| Hotline: 0983.970.780

Xung quanh Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé: Các địa phương kiến nghị sớm triển khai

Thứ Ba 21/08/2018 , 10:15 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang ảnh hưởng nhanh và khá trầm trọng đến ĐBSCL nhưng nhiều năm nay, vùng trọng điểm nông nghiệp quốc gia chưa xây dựng thêm hệ thống thủy lợi tương xứng.

Trước tình hình đó, Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đã được Quốc hội và Chính phủ quan tâm bố trí vốn giai đoạn 2017 - 2020 để đầu tư đang được nhiều địa phương kiến nghị sớm triển khai.
 

Tác động đến bán đảo Cà Mau

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, tỉnh có vùng tôm - lúa U Minh Thượng rộng 90.000ha là một thế mạnh nhưng mấy năm nay đã gặp khó khăn. Do nhiều lúc nước biển vào sâu rất mặn, thiếu nước ngọt pha loãng để phù hợp cho con tôm phát triển, còn gây bất ổn vùng giáp ranh canh tác lúa, cây ăn trái. Hàng năm, Kiên Giang đã phải chi khoảng 100 tỷ đồng đắp các đập ngăn mặn, giữ ngọt cho tôm - lúa tuy nhiên vẫn không tránh được thiệt hại, đời sống người dân rất khó khăn, cá biệt năm 2015 - 2016 thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng.

16-14-40_1808181
Cống ngăn mặn Kênh Cụt sát biển ở tỉnh Kiên Giang đã được vận hành có hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường

Vừa qua, trong các ngày 27/6 và 31/7, UBND tỉnh Kiên Giang làm việc với Bộ NN-PTNT cùng các đơn vị tư vấn về Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Tư vấn đưa ra 3 phương án: Xây dựng cống Cái Lớn - Cái Bé và một số công trình hỗ trợ; xây dựng cống Cái Bé cùng một số cống lân cận và các công trình kiểm soát mặn (không xây cống Cái Lớn); xây dựng cống Cái Bé và một số công trình kiểm soát mặn ở giai đoạn một, sang giai đoạn hai mới xây dựng cống Cái Lớn. Chủ tịch Phạm Vũ Hồng cho biết, tỉnh ủng hộ phương án một, còn phương án hai và ba không khả thi mà lãng phí. Ông nhấn mạnh thêm, một năm chỉ đóng cống khoảng 24 ngày, đợt dài nhất là 6 ngày nên không ảnh hưởng lớn tới môi trường, Kiên Giang cũng đã có thực tiễn vận hành cống ngăn mặn Sông Kiên, Kênh Cụt không gây ô nhiễm môi trường.

Ngày 7/8/2018, UBND tỉnh Kiên Giang có công văn số 1034/UBND-KTHT do Chủ tịch Phạm Vũ Hồng ký, gửi Bộ NN-PTNT để nghị chỉ đạo sớm triển khai Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Công văn “khẳng định việc đầu tư xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé là rất cần thiết, cấp bách và sẽ có hiệu quả ngay khi hoàn thành công trình, không chỉ tỉnh Kiên Giang được hưởng lợi, mà các tỉnh, thành khác trong khu vực bán đảo Cà Mau cũng được hưởng lợi. Dự án tác động đến vùng bán đảo Cà Mau rất lớn, đã được xác định tương đối rõ trong những năm gần đây. Còn những tác động bất lợi thực tế là không nhiều và có thể giảm thông qua quy trình vận hành hợp lý”.
 

Kiểm soát mặn từ xa

Nhiều năm nay, vào mùa khô, nước biển Tây theo sông Cái Lớn, Cái Bé ở tỉnh Kiên Giang đã lấn sâu vào đất liền đưa độ mặn 4%o tới TP Vị Thanh (Hậu Giang) cách biển 65km. Cả một vùng rộng lớn của Hậu Giang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống người dân.

Mấy tháng giữa năm 2018, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang có nhiều cuộc làm việc với Bộ NN-PTNT, các đơn vị khoa học về Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Ngày 4/4, làm việc với Cục Quản lý Xây dựng công trình và Ban Quản lý Đầu tư xây dựng thủy lợi 10, tỉnh Hậu Giang nói rõ, công trình rất cần thiết để kiểm soát mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ngày 22/5, lãnh đạo Hậu Giang làm việc với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, đề xuất sớm đầu tư xây dựng công trình để giúp tỉnh kiểm soát mặn từ xa. Ngày 27/6, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang lại làm việc với Cục Quản lý Xây dựng công trình và Ban Quản lý Đầu tư xây dựng thủy lợi 10, nêu ý kiến ủng hộ phương án một là đầu tư cống Cái Lớn - Cái Bé. Ngày 31/7, lãnh đạo Hậu Giang tiếp tục làm việc với lãnh đạo Bộ NN-PTNT.

Mới đây, ngày 15/8, UBND tỉnh Hậu Giang có công văn số 3195/UBND-KT do Chủ tịch Lê Tiến Châu ký, gửi Bộ NN-PTNT kiến nghị sớm đầu tư xây dựng Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Chủ tịch Lê Tiến Châu phân tích: “Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có mục tiêu chính rất cần thiết, cấp bách là kiểm soát mặn, giữ ngọt, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Việc kiểm soát mặn từ xa trong điều kiện cực đoan, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển, giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua, cải tạo đất phèn; kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng dự án”.

Công văn nhiều lần nhấn mạnh đến giá trị lớn của công trình đối với tỉnh Hậu Giang và nhiều địa phương trong vùng là kiểm soát mặn từ xa để chủ động kế hoạch sản xuất, dù thời tiết cực đoan. “Khi có công trình Cái Lớn - Cái Bé, vùng giáp nước thuộc tỉnh Hậu Giang sẽ được cải thiện nguồn nước tạo điều kiện phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân”, công văn viết.
 

Dự án cho liên kết vùng

Ở Bạc Liêu, ngày 17/8, Chủ tịch UBND Dương Thành Trung ký công văn số 3489/UBND-KT đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm chỉ đạo thực hiện Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Theo ông Trung, đây là dự án lớn có tính chất liên kết vùng, vì giải quyết được các vấn đề của 6 tỉnh và thành phố khu vực bán đảo Cà Mau, rất cần thiết đầu tư.

16-14-40_1808182
Trên cầu Cái Lớn nhìn về vị trí dự kiến xây dựng cống Cái Lớn

Công văn đánh giá, Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé (giai đoạn 1) góp phần kiểm soát được mặn xâm nhập từ biển Tây; tạo điều kiện chủ động điều tiết mặn ngọt phục vụ sản xuất; góp phần giải quyết tình trạng ngập úng, khô hạn do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu; tạo thêm cơ sở hạ tầng thủy lợi để từng bước khép kín các tiểu vùng sản xuất tại vùng Bắc Quốc lộ 1A. Dự án phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

UBND tỉnh Bạc Liêu kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án để triển khai thực hiện sớm các bước tiếp theo. Tuy nhiên, theo tỉnh Bạc Liêu, cũng cần thiết đánh giá chi tiết các ảnh hưởng, tác động của hệ thống đến môi trường nước, đất trong khu vực dự án để có giải pháp hợp lý, ít tổn hại đến môi trường hoặc có lợi cho môi trường. Làm rõ cơ chế vận hành, phối hợp với hệ thống các cống đập khác trong vùng dự án để đề xuất phương án tối ưu chung.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đang đề xuất thực hiện 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, xây dựng cống Cái Lớn cách cửa biển 13km, tại xã Hưng Yên (An Biên, Kiên Giang); cống Cái Bé tại xã Bình An (Châu Thành, Kiên Giang) và đê, đường giao thông. Tổng mức đầu tư 3,3 nghìn tỷ đồng, thực hiện đến năm 2020, chủ yếu kiểm soát mặn phía tỉnh Kiên Giang. Giai đoạn 2 (sau năm 2020), đầu tư các cống kiểm soát mặn phía tỉnh Cà Mau.

Theo tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, dự án kiểm soát mặn cho khoảng 906.578ha (607.369ha đất nông nghiệp, 70.910ha đất lâm nghiệp, 83.305ha đất nuôi trồng thủy sản và 145.174ha đất khác) thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và TP Cần Thơ. Đồng thời, kiểm soát nguồn nước trên sông Cái Lớn - Cái Bé: tăng cường nước từ sông Hậu về cung cấp cho vùng U Minh trong mùa khô; tiêu thoát để giảm ngập úng trong mùa mưa.

 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Bình luận mới nhất