| Hotline: 0983.970.780

Nơi nhiều oxy nhất nhì Hà Nội

Thứ Năm 02/07/2020 , 07:10 (GMT+7)

Tỷ lệ cây xanh trên dân số của xã Vân Hà cao nhất nhì Thủ đô Hà Nội bởi thế hầu hết khách đến đây đều tranh thủ hít thật sâu, căng đầy lồng ngực

Cảnh làng quê vào mùa bưởi chín. Ảnh: NNVN.

Cảnh làng quê vào mùa bưởi chín. Ảnh: NNVN.

Vân Hà là xã nhỏ nhất của huyện Phúc Thọ chỉ có 2 làng Bãi Đồn và Bãi Cháy với trên 500 hộ, 2.156 nhân khẩu. Xa nhà máy, xa xí nghiệp nên nơi đây khi xưa nghèo khó giờ đã trở thành chỗ đáng sống của Hà Nội, không hề có bụi mịn mà chỉ có oxy.

Kinh tế nông nghiệp mươi năm trở lại đây xã luôn là số một của vùng nhờ vào 60 ha bưởi đặc sản Tam Vân, mỗi năm thu 40-50 tỉ đồng mà đầu tư hầu như không đáng kể, mức lãi cỡ trên 100 triệu/gia đình trở lên rất phổ biến. Khi đã trồng cây hết cả đất bãi, giờ nhiều người dân trong xã còn năng động đi nơi khác để đấu thầu đất trồng thêm.

Nhờ nguồn thu từ bưởi mà cơ sở hạ tầng nơi đây thêm khang trang, đường làng, ngõ xóm bê tông láng mịn sạch sẽ, hệ thống tưới tiêu ngày càng hoàn chỉnh...

Mỗi ngôi nhà ở Vân Hà như một hình mẫu của kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ với mái ngói, bể nước, sân, vườn... luôn tốt tươi cây trái.

Phúc Thọ có 21 xã đã đành nhưng ngoại thành Hà Nội có mấy trăm xã mà các thành viên trong đoàn đi chấm điểm nông thôn mới khi đến Vân Hà đều nắc nỏm đây mới thực sự là nơi đáng mơ ước.

Con người nơi đây chịu thương chịu khó lại thật thà chất phác, không ai lấy của ai nên đến mùa bưởi sai trĩu cành cũng cứ kệ. Tối đi ngủ lắm nhà còn không cả đóng cổng, cài then cửa, xe máy bỏ cả ngoài sân cũng chẳng sao.

Không có nước máy, nhà nào cũng có 1 bể trữ nước mưa dung tích 10-15 m3, trên về lấy mẫu thử nghiệm rồi kết luận còn sạch hơn cả nước ở trên thành phố cấp.

Nhà nào cũng có vườn cây mướt mát bao quanh. Ảnh: NNVN.

Nhà nào cũng có vườn cây mướt mát bao quanh. Ảnh: NNVN.

Cây xanh nhiều, đồ ăn thức uống sạch, kinh tế có, tinh thần lại vui tươi chính là bí quyết giữ sức khỏe và gia tăng tuổi thọ của dân Vân Hà.  

Người cao tuổi nhất ở đây có bà Thoa 107 tuổi vừa mới mất còn Hội người cao tuổi đông tới 340 hội viên, lớp 85-90 tuổi cũng vô cùng nhiều. Như ông ngoại của anh Bùi Thế Anh, Chủ tịch UBND xã là cụ ông Đào Văn Chương 96 tuổi vẫn đi lại bình thường, đọc báo không cần phải dùng kính. Số người già mà còn khỏe mạnh như thế làng, xóm nào cũng có.

Bà Đặng Thị Kỷ vẫn ở trong ngôi nhà gỗ được dựng lên từ năm 1986 dù con trai dư tiền đang xây nhà gác sát bên. Ngôi nhà có 6 hàng chân cột bằng gỗ, mái lợp ngói là một di sản của gia đình thuở còn khốn khó, khi mà mỗi cơn lũ dữ ngoài sông mấp mé đầu bờ, dân làng hò nhau dỡ nhà đi mà chạy lụt. Cả xã giờ có khoảng 100 ngôi nhà như vậy, ở vừa mát lại khá tiện lợi.

Bà Kỷ đang ngồi bế cháu trước ngôi nhà gỗ 6 hàng cột. Ảnh: NNVN.

Bà Kỷ đang ngồi bế cháu trước ngôi nhà gỗ 6 hàng cột. Ảnh: NNVN.

Vườn bưởi trên 50 gốc được chồng bà trồng từ năm 1994 thuộc vào hàng sớm nhất nhì xã, giờ vẫn còn xanh tốt. Mỗi vụ mỗi cây cho cả trăm quả, với giá 30-35.000đ/quả bán ngay tại vườn bà không phải đi đâu cả, thu lãi vài trăm triệu đồng.

Hầu hết nhà vườn ở Vân Hà đã thực hành theo chuẩn VietGAP và định hướng sắp tới sẽ chuyển sang hữu cơ để phát triển được vững bền.

Vườn nhà ông Cao Văn Mai rộng 8.000m2 với trên 400 gốc bưởi Diễn đang vào tuổi sung mãn nhất 14-15 năm. Càng ngắm cây lại càng thấm thía cái tình của chủ vườn khi đã tỉ mỉ kiến thiết cả hệ thống ống tưới ngầm từ cách đây hơn 10 năm có lẻ.

Hễ khi nào nước sông Hồng dâng lên cao thì ông lại dẫn chúng vào ao trữ lại để dùng dần tạo nguồn tưới sạch, giàu phù sa dưỡng chất. Cầu kỳ thế chưa đủ, ông còn thay thế phân bón hóa học bằng phân hữu cơ tự chế từ đậu tương hay ngô xay nhuyễn để quả thêm phần ngon ngọt và an toàn.

Nhờ vậy mà đợt thi bưởi năm ngoái, khi đem lên máy đo, độ brix (độ ngọt) của những múi bưởi trong vườn nhà ông đều đạt 13, 14 trong khi tiêu chuẩn chỉ cần trên 12 là đã chuẩn.

4 vạn quả trong vườn nhà ông Cao Văn Mai mỗi vụ đều được thương lái tranh nhau đặt mua hết từ khi hãy còn non với giá đổ đồng 25.000đ/quả giúp cho chủ nhân của chúng lãi tới 300-400 triệu đồng.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.