Sản xuất quy mô lớn
Sau khi tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên chuyên ngành Lâm sinh, Đặng Huy Hùng trở về quê ở xã EaKao (thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) và bắt tay vào làm vườn, phát triển kinh tế.
Trên diện tích vườn của gia đình, thanh niên sinh năm 1991 tiếp tục phát triển mô hình trồng xen cà phê, bơ và sầu riêng.
Những tháng ngày gắn bó với nương rẫy, Hùng nhận thấy bơ quê hương là sản phẩm đặc trưng, có hương vị đặc biệt nhưng việc sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung, khó phát triển bền vững.
Anh chia sẻ: “Bơ Đắk Lắk có cơm dày, dẻo, béo, có thể dùng để ăn trực tiếp, làm thức uống, chế biến món ăn hoặc tinh chế, ép dầu để sử dụng… Bơ có giá trị kinh tế cao nhưng các hộ gia đình chỉ xem là cây trồng phụ nên khó phát triển thành thương hiệu”.
Với tư tưởng làm lớn, Huy Hùng tìm và liên kết với những thanh niên trẻ, các hộ nông dân trong vùng để hướng đến sản xuất một cách bài bản.
Năm 2017, Hợp tác xã bơ Đại Hùng Đắk Lắk chính thức được thành lập, Hùng được bầu làm giám đốc. Hợp tác xã hiện có hàng chục thành viên, tổng diện tích liên kết sản xuất thuần khoảng 18ha.
Theo chàng trai 9X, từ những ngày đầu thành lập hợp tác xã, người trẻ, năng động được giao nhiệm vụ điều hành, khai thác thị trường. Những người có kinh nghiệm trong sản xuất được giao nhiệm vụ nắm bắt và củng cố kỹ thuật canh tác cho các thành viên còn lại.
Các thành viên tham gia hợp tác xã đều có sẵn diện tích bơ đang cho thu hoạch nên lượng nông sản mỗi năm đạt khoảng gần 200 tấn. Thời gian đầu, thị trường chưa được mở rộng nên việc tiêu thụ nông sản phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
“Khách hàng lúc đó chủ yếu là các vựa thu mua trái cây ở địa bàn, thương lái nên các thành viên vừa sản xuất vừa quảng bá sản phẩm. Vậy nhưng phải đến khi hoàn thành quy trình sản xuất sạch, đăng ký tem, mã truy xuất nguồn gốc thì việc quảng bá mới có những kết quả khả quan”, Giám đốc HTX bơ Đại Hùng chia sẻ.
Đến nay, sản phẩm bơ của hợp tác xã được tiêu thụ tại nhiều thị trường như: Gia Lai, Kon Tum, Hưng Yên, Sài Gòn…
Ông Thành, một hộ dân liên kết sản xuất với HTX bơ Đại Hùng Đắk Lắk cho biết, trước đây, gia đình ông trồng xen bơ trong vườn cà phê và xem là cây phụ thu nên việc chăm sóc không được chú trọng.
“Chính vì lẽ đó mà cây cho bao nhiêu trái thì hái bấy nhiêu. Trái cây không đồng đều nên giá trị thấp. Từ ngày tham gia vào liên kết, gia đình ông chuyển sang cải tạo lại vườn, đầu tư một cách bài bản nên cây cho trái nhiều, trái đạt chất lượng và bán được giá cao. Hiện nay, trên 1ha bơ, gia đình thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.
Hướng đến xuất khẩu
Theo Đặng Huy Hùng, hiện nay, các thành viên trong Hợp tác xã đang sản xuất bơ theo quy trình VietGAP với các loại giống năng suất cao như acado, cuba, bazan…
“Trước đây, mùa vụ tập trung chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 9 nên giá không cao. Bây giờ, mùa vụ thu hoạch đang được kéo dài nhờ vào sự áp dụng nhiều loại giống.
Từ tháng 2 đến 4, chúng tôi có bơ acado để thu hoạch, từ tháng 5 đến tháng 7 thì có bơ giống Cuba, còn lại cho thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9. Nhờ sự phân bổ diện tích phù hợp nên sản phẩm làm ra được dàn trải, dễ tiêu thụ, giá bán cũng cao hơn”, Huy Hùng cho biết.
Để nâng cao giá trị cho nông sản, Huy Hùng cùng các thành viên trong hợp tác xã đang tập trung cải tạo vườn hiện có và mở rộng diện tích. Giống bơ mới bazan đã được hợp tác xã phát triển thành công trên 5ha và dự kiến cho thu hoạch vào tháng tới.
Hùng thổ lộ: “Giống bazan phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Đắk Lắk nên phát triển nhanh. Giống này đang cho trái to, trọng lượng từ 0,5-1kg/trái, thậm chí lên đến 2kg/trái. Với 5ha, thu hoạch trái vụ đạt khoảng 20 tấn và vào chính vụ có thể lên đến 150-200 tấn”.
Nhờ phát triển tập trung và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật hiện đại nên các giống bơ ở Hợp tác xã bơ Đại Hùng Đắk Lắk cho năng suất cao. Trung bình, mỗi ha cho năng suất từ 15-18 tấn/năm.
“Chúng tôi đang mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, tập trung liên kết sản xuất và xây dựng các mô hình điểm.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng tạo ra nguồn sản phẩm sạch để mở rộng thị trường trong nước, đặc biệt, tiếp tục nâng cao lượng nông sản vào tiêu thụ ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích.
Ngoài ra, hợp tác xã sẽ nâng cao sản lượng để hướng đến xuất khẩu”, Giám đốc HTX bơ Đại Hùng Đắk Lắk cho hay.
Hiện tại, 60% sản lượng bơ chính vụ của HTX bơ Đại Hùng Đắk Lắk được tiêu thụ ở các hệ thống siêu thị với giá từ 45.000-50.000 đồng/kg. Với mô hình sản xuất hiện nay, một ha bơ, các thành viên của HTX có thể thu về trên nửa tỷ đồng.