| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực bảo vệ an toàn hồ đập: Tình thế cấp bách

Thứ Tư 29/06/2016 , 06:45 (GMT+7)

Trong số hơn 7.000 hồ thủy lợi ở nước ta, nhiều công trình đang xuống cấp nghiêm trọng, là mối hiểm họa lớn nếu không được quản lý, nâng cấp, bảo đảm an toàn.

230116boxydung-4-1151351484
Sự cố vỡ đập Đầm Hà Động (Quảng Ninh)

 

Nhiều công trình xuống cấp

Bắc Trung bộ và Tây Nguyên là những khu vực có khá nhiều công trình hồ chứa hư hỏng và cần phải sửa chữa. Theo Tổng cục Thủy lợi, tỉnh Thanh Hóa có tổng số 610 hồ, Nghệ An 625 hồ, Hà Tĩnh 345 hồ… nhưng hầu hết đều được đắp đất thủ công từ thế kỷ trước có dấu hiệu mất an toàn.

Giai đoạn 1960 - 1975, Nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều hồ chứa có dung tích từ 10 - 50 triệu m3 nhưng chủ yếu là đập đất như hồ Thượng Tuy (Hà Tĩnh), Rào Nan, Cẩm Ly (Quảng Bình)… Từ năm 1975 - 2000, hàng loạt hồ nước lớn được đầu tư xây dựng như Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Sông Mực (Thanh Hóa)...

Do thời gian sử dụng đã quá lâu, khí hậu ngày một khắc nghiệt, cứ mùa mưa lũ đến một số hồ đập bị vỡ. Từ năm 2009 - 2012, Hà Tĩnh xảy sự cố vỡ đập Z20, Khe Mơ, Khe Làng... Hiện tại khu vực Bắc Trung bộ có hơn 70 hồ bị hư hại nặng cần được sửa chữa cấp bách. Từ năm 2000 đến nay, một số hồ chứa quy mô lớn được xây dựng bằng nguồn vốn Chính phủ như Cửa Đạt (Thanh Hóa), Tả Trạch (TT-Huế), Đá Hàn (Hà Tĩnh), Rào Đá, Thác Chuối (Quảng Bình)… Các hồ đều có khối lượng nước khổng lồ treo ở độ dốc cao... nếu không bảo vệ an toàn thì hậu quả khôn lường sẽ xảy ra.

Tại một hội nghị về vấn đề an toàn hồ đập được tổ chức tại Bộ NN-PTNT vừa qua do Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng chủ trì, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, phân trần: Những năm qua, chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa đã được Chính phủ và Bộ NN-PTNT hết sức quan tâm. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách khó khăn, nguồn vốn đầu tư sửa chữa hồ đập càng hạn hẹp.

Theo ông Quyền, nếu Thanh Hóa không có hệ thống hồ đập để đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt và SX thì sẽ rất khó khăn. Bởi chỉ nơi nào có hồ đập thì cây cối mới xanh tươi, phát triển, đồng thời có tác dụng cắt lũ trong mùa mưa bão.

Thế nhưng, hồ đập không an toàn cũng là một hiểm họa cho chúng ta. Thanh Hóa có tổng số 610 hồ đập, trong đó có những hồ đập đạt 1,4 tỷ m3. Tổng dung tích trữ các hồ chứa khoảng 3 tỷ m3. Trong số đó có 110 hồ không an toàn, phải “đóng cửa” trong mùa mưa bão, không cho tích nước. Đồng thời, rất nhiều hồ chứa nhỏ hiện do các HTX quản lý cũng đang rất mất an toàn.

Nếu chúng ta cứ đợi ngân sách nhà nước như nhỏ giọt mấy chục tỉ mỗi năm thì không bao giờ đáp ứng được mà phải huy động nguồn lực lớn từ bên ngoài. “Tôi nhớ cách đây hơn 1 năm, khi Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng về làm việc với Thanh Hóa, nghe các kiến nghị liên quan đến việc đầu tư sửa chữa một số hồ chứa cấp bách trên địa bàn tỉnh, Thứ trưởng nói chắc phải phụ thuộc vào nguồn vốn ODA thôi, chứ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách thì rất khó thực hiện”, ông Quyền nói.

Ông Nguyễn Đức Quyền cũng cho rằng, cùng với việc nâng cấp an toàn hồ đập cần phải tăng cường hệ thống quan trắc, hệ thống giám sát, hệ thống quản lý, cảnh báo, nhất là vấn đề xả lũ các hồ lớn, các hệ thống liên hồ. Bởi qua thực tế vận hành hệ thống liên hồ chứa Hủa Na và Cửa Đạt (trên lưu vực sông Mã), ông Quyền thấy rằng nếu không làm tốt vấn đề này thì sẽ xảy ra thảm họa.

Trông chờ ngân sách là chưa đủ

Tỉnh Đăk Lăk có khoảng 700 hồ chứa (chiếm khoảng 10% tổng số hồ chứa của cả nước). Đây là những “kho nước” quý giá phục vụ sản xuất và sinh hoạt của tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Côn, PGĐ Sở NN-PTNT Đăk Lăk, mùa hạn hán vừa qua, tỉnh có khoảng 80.000ha cây trồng bị hạn (chiếm khoảng 60% diện tích bị hạn của Tây Nguyên); 36.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt (chiếm khoảng 50% trong tổng số hộ thiếu nước của khu vực Tây Nguyên). Tổng thiệt hại tính đến bây giờ khoảng 3.000 tỷ đồng.

Năm 2014, tỉnh đã xác định có khoảng 260 hồ chứa cần phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn với tổng số vốn đầu tư xác định khoảng 2.300 tỷ đồng. Trong đó 41 hồ cần nâng cấp khẩn cấp cần khoảng 700 tỷ đồng. Nếu không có nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, đặc biệt là các dự án sử dụng nguồn vốn ODA thì Đăk Lăk không thể có tiền để triển khai.

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện còn khoảng 1.150 hồ chứa cần phải sửa chữa, nâng cấp trong giai đoạn trung hạn 2016 - 2020. Trong số này, hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3 có 21 hồ hư hỏng; 160 hồ chứa lớn bị hư hỏng; 35 hồ thiếu khả năng xả; 134 hồ dung tích từ 1 - 3 triệu m3 hư hỏng; 580 hồ có dung tích từ 200.000 - 1 triệu m3 hư hỏng, 210 hồ có dung tích dưới 200.000 m3 hư hỏng nặng. Ngoài ra, cả nước còn khoảng hơn 2.500 hồ chứa nhỏ có dung tích dưới 200.000 m3 khác nằm phân tán do thôn, xã quản lý không có tài liệu để đánh giá.

Những công trình này thiết kế thi công theo tiêu chuẩn cũ (TCVN5060-90), chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, thiếu tài liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, thi công đập còn hạn chế, theo thời gian khai thác vận hành đến nay nhiều hồ bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Vụ Quản lý công trình thủy lợi và an toàn hồ đập (Tổng cục Thủy lợi) cho biết, trong 5 năm gần đây, do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, lượng mưa lớn với cường độ lớn, cả nước đã xảy ra sự cố của 21 hồ chứa.

Có thể kể đến sự cố vỡ đập phụ hồ chứa Đầm Hà Động (Quảng Ninh) năm 2014. Nguyên nhân do nước tràn qua đập gây vỡ mái đập. Năm 2013, vỡ đập hồ Tây Nguyên (Lâm Đồng), Thung Cối, Khe Luồng, Ông Già, Đồng Đáng (Thanh Hóa), Phân Lân (Vĩnh Phúc); hồ Vực Mấu đặt ở tình trạng báo động do lưu lượng nước về hồ lớn bất thường ở Nghệ An… đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của các khu dân cư.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.