| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực thoát nghèo ở xóm đặc biệt khó khăn

Thứ Hai 07/02/2022 , 09:09 (GMT+7)

Chương trình phát triển kinh tế vùng An toàn khu, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Thái Nguyên ghi nhận sự nỗ lực không ngừng của bà con các dân tộc trên địa bàn.

Phải thay đổi cách làm cũ

Xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là xã đặc biệt khó khăn với 95% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu làm nông nghiệp và chăn nuôi, trồng rừng. Nhiều giải pháp xóa nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, thu nhập bình quân hiện đạt 25 triệu đồng/người/năm (cao hơn 30% so với mục tiêu đề ra), hàng năm giảm 5% số hộ nghèo. Đến nay, xã đã đạt được 14/19 tiêu chí nông thôn mới.

Cơ sở sản xuất ghế đan xuất khẩu tại xóm Cầu Sào, xã Đức Lương. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Cơ sở sản xuất ghế đan xuất khẩu tại xóm Cầu Sào, xã Đức Lương. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Tống Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã rất trăn trở với những giải pháp thoát nghèo của địa phương. Thời gian vừa qua xã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng được nhà nước đầu tư khá khang trang, đời sống của người dân được cải thiện nhiều, tuy nhiên để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm 6,5%, đến năm 2025 đạt 35 triệu đồng/người/năm được Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, xã cần phải tìm được giải pháp có tính đột phá.

Cái khó của Phúc Lương hiện nay, là sức ỳ của người dân quá lớn. Đơn cử như về cây chè, được coi là cây kinh tế mũi nhọn của xã trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Chè Phúc Lương so với mặt bằng của huyện thấp cả về chất lượng và sản lượng, nguyên nhân là kinh nghiệm trồng, chế biến chưa cao, người dân lại chưa chú trọng vào làm chè. Ông Thiện bày tỏ, năm nào xã cũng tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc chè nhưng người dân học xong bỏ đấy, không làm theo. Có một số hộ ứng dụng phương pháp làm chè mới, bán được tới 300 nghìn đồng/kg, hiệu quả đấy, nhìn thấy ngay đấy nhưng vẫn không chịu áp dụng. Xã đã có 3 trang trại, 5 gia trại, nhưng mô hình nhỏ, ít vốn, còn rụt rè lắm.

Chúng tôi đến xóm Thành Long, gặp trưởng xóm Tống Văn Tiến. Ông Tiến xởi lởi cho biết xóm Thành Long vừa hoàn thành ghép từ 03 xóm là Cây Ngái, Cây Tâm, Hàm Rồng, đều là các xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh. Xóm hiện có 212 hộ, trên 820 khẩu, 97% là người dân tộc Tày. Hiện cả xóm chỉ còn 16 hộ nghèo, đấy là đã giảm nhiều lắm rồi, chứ 5 năm trước đây tỷ lệ hộ nghèo trên 40%. Hiện bình quân thu nhập khoảng 2 triệu đến 2,2 triệu đồng/người/ tháng, số hộ khá trong xóm thì được khoảng 30% .

Ông Tiến cho biết trong mấy năm vừa qua đã có hàng chục hộ được  Nhà nước hỗ trợ tiền mua máy nông cụ phục vụ sản xuất, như máy bơm nước, máy quạt thóc, máy chế biến chè các loại, máy cày, máy phun thuốc trừ sâu, máy thái sắn và một số loại máy nông cụ mini khác, phù hợp với mô hình phát triển kinh tế gia đình. Một số hộ có máy làm đất, máy đốn cúp chè ngoài việc sử dụng trong gia đình còn đi làm thuê hoặc đổi công cho các hộ khác, có thêm thu nhập đáng kể, từ đó, bắt đầu có lực để đầu tư vào chăn nuôi lợn, trâu, bò… để phát triển kinh tế.

Hộ dân xóm Thành Long, xã Phúc Lương được nhà nước đầu tư máy sao, vò chè. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Hộ dân xóm Thành Long, xã Phúc Lương được nhà nước đầu tư máy sao, vò chè. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Chi bộ xóm, là hộ tiêu biểu về chuyển đổi cách làm ăn. Năm 2005, ông Quang mạnh dạn thế chấp bìa đỏ để vay vốn ngân hàng mở cửa hàng buôn bán thức ăn chăn nuôi, phân bón, hàng tạp hóa các loại và đầu tư chăn nuôi mỗi năm từ 30-70 con lợn thịt. Trên diện tích 8 sào đất ruộng, ông trồng cấy 2 vụ lúa bằng các loại giống mới cho năng suất, chất lượng cao, kết hợp xen canh trồng ngô, khoai tây và dưa bao tử vào vụ đông. Gia đình ông có cửa hàng thức ăn gia súc lớn nhất, nhì trong xã, phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân trong vùng. Không chỉ giúp kinh tế gia đình trở nên khá giả, ông Quang còn hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, chăn nuôi thông qua việc cho nợ tiền vật tư, thức ăn gia súc và cả chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến kỹ thuật mới.

Ông Quang cho rằng bà con trong xóm đã bắt đầu thay đổi tư duy về sản xuất hàng hóa, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Cùng với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng của nhà nước, các hộ cũng tích cực vươn lên trong sản xuất, đặc biệt là tập trung vào nâng cao năng xuất, chất lượng cây chè để nâng cao thu nhập. Thông qua các mô hình trồng trọt và chăn nuôi, người dân sẽ nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất để từ đó thoát nghèo bền vững.

Phát triển ngành nghề mới

Cũng trong danh sách xã miền núi đặc biệt khó khăn, xã Đức Lương (huyện Đại Từ) đang nỗ lực tìm lời giải bài toán phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Triệu Quang Hưởng, Chủ tịch UBND xã cho biết, với nhiều nguyên nhân, trong đó có điều kiện tự nhiên không được thuận lợi, xưa nay xã Đức Lương luôn thuộc “tốp cuối” về phát triển kinh tế xã hội của huyện Đại Từ, luôn đi chậm về sau. Xã hiện có 7 xóm, xấp xỉ 830 hộ với trên 3.100 người, trong đó gần 88% là người dân tộc thiểu số. Nguồn thu nhập của người dân trong xã chủ yếu từ làm ruộng, trồng chè, trồng rừng và chăn nuôi nhỏ lẻ. Vài năm trước, xã vẫn có những xóm tỷ lệ hộ nghèo lên tới 80%.

Cùng với các chương trình, dự án của Chính phủ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng An toàn khu, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017- 2020 đã được triển khai thực hiện hiệu quả tại địa phương. Những năm gần đây đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm nhanh, xóm khó khăn nhất cũng chỉ còn khoảng 8% số hộ nghèo, thu nhập bình quân toàn xã đạt 34 triệu đồng/người/năm.

Xóm Đầu Cầu là xóm nghèo nhất của xã, hiện có 73 hộ dân, còn 15 hộ nghèo và cận nghèo, ông Lã Văn Dần, Bí thư chi bộ xóm cho biết, nhiều hộ trong xóm được nhà nước hỗ trợ tiền mua máy, thiết bị, nông cụ sản xuất, mua trâu bò, hỗ trợ làm nhà ở. Tiền phục vụ cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày cửa người dân trong xóm chủ yếu trông vào cây chè. Cả xóm có 6 ha chè kinh doanh, sản lượng 90 tạ/ha. Để phát triển sản xuất chè nâng cao thu nhập, hầu hết các hộ thuộc diện được hỗ trợ đều đăng ký mua tôn quay, máy vò chè, để vừa nâng cao chất lượng sản phẩm chè vừa giải phóng sức lao động, có điều kiện mở rộng chăn nuôi, vừa thêm tiền để trang trải cuộc sống và dành dụm tích lũy.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, cuộc sống của bà con xóm Thành Long, xã Phúc Lương đã được cải thiện vượt bậc. Ảnh : Đồng Văn Thưởng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, cuộc sống của bà con xóm Thành Long, xã Phúc Lương đã được cải thiện vượt bậc. Ảnh : Đồng Văn Thưởng.

Ông Dần cho biết, từ khi nhà nước đầu tư mạnh vào hạ tầng, có đường đi lối lại thuận lợi, các hộ dân đã chủ động xin đi học các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do xã, huyện tổ chức, thậm chí còn đi tham quan học hỏi các mô hình ở các địa phương lân cận. Bà con cũng tích cực chuyển từ trồng chè trung du sang chè cành, lắp đặt hệ thống dẫn nước và tưới tự động.

Tiêu biểu trong việc đưa các giống cây, con mới vào sản xuất, nâng cao thu nhập là hộ ông Lã Viết Thụ đã mạnh dạn phá bỏ hết cả mấy đồi chè để đưa giống chè cành vào sản xuất. Ông còn đầu tư chăn gà thả vườn và lợn nái. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Từ thành công mô hình kinh tế của gia đình, ông đã tuyên truyền cho bà con trong xóm tích cực chuyển đổi cây trồng, mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi để xóa đói, giảm nghèo.

Xóm Cầu Sào cũng đã có mô hình sản xuất rất mới mẻ là cơ sở gia công ghế đan xuất khẩu tại gia đình anh Trần Xuân Đạt, 29 tuổi. Với khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo, anh Đạt đã đi học nghề và làm thuê cho các công ty, nhận thấy triển vọng của việc làm đồ gia dụng xuất khẩu, anh đã liên kết sản xuất với doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh. Hiện, cơ sở của anh thường xuyên có 7 lao động là người trong xóm với mức thu nhập 150 nghìn đồng/ngày công.

Ông Bí thư Chi bộ xóm chia sẻ, do điều kiện tự nhiên của xóm đất đai chủ yếu là đồi núi, diện tích ruộng ít nên các hộ dù đều rất chí thú làm ăn, nỗ lực thoát nghèo. Khoảng 5-7 năm về trước, đến xóm chỉ thấy toàn hộ nghèo, nay đã giảm nhiều, năm ngoái còn 8 hộ, năm nay giảm tiếp 3 hộ, còn cả thảy 5 hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo. Hiện nay, bình quân thu nhập của xóm đạt 25 triệu đồng/người/năm. Ngoài việc thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, đồng bào cũng đang hết lòng chung sức xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng cuộc sống mới.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm