| Hotline: 0983.970.780

Nỗi buồn nhìn những đứa trẻ không thích ... lì xì ngày tết

Thứ Năm 01/03/2018 , 08:49 (GMT+7)

Vài ba đứa trẻ khoảng 2 - 3 tuổi với “tiêu chuẩn” trang bị mỗi đứa một chiếc iPad nằm ngồi la liệt trên giường. Khách đến chúc tết mừng tuổi chúng ngó lơ, ai đặt cái gì vào tay thì cầm.

09-15-11_nh-2
Những đứa trẻ thời kỳ công nghệ

Mắt mũi chăm chăm vào những hình ảnh xanh đỏ, nhạc nhẽo inh ỏi phát ra từ chiếc màn hình điện tử.
 

I. Bố mẹ xuất thân từ làng quê nhưng lớn lên tại Hà Nội, ký ức của tôi về tết là bầu không khí giao thừa háo hức đêm 30. Những ngày đó đường phố vắng vẻ đến tận mùng 4, mùng 5 mới lác đác người. Nói thật, tết ở thành phố chẳng có gì ngoài cảm giác đường vắng, ít xe, thậm chí bạn tôi còn viết trong một cuốn sách rằng, tết Hà Nội bước ra đường sáng mùng 1 cảm giác như đi tour du lịch khám phá một thành phố... chết.

Theo thông lệ “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ” cứ đến ngày mùng 2 tết hằng năm tôi lại về quê ngoại mặc dù vẫn còn luyến tiếc bầu không khí âm ẩm, se lạnh ngày xuân Hà Nội. Nhưng nghĩ về quê được tụ tập với đám anh, chị, em con chú dì cô bác, bày đủ trò chơi khiến tối hôm trước giấc ngủ cứ chập chờn không yên.

Về quê ăn tết được chơi những trò mà “đám trẻ thành phố” mù tịt, từ đánh khăng, đánh đáo, quay… Đôi khi kiếm được bắp ngô cả đám xúm lại đứa tách hạt, đứa lấy nồi gang, đứa bốc cát… Bếp lửa không bao giờ tắt nên chỉ cần khơi đóm lên một chút cho củi, đặt nồi lên là có món ngô rang thơm ngậy, bùi bùi...

Điều khiến trẻ con ngày xưa mong đến tết nhất là được lì xì, cả năm chả bao giờ được sờ tay vào đồng tiền, thế mà chỉ mấy ngày tết bất ngờ thành “đại gia”. Không biết được nhiều tiền để làm gì, khách về lại phải "giao nộp" cho nhà băng (phụ huynh) dưới dạng gửi "tiết kiệm" không lãi, để khi nào "chi tiêu" sẽ rút ra dùng.

Sau đó thì mọi chuyện đi vào quên lãng nhưng đã là trẻ con thì cứ mong đợi, cứ thích được cầm phong bao lì xì màu đỏ với chút “nội dung” bên trong như vậy.

Có năm tôi đòi giữ tiền lì xì, mẹ giao hẹn ai mừng tuổi dưới mười ngàn mới cho cầm. Thế là chỉ chăm chăm đi xem ai mừng đúng “định mức” thì cầm, không thì xin đổi ra tiền lẻ. Ông ngoại biết chuyện, "thông đồng" với thằng cháu lém lỉnh nên ngày nào cũng gọi cháu ra mừng tuổi, hôm thì 2 ngàn, hôm 5 ngàn. Chiêu xé nhỏ "hàng hóa" ra để trót lọt qua "cổng hải quan" ấy thế mà hiệu quả. 

Vài ngày trước tết, người lớn bận tỉ thứ công việc, từ gói bánh chưng, gói giò, đi mua vài lạng rau thơm, hành hoa… cái gì cũng phải chuẩn bị sẵn chứ không tiện như bây giờ. Nhưng việc “tập huấn” cho trẻ con từ thái độ chào hỏi, nói năng khi nhà có khách thì người lớn không bao giờ sao nhãng.

Khi có khách đến phải chào thế nào, nhận lì xì phải cầm bằng 2 tay, sau đó khoanh tay lại, cúi gập người cảm ơn. Tất cả lũ chúng tôi phải thực hành, đạt tiêu chuẩn mới thôi. Đã thế, ngồi trên xe đi đến nhà ai chúc tết hay trước khi về quê phải nhắc lại mấy lần cho chắc.
 

II. Tết năm nay, mùng 1 tết ở Hà Nội, tôi ra nhà bà nội chúc tết. Thắp hương, ăn uống xong rủ mấy đứa em ra Bờ Hồ chụp ảnh. Thành phố chết lặng. Có thể nghe thấy tiếng lá rơi, cá dưới hồ đớp mồi. Cảm giác một Hà Nội luộm thuộm với quang gánh, thúng mẹt của những gánh hàng rong, tuy ngày thường ai cũng chê là nhà quê, thì hôm nay thiếu nó lại làm thành phố trống trải, buồn tẻ. Hình như Hà Nội nếu không có chút hồn quê thì cũng chết cứng, vô hồn vậy.

838d7eb7-e70-42b-8ff8-8ff768fb8b5815204395
Trẻ em giờ thích điện thoại, laptop, trò chơi điện tử hơn nhận lì xì

Tôi lập tức muốn “trốn” về quê tìm lại chút cảm giác chộn rộn 3 ngày tết. Khoác ba lô chạy dọc triền đê sông Hồng chỉ 30 cây số và qua một lần đò là về đến nơi. Nhưng vừa về đến đầu làng, những âm thanh đinh tai nhức óc từ các giàn karaoke công suất lớn dội thẳng vào 2 lỗ nhĩ. Không có được cảm giác thanh bình như mường tượng, tôi mất thăng bằng. Nhưng nghĩ thôi kệ mọi người vui là được, mình về với họ hang mới quan trọng nhất.

Về đến nhà cảm giác đoàn viên, sum họp vẫn vui vẻ, hạnh phúc như bao năm qua. Nhưng đến màn mừng tuổi đám trẻ mới thật sự “tụt hứng”, không thấy đứa nào vui đùa dưới bếp hay chạy nhảy lò cò xếp hàng nhận tiền. Vào trong nhà thấy cả đám tóc "hai lai" ngồi tụ tập trên giường, mắt chúng xoáy vào những chiếc iPad. Ngón tay nhỏ nhắn vuốt, lướt thành thục, cặp mắt sáng rực như diễn viên đóng phim ma cà rồng.

Mỗi đứa được phát một chiếc máy tính bảng hay điện thoại tự ngồi chơi, không tranh chấp, xâm phạm, cũng không nói chuyện với nhau. Khách đến mừng tuổi cứ tự động nhét tiền vào túi, gài vào áo hay đưa các bậc phu huynh cầm hộ. Gọi chúng còn không thưa, chứ nói gì đến chuyện chào hỏi hay khoanh tay đáp lễ.

Thời đại công nghệ phát triển, ngay tại vùng nông thôn các thiết bị điện tử thông minh cũng phủ kín. Đi một vòng chúc tết họ hàng, thấy nhà nào cũng giống nhà nào. Trẻ con cứ mỗi đứa một thiết bị công nghệ cao, không máy tính bảng thì điện thoại, laptop, smart tivi… Muốn chơi với cháu, tôi lấy chiếc iPad nó đang cầm thì cu cậu gào khóc, giãy lên như đỉa phải vôi đòi lại.

Mọi hoạt động của đám trẻ con đều dính đến thiết bị điện tử, muốn chúng ngồi yên để làm việc khác thì cho tự chơi. Bảo đi ngủ, đi tắm hay yêu cầu làm gì đều kèm với lời hứa cho chơi điện tử. Đến giờ ăn, có đứa làm biếng, mẹ nó dọa “không há mồm ra thì cất điện thoại”.

Làng quê tự dưng biến thành "thung lũng Silicon", với những "chuyên gia công nghệ" tí hon, chẳng cần ai đào tạo, dạy dỗ gì mà sử dụng thiết bị thông minh rất thành thục. Không biết nên vui hay nên buồn đây!
 

III. Nhìn đám trẻ, tôi thấy trống rỗng. Nhớ ngày nào mỗi lần về quê gặp các anh, chị, em trong nhà hay những người bạn thủa nhỏ của mình, ngoài câu chuyện về cơm, áo, gạo tiền, chúng tôi vẫn thường kể cho nhau nghe một thời đầu trần, chân đất chạy nhảy ngoài đồng. Câu chuyện về mùi vị của những bắp ngô, thanh bỏng gạo khó lắm bố mẹ mới kiếm được.

Tôi ứa nước mắt khi so sánh cuộc sống của chúng tôi xưa kia với bọn trẻ bây giờ. Vật chất thì khác nhau cả trời, cả vực. Điều này ai cũng thấy. Nhưng tâm hồn, tình cảm, những gì còn đọng lại trong tuổi thơ, thì thời nào hơn đây...

Cuộc trò chuyện về quá khứ bao giờ cũng rất đẹp, cảm giác như tất cả đang vẽ bức tranh từ ký ức, trong đó mỗi người chấm phá vài nét. Tình cảm yêu thương, gắn kết với nhau dường như được bồi đắp thêm sau mỗi câu chuyện, mỗi tiếng cười về một thời ngô nghê.

Không biết sau này những đứa trẻ có cuộc sống đang dính liền với các thiết bị điện tử kia sẽ kể cho nhau nghe những câu chuyện gì về tuổi thơ, kỷ niệm được ở bên cạnh nhau vui đùa. Chúng sẽ còn nhớ gì về ngày tết đoàn viên, thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm cũ sang năm mới khi niềm vui nhận lì xì đã không còn, ngày tết hay ngày thường cũng chỉ là những trò chơi, video, hình ảnh trên máy tính.

 

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất