Động thái mới được chính quyền Đài Loan ban hành trong bối cảnh số lượng đàn vịt đẻ trứng được nuôi nhốt trong lồng ngày càng tăng và bị các tổ chức bảo vệ sức khỏe động vật lên tiếng phản đối.
Thống kê của Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan cho biết, eo biển đang có khoảng 2,16 triệu con vịt đẻ (chủ yếu là giống vịt Brown Tsaiya) trên khoảng 400 trang trại trên khắp lãnh thổ. Số lượng đàn vịt đẻ này mỗi năm sản xuất trung bình khoảng 400-500 triệu quả trứng và tạo nên một ngành sản xuất trứng vịt địa phương trị giá hơn 60 triệu USD/năm.
Mặc dù hầu hết đàn vịt đẻ ở Đài Loan vẫn được chăn thả bên ngoài tự nhiên, tuy nhiên xu hướng ngày càng có nhiều người chăn nuôi chuyển sang nuôi nhốt vịt đẻ trong lồng. Theo ước tính của Hiệp hội Môi trường và Động vật Đài Loan (EAST), hiện có khoảng 400.000 con vịt đẻ (20%) đang được nông dân nuôi nhốt trong các hệ thống lồng cũi, tính đến thời điểm cuối năm 2019.
Theo các nhà khoa học chăn nuôi, vịt là sinh vật thủy cầm khá nhạy cảm và phụ thuộc vào nước để duy trì sức khỏe của mắt, mỏ và chân. Ngoài ra môi trường tự nhiên còn giúp giữ cho bộ lông của chúng luôn ở tình trạng tốt và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của chúng.
EAST cho biết thêm rằng, vịt nuôi trong chuồng lồng có tỷ lệ rủi ro chấn thương cao hơn, nhất là bộ chân do hệ thống sàn chuồng cũi bị mài mòn. Vịt nuôi nhốt lâu ngày thường có những biểu hiện bất thường như đầu nhấp nhô do căng thẳng, và tỷ lệ tử vong cao gấp 2-5 lần.
Lệnh cấm các trang trại nuôi nhốt vịt được ban hành sau khi các cuộc điều tra bí mật của EAST và tổ chức We Animals Media được công bố vào năm 2019. Theo đó những trang trại nào không tuân thủ luật mới sẽ bị loại ra khỏi ngành chăn nuôi, không được công nhận sản phẩm, nhằm mục đích loại trừ tất cả các hình thức nuôi vịt trong lồng một cách hiệu quả.
Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu trứng vịt lớn nhất của Đài Loan, chiếm hơn một nửa tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu hải quan Mỹ do EAST tổng hợp, các lô hàng trứng vịt xuất đến bang California chiếm tới 81,4% (1.379 tấn) trong tổng số trứng vịt Đài Loan nhập khẩu vào Mỹ trong 5 năm từ 2016 đến 2020. Thống kê trong năm 2020, lượng trứng vịt Đài Loan được bốc dỡ tại các cảng California mỗi tuần tương đương hai container.
Trước đó kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2022, việc bán sản phẩm trứng gia cầm được nuôi nhốt trong lồng, bao gồm cả trứng vịt đã bị cấm tiệt ở bang California.
Trứng vịt là loại nông sản phổ biến trong thực đơn các bữa ăn của người dân eo biển Đài Loan và ngoài ra nó còn được dùng để muối, hoặc sử dụng trong ngành thực phẩm chế biến như bánh trung thu.
Việc nuôi nhốt gia cầm trong lồng cũi (battery cage) là một hệ thống chuồng trại được người chăn nuôi sử dụng chủ yếu cho việc nuôi gà đẻ trứng theo mô hình chăn nuôi công nghiệp. Đây là hình thức chuồng trại từng phổ biến đối với gà đẻ trên toàn thế giới, với loại hình chuồng trại được mô tả là một hệ thống chuồng ngăn cách với nhau bằng từng cái lồng nhốt kết nối với nhau. Dần dà thuật ngữ battery cage này đã bị người chăn nuôi lạm dụng cho các loài động vật bị nuôi nhốt khác.
Đặc điểm của việc nuôi nhốt các con vật trong điều kiện chuồng lồng đã gây ra tranh cãi giữa những người ủng hộ phúc lợi động vật và các nhà chăn nuôi công nghiệp. Phía bảo vệ thì đưa ra lí lẽ nuôi nhốt trong chuồng lồng sẽ làm giảm việc con vật cắn mổ lẫn nhau, trong khi đó phía bên kia lại cho rằng sự chật chội, hạn chế vận động sẽ cản trở các hành vi bản năng như đi lại, vỗ cánh, và tăng tỷ lệ loãng xương.
Bằng chứng là việc nuôi gà đẻ trứng quy mô công nghiệp được nuôi nhốt trong những ô lồng nhỏ chật hẹp (thường có từ 3-4 con được nhốt chung với nhau, chúng chỉ có thể ăn, uống và đẻ trứng mà không có không gian để vận động) sẽ dẫn đến việc gà mái không thể cho ra những quả trứng đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ngoài ra việc một số lượng lớn gà đẻ được nhốt chung dễ tạo cho gà cảm giác căng thẳng, rồi việc trứng bị dính phân hay gà có thể sẽ mổ ăn luôn trứng nếu các chủ trang trại không thu kịp sẽ gây tăng chi phí quản lý, vệ sinh và khó kiểm soát dịch bệnh.