| Hotline: 0983.970.780

‘Dự luật 2,2 m²/đầu lợn’ lại nóng trước giờ G

Chủ Nhật 26/12/2021 , 17:09 (GMT+7)

MỸ Liên minh nhà hàng và siêu thị California đã đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn việc thực thi dự luật mới, bắt buộc mỗi con lợn phải được ở trong chuồng tối thiểu 2,2 m2.

Động thái mới gây sức ép lên chính quyền tiếp tục làm tăng thêm sự không chắc chắn về tính khả thi của đạo luật chăn nuôi mới hay còn gọi là Dự luật 12, dự tính bắt đầu có hiệu lực ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2022.

Lý do được giới kinh doanh thực phẩm ở bang California đưa ra là lo ngại luật mới nhằm tiến gần hơn đến chủ đề phúc lợi động vật sẽ khiến sản phẩm thịt lợn ngày một đắt đỏ hơn và thậm chí trở thành mặt hàng xa xỉ phẩm đối với người tiêu dùng bình dân.

Theo giới quan sát, đơn kiện vừa đâm là bước đi mới nhất trong hành trình ba năm đầy biến động nhằm ban hành các quy tắc được đông đảo cử tri bang California tán thành, tuy nhiên điều đó đến thời điểm này vẫn còn là ‘một dấu hỏi lớn’ ngay cả khi chỉ còn vài ngày nữa là Dự luật 12 được ban hành.

Kể từ khi cử tri thông qua Dự luật 12 theo tỷ lệ 2 - 1 vào tháng 11 năm 2018, các giới chức tiểu bang đã từng bỏ lỡ thời hạn ban hành các quy định cụ thể về việc đối xử nhân đạo với động vật nhằm cung cấp thịt cho thị trường California, vì những lý do tương tự .

Tính đến nay, hầu hết các cơ sở chăn nuôi lợn hơi đều đã không thực hiện các thay đổi để tuân thủ luật chăn nuôi mới vì nó quá tốn kém chi phí phát sinh thêm khoản cơi nới chuồng trại. Theo một nghiên cứu trước đó dự đoán, giá thịt xông khói sẽ tăng tới 60% ở bang California.

Được biết, liên minh các nhà hàng, siêu thị đang tìm cách trì hoãn Dự luật 12 thêm ít nhất hai năm nữa. Nate Rose, phát ngôn viên của Hiệp hội Cửa hàng tạp hóa California cho biết: “Chúng tôi cho rằng điều này rất khó thực thi vì nó không hiệu quả”.

Trong khi các nhóm hội kinh doanh thương mại thịt lợn đang tìm cách để trì hoãn đạo luật mới, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền bang đã có những động thái “xuống nước” - nới lỏng quá trình chuyển đổi sang hệ thống mới. Cụ thể là việc cho phép thịt lợn vẫn được chế biến theo các quy tắc cũ và được bảo quản trong kho lạnh để bán ở California vào năm 2022, điều này được cho là ngăn ngừa tình trạng khan hiếm thực phẩm xảy ra hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng.

Phản ứng ngay lập tức Josh Balk, người đứng đầu các nỗ lực bảo vệ vật nuôi trang trại tại Hiệp hội Nhân đạo Hoa Kỳ nói mát mẻ rằng: Người dân California không cần phải lo sợ “những tuyên bố của ngành công nghiệp thịt lợn về ngày tận thế”.

Nói một cách đơn giản, luật mới yêu cầu lợn giống, gà đẻ trứng và bê con phải có đủ không gian để cho chúng có thể quay đầu. Theo đó đối với lợn nái có mang, có nghĩa là chúng không còn có thể bị “giam cầm” trong những không gian chật hẹp và phải có không gian sử dụng tối thiểu 24 feet vuông (2,23 mét vuông).

Theo ghi nhận, các nhà sản xuất trứng và thịt bê có vẻ như có thể đáp ứng theo luật mới, nhưng những người chăn nuôi lợn cho rằng những thay đổi này sẽ quá tốn kém và không thể thực hiện được cho đến khi tiểu bang thông qua các quy định cuối cùng về tiêu chuẩn mới.

Một ước tính từ Đại học North Carolina cho thấy, tiêu chuẩn không gian chuồng trại mới sẽ tốn thêm khoảng 15% cho mỗi con lợn đối với một trang trại tầm cỡ 1.000 con lợn giống.

Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia (NPPC) trước đó cũng đã coi động thái của chính quyền bang California là một thách thức thực sự trong việc áp đặt các tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp chăn nuôi ở các bang khác.

Theo ngân hàng quốc tế Rabobank, California hiện là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất nước Mỹ, trong khi đó các nhà sản xuất thịt lợn ở các bang lớn xung quanh như Iowa hiện cũng cung cấp tới 80% trong số khoảng 255 triệu pound (115 triệu kg) cho hệ thống các nhà hàng và cửa hàng tạp hóa ở California hàng tháng.

“Nếu không có nguồn cung này, không rõ liệu một bang tiêu thụ khoảng 13% nguồn cung thịt lợn của cả nước có đủ lượng thịt mà họ cần hay không”, Viện Thịt Bắc Mỹ lo ngại, đồng thời cho biết các nhà đóng gói và chế biến “sẽ nỗ lực hết sức để phục vụ thị trường California”.

Theo Michael Formica, cố vấn của Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia Mỹ: “Điều gì sẽ xảy ra ở California? Tôi thực sự không thể nào biết. Nhưng có một điều mà chúng tôi biết chắc là nguồn cung ở đó rất hữu hạn để phục vụ người dân".

Trong diễn biến liên quan, các cơ sở thú y và chăn nuôi của bang California cũng than thở, Dự luật 12 mà cử tri ủng hộ đã không thể nào cho họ có đủ thời gian để xoay xở. Hiện các cơ quan này vẫn đang tiếp nhận ý kiến ​​cộng đồng để sửa đổi bổ sung- điều đó có nghĩa là có thể mất nhiều tháng nữa, trước khi các quy tắc cuối cùng được thông qua.

Phía chính quyền bang cho biết, nếu luật mới có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2022, tiểu bang có thể tránh được tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt cục bộ hoặc giá tăng mạnh vì ngành công nghiệp thịt Mỹ đã dự trữ được khoảng 466 triệu pound (211 triệu kg) thịt lợn. Tất nhiên, không phải tất cả số thịt đó đều có thể được chuyển đến California, nhưng khi kết hợp với nguồn cung cấp mới từ các nhà chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn mới, nó sẽ đáp ứng ít nhất một số nhu cầu.

Hiện chính quyền bang Massachusetts cũng đã thông qua đạo luật phúc lợi động vật tương tự, có hiệu lực vào tháng tới, nhưng các nhà lập pháp bang này cũng đang cân nhắc việc hoãn một năm vì lo ngại về nguồn cung.

Giới phân tích cho rằng, độ chính xác của các ước tính của bang California có thể phụ thuộc vào số lượng nông dân áp dụng các tiêu chuẩn mới và quá trình chuyển đổi diễn ra trong bao lâu.

Trong khi đó, chủ trang trại lợn ở bang Iowa, Ron Mardesen hiện đã đáp ứng các tiêu chuẩn chuồng trại chăn nuôi lợn mới của bang California và trong phần lớn thời gian trong năm nay, lợn nái của ông được tự do đi lại khắp các khu vực rộng lớn trong trang trại. “Chúng có thêm nhiều không gian. Bạn có thể nói rằng chúng đang rất hạnh phúc vì không có con nào kêu la cả”, ông Ron nói.

Đồng quan điểm, ông Chris Oliviero, tổng giám đốc của Niman Ranch, một công ty thịt đặc sản ở Westminster, bang Colorado cho biết: Ông hy vọng các quy định mới của California sẽ giúp thay đổi một hệ thống mà ông gọi là “ham rẻ bất chấp mọi giá”, đồng thời tin rằng các quy định mới của California sẽ giúp hạn chế hậu quả môi trường của việc chăn nuôi quy mô công nghiệp.

Ông Oliviero cho biết: “Sẽ có sự biến động trên thị trường, vì vậy tôi hiểu những lo ngại đi kèm với điều đó, nhưng tôi cũng nghĩ rằng hầu hết các công ty lớn đã chứng minh rằng khi họ dồn hết tâm trí vào nó, họ sẽ có dư khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp”.

(AP; Thecentersquare)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.