| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận siết kiểm dịch để kiểm soát dịch bệnh trên tôm giống

Thứ Tư 05/04/2023 , 10:21 (GMT+7)

Với lượng tôm giống lớn cung cấp cho thị trường cả nước nên công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch con giống được ngành nông nghiệp Ninh Thuận đặc biệt quan tâm.

Empty

Kiểm dịch chất lượng tôm giống trước khi bán ra thị trường tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận. Ảnh: Mai Phương.

Ninh Thuận với khí hậu đặc thù nắng nóng quanh năm, ít sông ngòi nên nước biển có độ mặn cao, ít phù sa, đây là những điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển sản xuất giống thủy sản. Thực tế, Ninh Thuận đã trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.

Hiện nay, địa phương có 450 cơ sở với hơn 1.200 trại sản xuất tôm giống, trong đó có nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn. Năng lực sản xuất hàng năm 40-50 tỷ con tôm giống, đáp ứng 30-40% nhu cầu cả nước.

Theo ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, toàn tỉnh có 3 cơ sở xét nghiệm bệnh thủy sản, bao gồm 2 cơ sở thuộc đơn vị Nhà nước (Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông) và 1 đơn vị tư nhân.

“Các phòng xét nghiệm bệnh thủy sản được trang bị các thiết bị hiện đại như máy cắt lát phân tích mô tế bào, máy PCR, máy quang phổ phân tích chất lượng nước, phòng cấy vi khuẩn... có thể thực hiện kiểm tra các bệnh do vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật, chẩn đoán nhanh và chính xác hầu hết các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên tôm giống”, ông Phan Đình Thịnh cho biết.

Riêng cơ sở xét nghiệm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y được bàn giao một phần cơ sở vật chất, trang thiết bị xét nghiệm hiện đại từ dự án CRSD. Đặc biệt là thiết bị Realtime PCR xét nghiệm định tính, định lượng, thời gian nhanh chóng để phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, kiểm dịch giống thủy sản.

Cơ sở xét nghiệm này đã được Văn phòng công nhận năng lực đánh giá sự phù hợp về tiêu chuẩn chất lượng công nhận phù hợp theo tiêu chuẩn ISO 17025:2017 với 9 chỉ tiêu cụ thể trên tôm là: WSSV, YHV, TSV, IHHNV, HPV, IMNV, AHPND, EHP, NHP. Đồng thời, đã được Cục Thú y công nhận tại Giấy chứng nhận số 73/GCN-TY-KH ngày 19/02/2021, mã số phòng thử nghiệm: TN16-18BNN/L2; năng lực xét nghiệm 300 mẫu/ngày/9 chỉ tiêu, đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm kiểm dịch tôm giống toàn tỉnh.

Empty

Tôm giống bố mẹ nhập khẩu được ngành nông nghiệp Ninh Thuận kiểm dịch chặt chẽ. Ảnh: Minh Hậu.

Nghị quyết Tỉnh ủy số 06-NQ/TU về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định con tôm giống là đối tượng chủ lực, mục tiêu.

Đến năm 2025 sản lượng tôm giống toàn tỉnh đạt trên 50 tỷ con, chủ động khoảng 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 40% tôm sú bố mẹ, có hơn 10% số cơ sở sản xuất có quy mô sản xuất tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm, 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và được giám sát an toàn dịch bệnh.

“Để thực hiện được quyết tâm đó, Ninh Thuận thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm với các chỉ tiêu trên tôm giống bao gồm tác nhân gây bệnh đốm trắng (WSSV), hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND) và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô (IHHNV).

Các kiểm dịch viên tại địa bàn nắm chắc nhật ký sản xuất của từng trại ương dưỡng trong từng cơ sở sản xuất, xác định số lượng hồ/bể chuyển sang giai đoạn postlarvae để thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm nhằm xác định an toàn dịch bệnh trong mỗi đợt sản xuất đối với 3 bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô giám sát”, ông Phan Đình Thịnh chia sẻ.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, trong năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện kiểm dịch 33,727 tỷ con tôm post giống (tôm sú 7,721tỷ con, tôm thẻ chân trắng 26,006 tỷ con), 7.549 con tôm sú bố mẹ và 8.444 con tôm thẻ bố mẹ. Đã thực hiện xét nghiệm hơn 6.000 mẫu gộp tôm giống để phục vụ kiểm dịch. Công tác xét nghiệm kiểm dịch đã phát hiện 31 mẫu nhiễm AHPND, được cơ quan thú y thông báo đến từng cơ sở sản xuất và đã thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định.

Cùng với đó, thực hiện quy chế phối hợp quản lý tôm giống ký kết hàng năm và quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận duy trì thực hiện thông báo kết quả kiểm dịch tôm giống, cập nhật vào lúc 17 giờ hàng ngày trên trang Web http://chicuccntyninhthuan.gov.vn và qua email của cán bộ đầu mối, cơ quan phối hợp.

z4236743010485_e1c98fb09f8538607a8d1090f0f57bdb

Tôm post được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận test nhiều loại bệnh trước khi các doanh nghiệp đưa đi tiêu thụ. Ảnh: M.P.

“Thông tin gồm có tên cơ sở sản xuất tôm giống, thời gian kiểm dịch, số lượng, kích thước, đối tượng kiểm dịch, số giấy chứng nhận kiểm dịch, số phiếu kết quả xét nghiệm, nơi nhận hàng, biển kiểm soát của phương tiện vận chuyển; chủ động phối hợp, tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin về các trường hợp trốn kiểm dịch bị phát hiện trên đường hoặc nơi đến cuối cùng”, ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận chia sẻ.

Ngoài các chỉ tiêu bệnh đã được giám sát trong công tác kiểm dịch, ngành chức năng Ninh Thuận còn triển khai giám sát chủ động một số bệnh khác nhằm đảm bảo mang lại tôm giống chất lượng tốt cho nghề nuôi. Trong năm 2022, đã thực hiện 3 đợt thu mẫu tôm giống đối với 90 cơ sở sản xuất. Đối tượng mẫu gồm có 92 mẫu tôm post để xét nghiệm các chỉ tiêu bệnh, 29 mẫu thức ăn tươi sống sử dụng cho tôm bố mẹ nhằm sớm phát hiện dịch bệnh.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã triển khai hệ thống khai báo và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trực tuyến mức độ 4 nhằm đảm bảo 4 nội dung thực hiện trực tuyến trên môi trường điện tử, đó là khai báo hồ sơ đầu vào. Giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán phí và lệ phí và trả hồ sơ đầu ra. Kết quả trong năm 2022, cơ quan thú y Ninh Thuận đã cấp 64.643 hồ sơ trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn tỉnh, chiếm tỷ lệ 97,28% trong tổng số hồ sơ năm 2022 của ngành nông nghiệp và 32,41% trong tổng số hồ sơ của tỉnh.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.