| Hotline: 0983.970.780

Đường hướng chi tiết cho vùng cây ăn quả lớn nhất nước

Thứ Sáu 08/05/2020 , 13:46 (GMT+7)

Diện tích cây ăn quả của Sơn La đã tăng lên 100.000 ha, đứng đầu cả nước.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ hai từ trái sang) kiểm tra vùng xoài tập trung tại HTX Cây ăn quả Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La). Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ hai từ trái sang) kiểm tra vùng xoài tập trung tại HTX Cây ăn quả Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La). Ảnh: Lê Bền.

Ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã kiểm tra và làm việc với UBND tỉnh Sơn La nhằm tăng cường phối hợp hơn nữa giữa Bộ NN-PTNT và tỉnh Sơn La trong chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là chiến lược cho vùng cây ăn quả lớn nhất nước này.

Tranh thủ thời cơ thị trường xuất khẩu

Theo Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), đến nay, Cục đã phối hợp với tỉnh Sơn La triển khai cấp được 119 mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, với tổng diện tích gần 1.340 ha, sản lượng ước đạt trên 14.000 tấn quả các loại.

Trong đó có 68 mã số phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích trên 3.290ha (sản lượng quả ước đạt 47.390 tấn), bao gồm: nhãn 45 mã số vùng trồng, diện tích 2.227ha (sản lượng 33.411 tấn); xoài 22 mã số với diện tích 983ha (sản lượng 12.779 tấn); thanh long 1 mã với diện tích 80ha (sản lượng 1.200 tấn).

Bên cạnh thị trường chủ lực Trung Quốc, tổng số mã số vùng trồng cây ăn quả đã được cấp để xuất khẩu sang thị trường khác như Úc, Mỹ... là 51 mã, với tổng diện tích 344ha (trong đó xoài 14 mã, diện tích 103ha; nhãn 34 mã, diện tích 207ha; mận 2 mã, diện tích 27ha; bơ 1 mã, diện tích 6ha).

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV đề nghị Sơn La cần tiếp tục duy trì nghiêm việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật tại các vùng cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng nhằm sẵn sàng các điều kiện để xuất khẩu sang các thị trường, nhất là cơ hội xuất khẩu khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Cục BVTV và tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để cấp thêm các mã số vùng trồng khoảng trên 1.000 ha trong thời gian tới.

Cục BVTV tiếp tục đẩy nhanh công tác đàm phán nhằm mở cửa thêm đối với một số loại trái cây để xuất khẩu sang các thị trường có tiềm năng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc..., nhất là nối lại việc đàm phán đối với một số loại trái cây để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khi dịch Covid-19 được khống chế.

Vừa qua, việc Úc cho phép chiếu xạ đối với quả vải và nhãn, xoài ngay tại phía Bắc tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội sẽ là điều kiện thuận lợi cho các tỉnh phía Bắc xuất khẩu nông sản sang thị trường Úc, trong đó có sản phẩm trái cây chủ lực của tỉnh Sơn La như nhãn, xoài.

Cục BVTV cũng sẽ thu hút đầu tư, cho phép xây dựng dây chuyền xử lí bằng hơi nước nóng đối với các sản phẩm trái cây xuất khẩu tại phía Bắc nhằm tạo điều kiện cho việc xuất khẩu trái cây tại các tỉnh phía Bắc thuận lợi hơn.

Ông Hoàng Trung kiến nghị ngành Nông nghiệp Sơn La kiểm soát một số nguy cơ về dịch bệnh trên cây ăn quả; tăng cường quản lí và đẩy mạnh việc sử dụng phân bón hữu cơ trong nông nghiệp, đặc biệt là trên cây ăn quả nhằm phát triển một cách bền vững (nhất là cây ăn quả trên đất dốc), bởi tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ tại Sơn La nhìn chung vẫn còn thấp.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc trừ cỏ trên địa bàn tỉnh, nhất là các hoạt chất đã cấm lưu hành tại Việt Nam như Glyphosate, Paraquat, 2,4D.

Hiện Cục BVTV đang tiến hành rà soát nghiên cứu nhằm tiến tới cắt giảm hơn nữa một số hoạt chất thuốc BVTV có độ độc cao để thay thế bằng thuốc sinh học...

Tiếp thu các ý kiến, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN-PTNT Sơn La khẳng định, thời gian tới, ngành nông nghiệp Sơn La sẽ phối hợp với các cơ quan của Bộ NN-PTNT nhằm siết chặt việc quản lí, kiểm tra xử lí đối với một số vấn đề còn tồn tại như quản lí thuốc BVTV (nhất là thuốc trừ cỏ); nguy cơ một số dịch bệnh trên cây ăn quả, trước mắt là quản lí giống và bệnh virus trên cây chanh leo cũng như các loại giống cây ăn quả khác...

Xoài Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: Lê Bền.

Xoài Vân Hồ, Sơn La. Ảnh: Lê Bền.

Tại buổi làm việc, các địa phương sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Sơn La như Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã... đã kiến nghị Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Sơn La ưu tiên hỗ trợ đầu tư, thúc đẩy đối với một số nội dung: Tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu đối với cây ăn quả, nhất là các loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh như xoài, nhãn; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan khoa học của Bộ NN-PTNT hỗ trợ đào tạo tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất rau, nhất là rau trái vụ tại các vùng có lợi thế đặc thù như Vân Hồ, Mộc Châu và kỹ thuật canh tác, thâm canh cây ăn quả; nghiên cứu công nghệ và thu hút đầu tư xử lí chất thải trong nông nghiệp thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất cây ăn quả; tiếp tục hỗ trợ kêu gọi thu hút đầu tư, liên kết tiêu thụ - xuất khẩu – chế biến...

UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ NN-PTNT tiếp tục đẩy mạnh, sâu hơn nữa trong quan hệ hợp tác giữa tỉnh Sơn La và Bộ NN-PTNT, không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt mà còn mở rộng thêm trên nhiều lĩnh vực khác như chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp...

Không mải mê trên thành quả

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá Sơn La là điển hình về tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm qua. Từ là vựa ngô lớn nhất nước, chỉ trong một thời gian ngắn, Sơn La đã nhanh chóng bứt phá, trở thành vựa cây ăn quả lớn nhất nước.

Đây là kết quả từ sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh Sơn La, nòng cốt là người đứng đầu của tỉnh đã tạo ra động lực to lớn cho sự phát triển.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đặc biệt đánh giá cao việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp chế biến vào địa bàn tỉnh miền núi khó khăn như Sơn La.

Ngoài các nhà máy chế biến rau quả đã đi vào hoạt động, một số dự án đầu tư nhà máy chế biến rau quả của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2020, đồng thời tiếp tục có các dự án chế biến khác sẽ khởi công xây dựng mới ngay trong năm nay...

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng cho rằng tỉnh Sơn La không nên quá say sưa với những thành quả hiện có, mà cần tiếp tục triển khai chặt chẽ một số nội dung về phát triển rau quả một cách bền vững, Cụ thể, cần tiếp tục rà soát, đánh giá lại các đối tượng cây trồng, nhất là cây ăn quả còn dư địa phát triển để xây dựng quy hoạch, kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Đặc biệt là khâu quy hoạch cây ăn quả cho tỉnh Sơn La nói riêng cũng như các tỉnh khác của vùng Miền núi phía Bắc nhằm không để bùng lên mất kiểm soát, trên cơ sở cân đối, có lợi thế về khí hậu, đất đai và thị trường...

Với sản xuất rau ôn đới, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đồng ý chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tiếp tục phối hợp với tỉnh Sơn La tiếp tục nghiên cứu, cho phép kéo dài thêm các đề tài nghiên cứu, hỗ trợ tỉnh Sơn La phát huy lợi thế này, nhất là các loại rau trái vụ... Đề nghj Tập đoàn Massan vào cuộc, đẩy mạnh phân phối.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đồng ý và khẳng định thời gian tới, tiếp tục cam kết đồng hành, phối hợp chặt chẽ hơn nữa cùng nhau trong tái cơ cấu nông nghiệp..., đặc biệt là lựa chọn một số khâu đột phá về nông nghiệp cho tỉnh Sơn La trên cơ sở lợi thế của tỉnh.

Luồng gió mới ở vùng biên giới Chiềng Xuân

Tại xã Chiềng Xuân (huyện Vân Hồ), một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn chỉ trong vòng 3-4 năm gần đây, đã thành lập được 3 HTX chuyên canh về cây ăn quả.

Tại HTX Cây ăn quả Vân Hồ, đến nay, HTX đã thu hút hơn 20 hộ xã viên, hợp tác trồng cây ăn quả với diện tích gần 100ha, trong đó có hộ đã phát triển cây ăn quả như xoài, nhãn với diện tích hàng chục hecta. Kinh tế hợp tác thực sự đang trở thành luồng gió mới ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn như Chiềng Xuân.

Niềm vui được mùa xoài của nhà vườn tại Chiềng Xuân. Ảnh: Lê Bền.

Niềm vui được mùa xoài của nhà vườn tại Chiềng Xuân. Ảnh: Lê Bền.

Ông Đỗ Hùng Long, một hộ dân có trên 10ha chuyên canh xoài và nhãn tại đây phấn khởi cho biết: Năm nay, trên 5ha xoài của HTX đã bước sang năm thứ 4, cho quả sai chưa từng thấy.

Giống xoài Đài Loan được ông đưa vào trồng ở đây với quy trình thâm canh bằng phân bón hữu cơ được ngâm ủ, trọng lượng xoài đạt bình quân tới 1kg/quả (có quả gần 2kg). Năm nay, xoài ra hoa nhiều đợt nên khả năng rải vụ thu hoạch rất tốt.

"Chỉ cần 1 cây xoài giữ 15 quả, mỗi gốc xoài vụ này sẽ cho thu hoạch khoảng 20kg, năng suất khoảng 10 tấn/ha. Hiện thương lái, các doanh nghiệp xuất khẩu đã vào đặt mua trọn gói với giá 11.000 đ/kg", ông Long phấn khởi cho biết.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tổng Giám đốc GrowMax Group được vinh danh 'Nhà lãnh đạo tiêu biểu ASEAN 2024'

Doanh nhân Mai Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Tập đoàn GrowMax là người tiên phong xây dựng thương hiệu thức ăn tôm duy nhất của người Việt trên thị trường thức ăn tôm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm