| Hotline: 0983.970.780

Nơi dịch tai xanh không thể xuyên thủng

Thứ Hai 13/09/2010 , 10:51 (GMT+7)

Với mật độ thuộc loại cao nhất nước nhưng cơn bão dịch tai xanh vẫn chỉ gầm gừ mà vẫn không xuyên thủng được lớp hàng rào bảo vệ của 5 xã Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3 và Quang Trung.

Trao đổi về kinh nghiệm bảo vệ đàn heo
Phía tây huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai có 5 xã giáp ranh nhau, ôm lấy trục Quốc lộ 20 từ ngã 3 Giầu Dây đi Đà Lạt, có nghề chăn nuôi heo truyền thống, đấy là Gia Kiệm, Gia Tân 1, Gia Tân 2, Gia Tân 3 và Quang Trung. Tổng đàn heo của cả huyện có 180.000 con thì riêng 5 xã này đã có 140.000 con, bình quân 1 nhân khẩu có gần 2 con heo. Với mật độ thuộc loại cao nhất nước nhưng cơn bão dịch tai xanh vẫn chỉ gầm gừ mà vẫn không xuyên thủng được lớp hàng rào bảo vệ.

HÀNG RÀO BẢO VỆ SỐ 1 - VACXIN

Nói đúng ra thì cơn bão tai xanh năm 2010 này đã ghé qua tính hất tung đàn heo nơi này. Ngày 10/8 những con heo bị bệnh được phát hiện đầu tiên tại hộ nhà ông Vũ Quốc Tiến ấp Nguyễn Huệ 1, xã Quang Trung, ngày 11/8 lại có thêm hộ - bà Trần Thị Lụa, ngày 12/8 lại thêm hộ Huỳnh Văn Ba… đến ngày 30/8 thì đã có 510 con trong tổng số 696 con của 14 hộ ở xã Quang Trung có heo bị bệnh và phải tiêu hủy 243 con. Điều đáng chú ý là tất cả các hộ "dính" dịch đều thuộc dạng chăn nuôi nhỏ lẻ, số đầu heo hộ lớn nhất chỉ 99 con và hộ nhỏ nhất là 18 con. Đã hơn 1 tuần, cả 5 xã này chưa phát hiện thêm heo bị bệnh mới. Tính ra con số 510 con heo bị bệnh trên tổng đàn 140.000 con của cả 5 xã này thì quả là rất nhỏ.

May sao các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tạm bợ ở khu vực 5 xã này chỉ là thiểu số, còn lại chủ yếu đều coi nuôi heo là một nghề, có quy mô trong ngoài 100 nái. Trại heo của chị Tô Thị Hà, ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm có 180 nái với 1.000 con heo thịt. Nhìn dáng người nhỏ bé và có phần yếu ớt, tôi không nghĩ rằng chị lại là thuyền trưởng vững vàng lèo lái trại heo của gia đình suốt 7 năm nay. Chị Hà cho biết – trước đây gia đình chị cũng chăn nuôi kiểu “bỏ ống” với mỗi đợt xuất chuồng khoảng 3-4 tấn.

Đến năm 2002 chị mới quyết định nâng “công suất” lên như hiện nay. Các năm trước công việc cứ trôi chảy nhưng đến năm 2008 thì bùng phát dịch tai xanh. Khi những con đầu tiên chớm bị nhiễm, chị đã đôn đáo hỏi ý kiến rất nhiều chuyên gia nhưng tất cả đều “lúng búng”. May sao có trại anh đã Dân dùng Vacxin có kết quả, vậy là chị cũng “nhắm mắt” làm theo và đã chặn được dịch, số con bị chết chỉ dừng lại ở con số… 10 ổ.

Trại heo của anh Trần Công Dân, ấp Phúc Nhạc, Gia Tân 3 có 180 nái, thường xuyên có 1.000 heo thịt được xây dựng trên khuôn viên 1 ha, trước trại có tấm bảng hiệu khắc trên mica – Mô hình sản xuất thịt lợn an toàn của một đề tài khoa học cấp nhà nước. Anh Dân cho biết, năm 2008, trại của anh phát dịch tai xanh đầu tiên, cuống quá anh mời rất nhiều chuyên gia chăn nuôi của các tập đoàn chăn nuôi như CP, Cargill, các nhà khoa học của trường ĐH Nông Lâm đến tư vấn. Khi hỏi có nên tiêm vacxin không thì tất cả đều nói… tùy anh. 

Điều khác biệt nhất của vùng chăn nuôi tập trung 5 xã này là không chỉ với bệnh tai xanh mà tất cả các bệnh virus khác như dịch tả heo, phó thương hàn, lở mồm long móng, còi cọc sau cai sữa, suy hô hấp đều được các hộ tự chích ngừa đầy đủ, đúng quy trình mà không cần đến thú y nhắc nhở.
Sau cơn bão dịch năm 2008, mọi người chăn nuôi ở các xã này đều nhìn nhận – Không thể không chủng vacxin và từ đấy việc tiêm phòng đều được tiến hành 100% trên tất cả heo bố mẹ lẫn heo sau cai sữa. Người “chịu chơi” như anh Dân thì sau đó chuyển sang dùng vacxin nhược độc của Đức, người “ít tiền” thì dùng vacxin vô hoạt của Trung Quốc (rẻ hơn của Đức đến 6 lần) và tất cả đều yên ổn cho đến hiện tại.

HÀNG RÀO BẢO VỆ SỐ 2 – VỆ SINH VÀ CÁCH LY

Anh Nguyễn Kim Đoán – Đại lý cấp 1 thuốc thú y:

Người chăn nuôi ở đây có trình độ không kém bác sỹ thú y, vì đây là vùng chăn nuôi tập trung lớn nên gần cả chục năm nay tất cả các hãng thức ăn, thuốc thú y đều có các chương trình tập huấn, đào tạo, quảng bá cho người chăn nuôi; Các nhà khoa học chăn nuôi cũng chọn nơi này để chuyển giao các TBKT mới và triển khai các đề tài nguyên cứu. Tuy nhiên sự phát triển chăn nuôi theo phương thức hộ gia đình như hiện nay cũng đã tới ngưỡng, quỹ đất, nhân lực và vốn liếng sẽ là trở ngại lớn trên đường mở rộng phát triển thành doanh nghiệp chăn nuôi.

Khi tôi liên hệ với các hộ chăn nuôi trên thì tất cả đều vui vẻ tiếp nhưng với điều kiện – Vì đang dịch nên khách không được thăm trại heo. Rất cảm động, có người đi cả 5 km để tiếp chuyện nhà báo – Thế này tốt hơn, vào nhà lỡ ra có chuyện gì cũng áy náy lắm. Theo họ khi đang có dịch thì cách ly là biện pháp đầu tiên không thể không áp dụng. Cách ly cũng là phương châm phải quán triệt trong bất cứ thời điểm nào, kể cả khi không có dịch.

Để thực hiện được phương châm ấy họ đều tự trộn lấy thức ăn, theo họ thức ăn có thể là nguồn lây nhiễm (nhất là những thức ăn được đại lý bỏ mối cho các trại nhưng do bị dịch nên số thức ăn bị dư trả lại), hơn nữa việc tự trộn lấy thức ăn sẽ giảm được 10% so với mua thức ăn viên của các công ty. Tất cả các nguyên liệu như bột bắp, bột cá, khô đậu nành, Primex đều được các “lò” cung cấp tận nơi, phần họ chỉ sắm mỗi chiếc máy có thùng trộn 300 – 500 kg. Thức ăn đậm đặc là thứ duy nhất họ phải mua nhưng cũng chỉ với 25% so với khối lượng khuyến cáo.

Không chỉ với khách, thức ăn mà ngay cả những người mua phân heo cũng không được phép vào trại. Phân được họ tự thu dọn, đóng bao và tập kết cho các chủ vựa phân ở những địa điểm nhất định. Các nguồn thải khác được dẫn theo cống kín vào hầm biogaz. Cách ly cũng triệt để ngay cả với người nhà, trừ nhân công (có quy định nghiêm ngặt và bảo hộ riêng), còn tất cả không được phép lai vãng. Điều đặc biệt là họ còn cách ly cả không gian. Mặc dù các trại chăn nuôi ở khu vực này đều sát nhau nhưng đều được cách ly, tất cả các trại đều có băng cây nằm trong hàng rào kiên cố. Giữa các dãy chuồng với nhau còn có các hàng cây vừa tạo nên bóng mát, vừa tạo cách ly.

Khi tôi thực hiện bài viết này thì công việc buôn báo heo thịt ở đây vẫn diễn ra bình thường. Heo ở đây không những cung cấp cho Biên Hòa, TP HCM mà còn ra Móng Cái, Quảng Ninh để XK sang Trung Quốc. Hiện tại giá heo tại chỗ đang là 28.000 đ/kg, giảm 600 đ/kg so với trước dịch. – Vậy là nguyên năm làm công không, chưa nói đến lời, khấu hao. Chúng tôi không sợ dịch mà chị sợ rớt giá bất tử như hiện nay. Các chủ trang trại cho biết.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.