Xứng danh đệ nhất
Trên cả nước, diện tích chè của Thái Nguyên ít hơn Lâm Đồng. Tại miền Bắc, có những thời điểm Yên Bái dẫn đầu về diện tích chè. Nhưng cho đến nay, Thái Nguyên không chỉ tự hào là vùng đất “đệ nhất danh trà” mà diện tích trồng chè cũng đang dẫn đầu cả nước với gần 21.700 ha (Lâm Đồng hiện còn 13.000 ha; Yên Bái còn trên 8.500 ha).
Chỉ trong vòng 2 năm gần đây, diện tích chè tại các vùng chè lớn như Lâm Đồng và Yên Bái giảm đến gần một nửa, thì nông dân Thái Nguyên vẫn tiếp tục trồng thêm chè. Điều này khẳng định, cây chè đang thực sự phát huy hiệu quả kinh tế, là cây trồng chủ lực của tỉnh. Đã có những mô hình chè đặc sản cho thu nhập đến cả tỷ đồng/ha. Cây chè đúng nghĩa là "cây tiền" của người dân.
Có một thực tế dễ thấy, Lâm Đồng từng nhiều năm là vùng chè lớn nhất nước. Lâm Đồng cũng là tỉnh có doanh thu cao nhờ du lịch. Song, chè lại góp phần không đáng kể trong kinh tế du lịch của vùng đất này. Nói đến Lâm Đồng, người ta thường chỉ nhắc đến hoa. Du khách đến với Lâm Đồng, chủ yếu là nhờ sự quyến rũ của ngàn hoa.
Thái Nguyên còn được gọi là xứ chè. Nhờ vào danh tiếng đã được khẳng định cả thế kỷ nay của trà Tân Cương “Cánh Hạc” và hương vị đằm đượm của các vùng chè trên toàn tỉnh.
Gần đây, vẻ đẹp của những vùng chè cũng đã bắt đầu đem lại giá trị mới. Đã có những đoàn khách trong nước, khách du lịch quốc tế, thiết kế những chuyến du lịch trải nghiệm cộng đồng tại một số hộ làm chè giỏi.
Nâng cao chất lượng - Phát huy giá trị gia tăng
Cách đây gần chục năm, chúng tôi có dịp thăm gia đình anh Trần Văn Thắng, hộ làm chè giỏi tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên). Lúc ấy, chè búp cao cấp nhất cũng vẫn đóng bao tải tính số lượng tạ, muốn mua biếu thì san sang túi nilon loại 1 kg và buộc miệng bằng dây nịt.
Anh Thắng chia sẻ quyết tâm thay đổi phương pháp canh tác, hạn chế dùng hóa chất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Rất thành thực bày tỏ sự lo ngại, anh nói rằng nếu cứ lạm dụng hóa chất như trước đó thì không chỉ hủy hoại sức khỏe người tiêu dùng, mà chính cuộc sống của gia đình cũng bị đe dọa.
Sản xuất theo hướng an toàn sẽ giảm thu nhập một thời gian, song đổi lại, sẽ “cứu” được môi trường. Bằng chứng cụ thể là mảnh ao mà gia đình chứa nước tưới chè và thường xuyên rửa bình phun thuốc sâu, màu nước trong xanh một cách kỳ lạ, hầu như không có dấu hiệu của một sinh vật nào trong nước. Anh Thắng nói thả cá xuống cá chết ngay, người không dám thò tay xuống nước, độc hại nhìn thấy sờ sờ ngay trước mắt chứ nào đâu phải xa xôi.
Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới và đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao của địa phương, tư duy về nông nghiệp hiện đại đã bắt đầu hiện diện trong nếp canh tác của người làm chè. Đồng thời với những sản phẩm đặc sắc, an toàn, các làng nghề chè cũng đã thiết kế những mô hình đón khách du lịch cộng đồng, trải nghiệm nương chè, làm chè.
Gần đây, có dịp trở lại gia đình anh Trần Văn Thắng, chúng tôi luôn gặp những đoàn khách du lịch, khách đến thăm quan, trao đổi kinh nghiệm. Mảnh ao chết chóc ngày trước, nay đã trở lại mát lành, được tận dụng làm bể bơi cho trẻ nhỏ quanh xóm.
Nằm cạnh không gian văn hóa trà, Hợp tác xã Chè Trung du Tân Cương (xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương) cũng là một địa chỉ được nhiều công ty du lịch liên kết, đặc biệt là các đoàn quốc tế. Ngoài những sản phẩm chè đặc sắc như chè ướp hoa nhài, hoa sen, hoa hồng, Hợp tác xã còn có khu vực bảo tồn những giống chè trung du truyền thống, trong đó có chè búp tím rất quý hiếm. Không chỉ được thưởng thức chè ngon, khách còn được chủ nhà trực tiếp hướng dẫn tham quan vùng chè và trải nghiệm chăm sóc, thu hái, chế biến chè.
Nhiều công ty du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh đánh giá tiềm năng Thái Nguyên là một điểm đến hấp dẫn trong thời gian tới đây.
Trong năm 2018, đã có một số đoàn nước ngoài và các đoàn học sinh, sinh viên trải nghiệm tại vùng chè Tân Cương, La Bằng. Họ đều có ấn tượng rất tốt về sự thân thiện hiếu khách của người dân, đặc biệt là yêu thích cảnh đẹp, không khí trong lành và sự bình yên của các vùng này.
Thực tế, những người trẻ và khách quốc tế rất ít uống chè Thái. Nhẩn nha bên ấm trà, phần lớn là những người lớn tuổi. Hẳn nhiên, người sành chè yêu quý Thái Nguyên, vùng đất đã chắt chiu ra những búp chè thơm ngát nồng đượm để họ được thưởng thức. Còn người trẻ, họ đến với đất chè Thái Nguyên, để ngắm chè, để xem người nông dân làm chè. Dù không uống chè, họ vẫn yêu chè và yêu Thái Nguyên theo cách của họ. Chắc chắn, họ sẽ lan tỏa tình yêu đó ra cộng đồng.