| Hotline: 0983.970.780

Nơi lãnh đạo đua nhau xin nghỉ để 'về vườn'

Thứ Năm 21/05/2020 , 06:10 (GMT+7)

“Về vườn”- từ đáng sợ với lãnh đạo ở đâu đó chứ tại xã Vân Hà là điều họ mong, mới đây cả Bí thư, Chủ tịch và một cán bộ đâm đơn xin về.

Ông Hoàng Thế Tài - cựu Chủ tịch xã vui với nghề làm vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hoàng Thế Tài - cựu Chủ tịch xã vui với nghề làm vườn. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Lương” làm vườn gấp 3 - 4 lần lương cán bộ

Vân Hà là xã nhỏ nhất của huyện Phúc Thọ (Hà Nội) với 2 thôn, trên 500 hộ, 2.156 khẩu nhưng kinh tế nông nghiệp mươi năm trở lại đây luôn là số một nhờ 60 ha bưởi cho thu nhập tới 850 triệu/ha.

Vùng bãi sông này có nhiều thứ không vô cùng đặc biệt: Không doanh nghiệp, không chợ, không quán bán hàng, không dịch vụ game, karaoke, không đò ngang, đò dọc…

Đồng nghĩa với việc Ủy ban Nhân dân xã không có bất cứ nguồn thu nào bù đắp mà chỉ có chi. Bí thư, Trưởng thôn phụ cấp thấp nhấp nhổm xin bỏ đã đành mà cán bộ xã biên chế hẳn hoi thậm chí lãnh đạo cũng muốn xin nghỉ nốt. Họ xin nghỉ để làm gì? Để về vườn theo đúng nghĩa đen cao quý của nó.

Anh Bùi Thế Anh-Chủ tịch xã Vân Hà cho hay, địa phương mình nhà nào cũng có vườn, quy mô ít thì 3-4 sào còn nhiều cả 1 - 2 mẫu.

Bởi vậy, ngoài 8 giờ hành chính tại Ủy ban thì cán bộ ai cũng muốn được về nhà để xắn tay áo lên mà cầm cuốc. Thu nhập từ làm vườn gấp 3 - 4 thậm chí 5 - 6 lần so với làm cán bộ.

Nói đâu xa, lương Chủ tịch được hơn 5 triệu, trong khi đó xã nhỏ, toàn người quen với họ hàng, cưới cả làng mời còn ma thì thôn đứng ra tổ chức nhưng xã cũng phải lập đoàn đi, cuối năm chẳng để ra được đồng nào. Ngược lại, thu nhập của người vợ làm vườn một năm ăn tiêu rồi cũng để ra được cỡ 150 - 200 triệu.

Sau 2 năm gặp lại tôi thấy ông Hoàng Thế Tài - cựu Chủ tịch xã như trẻ ra đến mấy tuổi so với hồi đương chức.

Ông cười khà khà rằng: “Tớ xin nghỉ trước tuổi cùng đợt với anh Bí thư xã và một cán bộ công chức nữa. Về cho lớp trẻ có học hơn mình lên, ở nhà trông cháu mùa Covid, làm vườn, tự cung tự cấp từ mớ rau đến con gà vui lắm!”.

Vườn bưởi nhà ông có 2,5 sào mỗi năm thu 150 triệu trong khi chi phí chỉ 15 - 20 triệu, trang trại bưởi nhà ông có hơn 4.000m2 mỗi năm thu hơn 400 triệu trong khi chi phí chỉ 40 - 50 triệu. Mức lương hưu của cựu Chủ tịch chưa bằng 1/3 - 1/4 “lương” của vườn bưởi trả cho ông.

Mỗi gốc bưởi là một cây ATM

Với người dân Vân Hà, mỗi cây bưởi như một cái máy ATM cứ đến kỳ là ra rút 3 - 4 triệu đồng mà đầu tư chỉ mất có mấy trăm ngàn. Dù cùng gốc bưởi Diễn nhưng quá trình trồng trên đất bãi này khiến chúng đột biến ra loài bưởi mới có tên là Tam Vân.

Không quá ngọt như ở quê cha, đất tổ vị bưởi nơi đây ngọt dịu nhẹ mà không hề the đắng. Điều đặc biệt là đồng đều đến mức hầu như 10 quả ăn được cả 10 chứ không phải hồi hộp lo âu như nhiều giống đặc sản đỏng đảnh, khó tính khác.

Thêm một điểm cộng nữa là chúng chín khá sớm, khi bưởi Diễn da vẫn còn xanh ngắt thì bưởi Tam Vân đã vàng ruộm đầy vẻ gọi mời nên được cánh lái buôn rất ưa chuộng. Từ nghèo nhất huyện đến giàu nhất nhì huyện chỉ nhờ làm nông nên các nơi đổ xô về Vân Hà học tập.

Nói một cách công bằng thì bưởi không phải là cây ăn quả truyền thống ở đây. Trước vùng bãi này nghèo xác xơ bởi đất lở thường xuyên phải dỡ nhà mà chạy. Dân nơi đây có những khu vườn tạp trồng đủ thứ cây trong đó nhiều nhất là chuối, đến gần ngày thu có khi chỉ một trận gió to là đổ rạp đồng loạt, phải nhặt quả rụng luộc ăn thay cơm.

Mùa bưởi chín. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mùa bưởi chín. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong quá trình thấy dân tình đi bè buôn bưởi ngược xuôi theo sông Hồng, ông Trần Văn Sửu và một vài hộ đã nảy ra ý định lên Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mua giống bưởi đặc sản về trồng xen với chuối để thử nghiệm năm 1994.

Vài năm sau, khi thân bưởi đã lớn ông mới dám chặt hết chuối đi để tiện cho việc chăm sóc. Quả bưởi trồng trên vùng đất bãi, tuy còn non tuổi nhưng ăn đã khá ngon, không the, không đắng, bán được giá.

Người nọ nhìn người kia, những vườn chuối rậm rạp, tối um của các gia đình nghèo bắt đầu được thay bằng vườn bưởi trông sáng sủa hơn, đặc biệt vào dịp cuối năm, lá xanh, quả vàng treo lúc lỉu trông rất đẹp mắt. Nếu như trồng chuối chỉ thu “tiền bồm” lắt nhắt quanh năm thì trồng bưởi thu “tiền mô”.

Dân Vân Hà vốn ưa tìm hiểu những thứ mới nên cùng thời điểm đó cũng tiên phong trong toàn huyện thử đưa giống cam Canh về trồng.

Thu nhập thì có nhưng lại phải đầu tư nhiều phân mà nhất là nhiều thuốc thấy hãi quá nên mới bỏ. Từ sự tự phát của dân cộng thêm tầm nhìn của lãnh đạo đã thúc đẩy cho cây bưởi nơi đây phát triển bền vững.

Quãng năm 1998, ông Vũ Tuyết Mai - Chủ tịch xã, ông Đặng Văn Tèo - Bí thư xã đã lặn lội sang trường Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp VN) để mua giống về phát cho dân, lại sang vùng Diễn hỏi kỹ thuật trồng rồi hầu như năm nào địa phương cũng bỏ tiền ra vời các nhà khoa học về tập huấn.

Nhiều hộ ban đầu còn tiếc những gốc mít, gốc nhãn mấy chục năm tuổi trong khu vườn tạp không nỡ tự tay chặt bỏ mà phải nhờ hàng xóm đến chặt hộ rồi chính mình lại được hàng xóm nhờ lại hệt như thế...

Đo độ ngọt của bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đo độ ngọt của bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hơn 10 năm gần đây ở đâu mất mùa bưởi thì không biết chứ dân Vân Hà chưa bao giờ thất thu bởi làm chủ khoa học kỹ thuật, bởi thiên nhiên ưu đãi, bởi sự chịu khó ít nơi sánh bằng.

Sau thu hoạch họ tổng vệ sinh cây bằng cách cắt tỉa gọn gàng rồi dùng máy nén hơi nước phụt rửa từ ngọn xuống gốc, phun thuốc phòng bệnh, xới xáo quanh gốc để bỏ phân. Cây nhú nụ, bật hoa, có khách đến chơi cũng bảo thông cảm, không tiếp bởi mỗi ngày công thụ phấn lúc đó đáng giá vài triệu.

Bưởi vốn khó đậu quả, nhất là với những vườn trồng chỉ một loại nên phải thụ phấn bổ sung bằng các giống bưởi khác. Trước đây người Vân Hà hay dùng sào kẹp một chùm phấn rồi chấm vào nhụy hoa nhưng về sau cải tiến bằng cách dùng chổi… đánh phấn của phụ nữ. Mỗi nhà vườn thông thường mất 10 - 15 ngày “đánh phấn” cho cây như thế.

Tháng 5 - 6 âm lịch, khi quả đã hơi lớn lại phải dùng bẫy bả để diệt ruồi vàng. Được cái, giống bưởi này khá khỏe, có sức đề kháng bệnh tật tốt nên giờ đây dân Vân Hà hầu hết đã làm VietGAP, định hướng sắp tới còn chuyển hết hữu cơ. Dự kiến tháng 10 tới đây Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội sẽ cùng địa phương xây dựng thương hiệu cho loại quả đặc sản. 

Thu nhập cao và hoàn toàn trong sạch không phải là chuyện hiếm trong đội ngũ cán bộ xã. Ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch Hội Nông dân thống kê với tôi như bản thân mình, anh Thế Anh - Chủ tịch xã, anh Đặng Xuân Phú - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, anh Phan Thanh Hải - Chủ tịch Mặt trận có vườn rộng trên dưới 4.000m2, thu lãi mỗi năm 200-300 triệu, còn lại ai có vài sào vườn cũng lãi cỡ 100 - 150 triệu. Bởi thế, nghị quyết hai khóa vừa qua của Đảng ủy xác định nòng cốt vững bền chính là cây bưởi. Bởi thế, hội chợ, hội thảo nào lãnh đạo địa phương hay lãnh đạo hội cũng tranh thủ giới thiệu, quảng bá về thứ quả đặc sản nức tiếng.

Xem thêm
Trâu, bò vỗ béo 'cái nghèo teo đi'

THÁI NGUYÊN Ngoài được hỗ trợ toàn bộ con giống, người dân còn được hỗ trợ 50% thức ăn theo định mức và tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.