| Hotline: 0983.970.780

Cây ăn quả Sơn La dự báo được mùa lớn

Thứ Năm 23/04/2020 , 09:08 (GMT+7)

Nhiều loại cây ăn quả, đặc biệt là xoài tại vựa trái cây tỉnh Sơn La dự báo sẽ được mùa lớn trong niên vụ năm 2020.

Theo đánh giá của nông dân và ngành nông nghiệp tỉnh, đây là năm xoài Sơn La được ra quả sai chưa từng có. Ảnh: Lê Bền.

Theo đánh giá của nông dân và ngành nông nghiệp tỉnh, đây là năm xoài Sơn La được ra quả sai chưa từng có. Ảnh: Lê Bền.

Xoài được mùa chưa từng có

Dẫn chúng tôi rảo quanh khu đồi cây ăn quả bát ngát rộng gần 30ha tại Tiểu khu Nà Sản (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn), anh Nguyễn Văn Phòng, chủ nhân có thâm niên trồng cây ăn quả tại đây đánh giá: Đây là năm mà xoài tại Sơn La ra quả sai nhất từ trước đến nay.

Theo anh Phòng, năm nay, thời tiết từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020 tại Sơn La ít mưa, tuy nhiên do mùa đông kéo dài, nên xoài ra hoa đậu quả đặc biệt sai.

Bên cạnh đó, do nắng hạn cuối năm 2019, mùa mưa 2020 tại Sơn La năm nay cũng đến muộn hơn mọi năm nên xoài cũng ra hoa không tập trung, mà ra hoa đậu quả rải rác gồm nhiều trà.

Điều này sẽ khá thuận lợi cho thu hoạch rải vụ, tránh được áp lực xoài chín tập trung. Hiện tại, một số diện tích xoài trồng tập trung tại huyện Yên Châu và Mai Sơn đã cho thu hoạch bói, tuy nhiên vẫn có những trà xoài ra hoa muộn, mới đậu quả.

Theo ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Sơn La: Những năm gần đây, diện tích xoài của tỉnh Sơn La liên tục tăng mạnh, với diện tích tăng thêm từ 1-2 nghìn ha/năm.

Đến năm 2020, tổng diện tích xoài của Sơn La đã đạt khoảng trên 16 nghìn ha. Trong đó bên cạnh các diện tích xoài bản địa tại huyện Yên Châu đang được đầu tư thâm canh, ghép cải tạo, các diện tích xoài giống mới được trồng tập trung tại huyện Mai Sơn.

Niên vụ năm 2020, các diện tích xoài được trồng mới từ giai đoạn 2016-2017 đã bước vào giai đoạn cho thu hoạch rộ, vì vậy cùng với việc xoài được mùa lớn, dự kiến tổng sản lượng xoài toàn tỉnh sẽ tăng từ 25-30% so với năm 2019 với khoảng 192 nghìn tấn, trong đó có ít nhất khoảng 40 nghìn tấn đủ điều kiện xuất khẩu.

Mặc dù từ đầu năm 2020 đến nay, tại Sơn La đã xảy ra từ 2-3 đợt mưa đá, kèm dông lốc, gây thiệt hại (rụng quả) đáng kể cho một số diện tích cây ăn quả, tuy nhiên theo đánh giá chung, đây sẽ là năm được mùa của nhiều loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh Sơn La như xoài, nhãn, các loại cây có múi, mơ, mận...

Đối với nhãn, hiện đã kết thúc vụ ra hoa, đang giai đoạn đầu quả non. Theo đánh giá sơ bộ của các nhà vườn, năm nay nhãn ra hoa đậu quả muộn hơn mọi năm.

Do năm 2019 nhãn Sơn La được mùa, nên năm nay nhãn đậu quả không sai bằng năm ngoái, tuy nhiên theo đánh giá ban đầu, tỉ lệ ra hoa đậu quả của các vùng nhãn tập trung tại Sông Mã, Mai Sơn đều đạt trên 70% so với niên vụ năm 2019 nên cơ bản vẫn là năm được mùa, đồng thời có thể giữ được mức giá bán cao hơn năm ngoái.

Theo đánh giá ban đầu, tổng sản lượng nhãn của tỉnh Sơn La năm 2020 ước sẽ đạt khoảng trên 215.000 tấn, trong đó ít nhất khoảng 60 nghìn tấn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Vựa cây ăn quả lớn

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt khoảng 100.000 ha (sơn tra: 27.800 ha, cây ăn quả khác: 72.200 ha), trong đó: Diện tích xoài khoảng gần 18.000 ha, sản lượng 192.000 tấn; nhãn gần 20.000 ha, sản lượng ước 215.700 tấn; mận, mơ khoảng 10.400 ha, sản lượng 100.094 tấn; chuối 6.000 ha, sản lượng 72.000 tấn; cây có múi (cam, quýt, chanh, bưởi) khoảng 9.000 ha, sản lượng 135.000 tấn...

Sơn La đang trở thành vựa cây ăn quả lớn nhất nước. Đồ họa: Lê Bền.

Sơn La đang trở thành vựa cây ăn quả lớn nhất nước. Đồ họa: Lê Bền.

Tính đến tháng 10/2019, tổng diện tích chuyển đổi diện tích từ đất dốc canh tác cây lương thực, các loại cây công nghiệp hiệu quả thấp trên địa bàn để thực hiện chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đạt trên 33.189 ha, trong đó chuyển từ đất trồng lúa nương 1.259 ha, đất trồng ngô 30.599 ha, đất trồng sắn 716 ha, đất trồng cà phê 615 ha sang trồng cây ăn quả.

Các diện tích cây ăn quả chuyển đổi từ cây trồng kém giá trị đã cho thu nhập rất cao như chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu đồng/ha/năm; xoài ghép 500 triệu đồng/ha/năm; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha/năm; na hoàng hậu ghép tới 1 tỷ đồng/ha/năm...

Bên cạnh cung ứng cho thị trường tiêu thụ quả trong và ngoài tỉnh, đến năm 2019, Sơn La đã có các diện tích cây ăn quả đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu quả sang thị trường Úc, Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc với khoảng 300-500 ha, bao gồm các loại quả như nhãn, xoài, chanh leo, chuối, mận, bơ…

Ước năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu được hơn 20 nghìn tấn quả các loại (trong đó xoài 6.000 tấn; nhãn 7.400 tấn; chanh leo 2.000 tấn; chuối hơn 4.300 tấn; mận hậu hơn 900 tấn...) cho thị trường một số nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Australia, các nước EU, Campuchia... với giá trị khoảng 17,7 triệu USD.

Hiện Sơn La vẫn đang phối hợp chặt chẽ với Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) nhằm duy trì và xúc tiến cấp mới mã số vùng trồng cho nhiều loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu sang các thị trường. Cụ thể đến đầu năm 2020, toàn tỉnh đã được Cục BVTV cấp 119 mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu.

Việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, giá trị kém sang cây ăn quả đã cho giá trị cao vượt trội. Ảnh: Lê Bền.

Việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, giá trị kém sang cây ăn quả đã cho giá trị cao vượt trội. Ảnh: Lê Bền.

Trong đó, tổng số mã vùng trồng cây ăn quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 68 mã, với tổng diện tích đã được cấp mã 3.290 ha (sản lượng quả ước đạt 47.390 tấn), bao gồm: nhãn 45 mã số vùng trồng, diện tích 2.227 ha (sản lượng 33.411 tấn); xoài 22 mã số với diện tích 983ha (sản lượng 12.779 tấn); thanh long 1 mã với diện tích 80 ha (sản lượng 1.200 tấn).

Bên cạnh thị trường chủ lực Trung Quốc, tổng số mã số vùng trồng cây ăn quả đã được cấp để xuất khẩu sang thị trường khác như Úc, Mỹ... là 51 mã, với tổng diện tích 344 ha (trong đó xoài 14 mã, diện tích 103 ha; nhãn 34 mã, diện tích 207 ha; mận 2 mã, diện tích 27 ha; bơ 1 mã với diện tích 6 ha).

Cùng với hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, Sơn La đang thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư sâu vào chế biến các sản phẩm trái cây trên địa bàn tỉnh.

Nhà máy chế biến chanh leo của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu đã hoàn thành đi vào hoạt động; Nhà máy chế biến quả, đồ uống nước hoa quả công nghệ cao của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ đang xây dựng và sắp đi vào hoạt động; Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Ninh Bình và Công ty GreenPath đang triển khai quy trình đầu tư nhà máy sơ chế, bảo quản chế biến quả tại huyện Mai Sơn...

Ngoài ra, Sơn La cũng đang kêu gọi, thu hút đầu tư của nhiều doanh nghiệp như Công ty cổ phần Lavifood, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T; Công ty TNHH Tâm Hữu Dũng… đầu tư phát triển các vùng trồng cây ăn quả gắn với xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến quả ứng dụng công nghệ cao…

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất