| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận trên đường trở thành thủ phủ sản xuất tôm giống chất lượng cao

Thứ Bảy 02/11/2024 , 10:45 (GMT+7)

Ninh Thuận phê duyệt Đề án phát triển ngành sản xuất tôm giống với mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021-2030.

Ngành sản xuất tôm giống Ninh Thuận đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: PC.

Ngành sản xuất tôm giống Ninh Thuận đang phát triển mạnh mẽ. Ảnh: PC.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển tỉnh trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao An Hải và vùng sản xuất tôm bố mẹ ứng dụng công nghệ cao Sơn Hải giai đoạn 2021-2030.

Đồng thời, tỉnh cũng tạo lập được vùng sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao, đánh giá hiện trạng tự nhiên và ứng dụng công nghệ cao để phát triển sản xuất giống thủy sản. Đặc biệt là tôm giống đạt tiêu chuẩn Quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE/WOAH) nhằm phát triển Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Vùng sẽ được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khu xử lý nước thải và bố trí dải cây xanh để cách ly tránh ảnh hưởng cảnh quan các dự án giao thông đô thị xung quanh.

Ông Huỳnh Minh Khánh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết, việc sớm đưa các khu quy hoạch này vào sẽ đáp ứng được tiền đề theo đề án, góp phần giúp Ninh Thuận giữ vững được thương hiệu và tiếp tục phát triển trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước giai đoạn 2021-2030 theo yêu cầu.

Theo đó, Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo, quản lý chặt chẽ, đặc biệt là đầu ra của sản phẩm tôm giống. Trong đó, kiểm soát chất lượng từ con giống bố mẹ nhập về đạt tiêu chuẩn, tránh trường hợp sử dụng tôm giống bố mẹ trong thời gian dài làm giảm chất lượng tôm giống.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có những chỉ dẫn địa lý, bảo hộ của các cơ sở tôm giống đăng ký các thương hiệu. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ đầu ra khi xuất đi các địa phương khác để tránh trường hợp con giống không đạt chất lượng làm ảnh hưởng tới chất lượng tôm giống của tỉnh.

Tôm giống bố mẹ hiện đa số được nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: PC.

Tôm giống bố mẹ hiện đa số được nhập khẩu từ nước ngoài. Ảnh: PC.

Hiện, Ninh Thuận cũng quy hoạch lại các khu hai trung tâm giống này, kiểm soát vấn đề xả phát thải, gây ô nhiễm giữa các trại. Đầu tư hạ tầng xử lý nước thải, xử lý môi trường để tránh tình trạng các trại bị dịch bệnh xả thải ra ngoài môi trường, ảnh hưởng cho các trại khác và chất lượng tôm giống hiện nay của tỉnh.

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận cho biết, khi có các khu quy hoạch tập trung mới xây dựng đáp ứng được các điều kiện môi trường, cách ly khu vực sản xuất tôm giống với các lĩnh vực ngành nghề khác.

“Khi quy hoạch bài bản, các chủ doanh nghiệp mới mạnh dạn chỉnh trang, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính việc này sẽ phá vỡ tính manh mún trong các trang trại nhỏ lẻ. Tôi hi vọng rằng, sắp tới đây với sự quyết liệt của lãnh đạo ngành nông nghiệp, lãnh đạo tỉnh thì sẽ sớm triển khai 2 khu quy hoạch sản xuất tôm giống tập trung và đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh khu tập trung nuôi thuần dưỡng, gia hóa, chọn lọc, di truyền gen đối với tôm bố mẹ tại Sơn Hải”, ông Lê Văn Quê cho hay.

Theo ông Lê Văn Quê, hiện ngành sản xuất tôm giống vẫn đang phụ thuộc tôm bố mẹ từ nước ngoài dẫn đến chi phí và rủi ro của các doanh nghiệp nhập khẩu rất cao. Nhiều lô hàng bị nhiễm bệnh nguy hiểm phải tiêu hủy, do đó đây là một trong những yếu tố làm cho việc phát triển sản xuất tôm giống còn nhiều hạn chế.

Do đó, ông Quê cho rằng, cần triển khai những giải pháp đồng bộ như kêu gọi các tập đoàn sở hữu nguồn gen tôm bố mẹ từ thế giới về với Ninh Thuận. Bên cạnh đó, mạnh dạn vận động cũng như bắt buộc các doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất tôm giống hoặc các đối tượng giống thủy sản khác phải vào khu quy hoạch.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận phải tranh thủ các nguồn kinh phí từ xã hội hóa, Trung ương để xây dựng các hạ tầng như nước đầu vào, nước thải, ban điều hành…có như vậy mới vừa kiểm soát được chất lượng tôm giống và an toàn dịch bệnh không lây lan ra bên ngoài.

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Nữ kỹ sư giúp người dân thoát nghèo nhờ cây tía tô bản địa

Lào Cai Với hơn 30ha tía tô cùng 20 sản phẩm đa dạng, chị Trần Anh Xuân đã tiên phong đưa cây tía tô bản địa thành cây giúp bà con thoát nghèo.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.