| Hotline: 0983.970.780

Nơi nông dân góp tiền để duy trì tổ hợp tác dùng nước

Thứ Bảy 15/07/2023 , 16:27 (GMT+7)

GIA LAI Các tổ hợp tác dùng nước ở Krông Pa, ngoài việc tưới nước khoa học, còn tiết kiệm được lượng nước tưới trong bối cảnh mùa khô khắc nghiệt của 'chảo lửa' này.

Hồ chứa nước Phú Cần cơ bản đảm bảo nguồn nước tưới. Ảnh: Đăng Lâm.

Hồ chứa nước Phú Cần cơ bản đảm bảo nguồn nước tưới. Ảnh: Đăng Lâm.

Lúa tốt nhờ tưới đúng

Việc sử dụng nguồn nước tưới hợp lý là hết sức cần thiết, vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới vốn đã khan hiếm, cây trồng lại được chăm sóc một cách khoa học. Theo đó, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã thành lập các tổ hợp tác dùng nước để điều tiết nước tưới đảm bảo cho người dân sản xuất nông nghiệp.

Hơn 7 sào lúa nước của gia đình bà Rơ Ô H’Djanh ở cánh đồng xã Phú Cần (huyện Krông Pa) đang phát triển tốt, hứa hẹn đạt năng suất cao nhờ có nguồn nước đảm bảo.

Bà H’Djanh cho biết: “Trước đây, cánh đồng này thường xảy ra khô hạn vào cuối vụ do người dân sử dụng nước không hợp lý. Giờ có người điều tiết nước cho từng khu vực nên chúng tôi sắp xếp thời gian lấy nước theo đúng lịch. Có lịch cấp nước giúp người dân sản xuất tập trung theo lịch thời vụ”.

Cũng ở xã Phú Cần, 6 sào lúa nước của gia đình chị Rơ Ô H’Oanh (buôn Tang) cứ tốt bời bời, ngằn ngặt xanh, như muốn thách đố cùng cái nắng chói chang của mùa khô nơi “chảo lửa” Krông Pa này. “Mặc dù thời tiết nắng nóng hơn, nhưng nhờ có hệ thống kênh mương dẫn nước về tận ruộng và sự điều tiết hợp lý của tổ hợp tác dùng nước, do vậy cây lúa vẫn phát triển ổn định. Vụ đông xuân vừa rồi, gia đình thu được khoảng 3,5 tấn lúa”, chị H’Oanh chia sẻ.

Người dân thu hoạch lúa. Ảnh: Đăng Lâm.

Người dân thu hoạch lúa. Ảnh: Đăng Lâm.

Lão nông Rơ Châm Tai ở xã Đất Bằng, có 5 sào ruộng cũng khẳng định, từ khi xã thành lập tổ hợp tác dùng nước, ruộng lúa của gia đình ông cũng như bà con trong xã không còn lo thiếu nước nữa. Tổ hợp tác phân lịch rất cụ thể, sáng nay nhà này, chiều lại đến nhà khác nên không xảy ra tình trạng tranh giành nước lẫn nhau. Mỗi người chỉ lấy vào ruộng nhà mình lượng nước vừa đủ, do vậy cây lúa phát triển rất tốt.

Sử dụng nước hợp lý

Ông Nay Ryat, Tổ trưởng Tổ hợp tác dùng nước xã Chư Gu (huyện Krông Pa) cho biết: Cánh đồng Chư Gu có diện tích hơn 70ha lúa nước. Trước đây, người dân chỉ sản xuất được 1 vụ vì thiếu nước. Đến khi có nguồn nước từ công trình thủy lợi Ia M’lah kéo về, người dân mới sản xuất được 2 vụ.

“Ngay từ đầu vụ, tổ xây dựng phương án tưới nước luân phiên từng khu vực và điều tiết nước hợp lý. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nông dân hiểu rõ tình hình diễn biến thời tiết khô hạn, nguy cơ thiếu nước nên cần nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm”, ông Nay Ryat nói.

Cánh đồng lúa nước xã Phú Cần có diện tích hơn 150ha, sử dụng nguồn nước tưới từ công trình thủy lợi Ia M’lah và hồ chứa Phú Cần. Để đảm bảo nguồn nước cho cây trồng, Tổ hợp tác dùng nước xã Phú Cần đã xây dựng kế hoạch điều tiết nước chi tiết, cụ thể cho từng tuyến kênh, từng khu vực.

Ông Trần Thế Chanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã, phụ trách Tổ hợp tác dùng nước xã Phú Cần cho biết: Năm 2019, tổ hợp tác được thành lập với 4 thành viên. Tổ có nhiệm vụ điều tiết nước tưới cho cánh đồng Phú Cần.

Để đảm bảo nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất, ngay từ đầu vụ, Tổ hợp tác đã huy động người dân nạo vét kênh mương, quán triệt bà con sử dụng nước tiết kiệm, dùng đến đâu tháo nước đến đó, tránh xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước. Để có kinh phí hoạt động và tu sửa một số tuyến kênh bị hư hỏng, tổ thu phí 30 - 40 ngàn đồng/sào/năm.

Tham quan mô hình giống lúa mới tại xã Ia Rmok. Ảnh: Đăng Lâm.

Tham quan mô hình giống lúa mới tại xã Ia Rmok. Ảnh: Đăng Lâm.

“Trước đây, người dân thường phản ánh thiếu nước tưới cho cây trồng. Nhưng khi chúng tôi xuống kiểm tra thì lượng nước trên mương vẫn đảm bảo. Chỉ vì người dân lấy nước để chảy tràn lan nên xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Do đó, chúng tôi xây dựng lịch tưới nước cụ thể cho từng vùng và thông báo với người dân lấy nước đúng ngày, đúng lịch phân công. Nếu hộ nào không sắp xếp công việc để lấy nước đúng lịch thì phải đợi đến lần sau. Với cách làm này, bà con đều đồng tình ủng hộ”, ông Chanh chia sẻ.

Vơi bớt nhọc nhằn cho nông dân

Ông Võ Ngọc Châu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 8 công trình thủy lợi gồm 3 hồ chứa, 4 đập dâng và 1 trạm bơm điện. Các công trình này có tổng diện tích tưới theo thiết kế là 1.565 ha, trong đó có hơn 1.000 ha lúa và 480 ha cây công nghiệp ngắn ngày. Ngoài ra, trên địa bàn còn có công trình thủy lợi Ia M’lah do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai quản lý với năng lực tưới gần 5.200 ha cây trồng.

“Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu vụ, ngành chức năng huyện đã rà soát diện tích có nguy cơ thiếu nước tưới, xây dựng phương án ứng phó với hạn hán. Huyện cũng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích trữ nước ở các ao hồ, nạo vét kênh mương dẫn nước, điều tiết nước hợp lý để tránh thất thoát gây lãng phí tài nguyên nước.

Đồng thời, thông qua sự điều tiết nước hợp lý từ các tổ hợp tác dùng nước ở các xã, thị trấn đã góp phần đảm bảo nguồn nước tưới cho từng cánh đồng, giúp người dân sản xuất ổn định”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện thông tin thêm.

Đánh giá tổ chức hợp tác dùng nước, ông Châu cho rằng, để hoạt động hiệu quả, tổ hợp tác dùng nước cần hoạt động dựa trên quy chế, điều lệ được các hội viên bàn bạc thông qua trước đại hội và được UBND xã phê duyệt. Trước khi thành lập, các tổ được tập huấn, hướng dẫn thành lập, hỗ trợ kỹ thuật cho các hội viên cũng như cán bộ chủ chốt của chính quyền xã.

Tổ chức bộ máy của tổ được các hội viên bầu ra, hội viên được tham gia từ quy hoạch, khảo sát thiết kế, xây dựng đến khi đưa công trình vào quản lý, vận hành, khai thác. Được tham gia xây dựng điều lệ, quy chế của tổ, có quyền giám sát mọi hoạt động của tổ...

Quản lý tài chính theo nguyên tắc tự chủ, dân chủ công khai. Tổ viên có ý thức hơn trong công tác quản lý bảo vệ công trình, coi công trình là của mình, nên công tác bảo vệ, sửa chữa công trình cũng như sử dụng nước được tốt hơn, người dân đỡ vất vả trong việc lấy nước để sản xuất. Việc thu, nộp thủy lợi phí (nay là giá dịch vụ thủy lợi) tự giác hơn, phát huy được nội lực của các hội viên.

Và một điều hết sức quan trọng đó là tổ hợp tác dùng nước được cấp chính quyền rất quan tâm, tạo điều kiện, trao quyền tự chủ về quản lý khai thác công trình cũng như tự chủ và hỗ trợ về tài chính khi gặp khó khăn.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, hiện đang là thời kỳ đầu mùa khô, theo dự báo thời gian tới, hạn hán có thể diễn ra trên diện rộng và kéo dài đến hết tháng 9/2023. Trước tình hình đó, UBND huyện đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND xã chủ động phòng, chống hạn, rà soát diện tích nguy cơ thiếu nước và xây dựng phương án ứng phó với hạn hán. Đồng thời, chỉ đạo các tổ hợp tác dùng nước hoạt động có hiệu quả, chủ động xây dựng phương án, điều tiết nước, đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân sản xuất.

Xem thêm
Khai mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa 13

Sáng 16/5, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Thủy lợi cho vùng đất khó [Bài 4]: Hồ nước đổi vận xã nghèo

Từ khi hồ thủy lợi Lái Bay đi vào hoạt động, đời sống, sản xuất của người dân xã Phổng Lái, Chiềng Pha (huyện Thuận Châu, Sơn La) đã thay da đổi thịt từng ngày.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.