xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, Sơn La) cho biết: Thông qua việc lựa chọn thử nghiệm trồng nhiều loại rau, đến nay dự án đã tư vấn tập huấn đào tạo, giúp bà con nắm vững quy trình sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ đối với nhiều loại rau chủ lực như cà chua, cải bắp, bầu bí các loại, đậu cô ve...

Từ chỗ “mù tịt” về trồng rau, nay người dân ở xã Vân Hồ đã nắm lòng bàn tay phải làm đất ra sao, bón phân thế nào, sử dụng thuốc BVTV trong danh mục, đảm bảo thời gian cách li trong sử dụng thuốc BVTV, ghi chép nhật ký sản xuất...

Bà con cũng đã bắt đầu sản xuất rau theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm từ gừng, tỏi, ớt để phun cho rau, nhất là giai đoạn gần thu hoạch, chỉ sử dụng thuốc BVTV sinh học khi thật sự cần thiết...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bìa trái) cho biết sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Sơn La nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sản xuất rau của tỉnh. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bìa trái) cho biết sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh Sơn La nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sản xuất rau của tỉnh. Ảnh: Lê Bền.

Từ năm 2019, HTX Sản xuất RAT Vân Hồ cũng đã tiếp cận, liên kết với một số doanh nghiệp để phân phối rau tại hệ thống cửa hàng tiện ích tại thị trường Hà Nội, Bắc Ninh...

Chỉ trong vòng 4-5 năm gần đây, bộ mặt của nhiều địa phương ở Vân Hồ và Mộc Châu đã nhanh chóng được đổi thay nhờ phát triển trồng rau, nhất là tận dụng được lợi thế rau trái vụ.

Điển hình như tại xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ), từ chỗ ban đầu chỉ có 7 hộ dân tham gia dự án, với diện tích ít ỏi 1,4 ha thì đến năm 2020, đã có trên 40 hộ dân tham gia HTX với tổng diện tích khoảng 20ha tập trung. 

Anh Trương Văn Nghiệp, một chủ cơ sở ươm cung cấp giống rau cho bà con tại Mộc Châu cho biết, những năm gần đây, việc mở rộng diện tích rau đã tăng rất mạnh tại các huyện Mộc Châu và Vân Hồ.

Đặc biệt năm 2020, nhu cầu cây giống của bà con Vân Hồ, Mộc Châu tăng đột biến, gấp khoảng 3 lần so với mọi năm.

Từ đầu năm đến nay, cơ sở đã cung cấp (chỉ tính riêng huyện Vân Hồ) đã khoảng 1 triệu cây giống/tháng, tương đương với gần 100 ha gieo trồng chỉ riêng với cây bắp cải. Ngoài ra còn có lượng lớn cây cà chua và các rau màu khác...

Rau trồng quanh năm, thu nhập 300 - 400 triệu/ha/năm

Đinh Thị Xoa, Giám đốc HTX Rau an toàn Vân Hồ, cho biết: Trước đây, mỗi năm bà con chỉ trồng một vụ lúa, chủ yếu chỉ để lấy gạo ăn thì đến nay, mỗi hecta rau, như bắp cải mỗi lứa cho thu bình quân 36 tấn, nhân với 3 vụ/năm, cho bình quân 100 tấn/năm, chỉ cần cải bắp có giá bình quân 5 nghìn đồng/kg, cũng cho giá trị bình quân 500 triệu/ha/năm, trừ chi phí cho thu nhập từ 300-400 triệu đồng/ha/năm.

Ông Lưu Ngọc Quyến, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, nhấn mạnh: Với lợi thế khí hậu mát mẻ quanh năm, các vùng rau của Vân Hồ và Mộc Châu của Sơn La có ưu thế lớn nhất là có thể luân canh sản xuất được các loại rau ôn đới trái vụ như cải bắp, cà chua, đậu, rau ăn lá các loại, bầu bí... Đến nay, bà con đã có thể làm chủ được kỹ thuật để trồng được từ 3 vụ rau quanh năm.

Nhờ sản xuất được các loại rau ôn đới ngay cả trong mùa hè, nên các loại rau của Sơn La có giá bán rất cao, đặc biệt là trong các tháng từ tháng 5 tới tháng 9 hàng năm, khi mà các vựa rau lớn tại các tỉnh miền xuôi đã hết vụ sản xuất các loại rau ôn đới.

Giá cải bắp từ tháng 5 tới tháng 10 hàng năm bán tại ruộng của các vùng rau ở Vân Hồ, Mộc Châu thường dao động thấp nhất từ 5-6 nghìn đồng/kg, cao điểm trong các tháng 7-9 hàng năm có lúc lên 13-14 nghìn đồng/kg. Đặc biệt, cà chua trái vụ có năm cho thu nhập hàng tỉ đồng/ha/năm.

Đã có gần 1.400 ha rau VietGAP với 21 chuỗi cung ứng

Theo UBND tỉnh Sơn La, đến năm 2019, diện tích rau của Sơn La đã vươn lên gần 9.600 ha, sản lượng đạt hơn 131.000 tấn. Trong đó, gần 1.400 ha rau được chứng nhận VietGAP với 21 chuỗi cung ứng rau an toàn cho thị trường.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã làm việc với UBND tỉnh Sơn La, theo đó đồng ý chỉ đạo các đơn vị của Bộ NN-PTNT phối hợp chặt chẽ hơn nữa với tỉnh Sơn La nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ tỉnh Sơn La khai thác tiềm năng, lợi thế của sản xuất rau, nhất là rau trái vụ của tỉnh.

Với hiệu quả to lớn từ dự án Aciar, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết Bộ NN-PTNT đã đồng ý triển khai tiếp dự án Great do Chính phủ Úc tài trợ (kéo dài đến năm 2021) nhằm nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ sản xuất cũng như chuỗi giá trị cho các vùng rau của tỉnh Sơn La...

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với tỉnh Sơn La trong việc triển khai các chương trình nhằm nâng cao hơn nữa trình độ sản xuất cho nông dân, hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất tới tiêu thụ, đẩy mạnh thu hút các nhà máy chế biến sâu, thu hút các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ rau tại các hệ thống siêu thị trong nước nhằm tăng hơn nữa giá trị cho sản xuất rau của tỉnh Sơn La...

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Syngenta hỗ trợ xây trường học và nhà ở cho hộ nghèo

ĐẮK LẮK Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây nhà ở cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1 điểm trường tại xã Tân Tiến và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).