Từ xa xưa, cây chuối lùn bản địa đã được đồng bào dân tộc Pa Kô trồng nhiều dưới chân dãy núi Trường Sơn, tập trung tại các xã A Ngo, A Vao, A Bung, Tà Rụt, Mò Ó… của huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị). Tuy nhiên với tập quán canh tác lạc hậu, đồng bào nơi đây chủ yếu trồng tự phát theo kinh nghiệm, mật độ dày, không bón phân.
Chuối không được chăm sóc đúng kỹ thuật, không tưới nước và phòng trừ sâu bệnh, không tỉa cây con nên năng suất thấp, buồng ngắn, ít nải...
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho hay, việc thay đổi nhận thức, tư duy của đồng bào trong canh tác là điều hết sức quan trọng. Vì vậy, mô hình khuyến nông không chỉ dừng lại ở việc tăng năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi mà còn phải giúp đồng bào thay đổi nhận thức và tư duy canh tác.
"Mô hình phải có tính thực tiễn, phù hợp với tình hình về thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và có thể nhân rộng. Chúng tôi chọn chuối tiêu hồng để triển khai ở xã A Ngo vì đây là giống chuối có nhiều điểm tương đồng với chuối lùn bản địa của người dân dưới chân dãy núi Trường Sơn”, ông Cẩn cho biết.
Để triển khai mô hình, cuối năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã hỗ trợ gia đình ông Hồ Văn Tia ở thôn A Ngo (xã A Ngo) trồng thử nghiệm mô hình 1ha chuối tiêu hồng.
Sau khi làm đất, xử lý đất, đào hố và bón phân lót, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị hợp đồng với các đơn vị cung ứng giống và vật tư, phân bón để trồng với mật độ 2.420 cây chuối tiêu hồng nuôi cấy mô (kể cả trồng dặm).
Chuối được phun phòng trừ sâu bệnh và bón thúc định kỳ. Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị bám sát, theo dõi, hướng dẫn chăm sóc, bảo vệ cây trồng theo quy trình kỹ thuật, bẻ bắp, bao buồng. Kết quả cho thấy, cây chuối lớn đồng đều, thân to khỏe, cây sạch bệnh, sinh trưởng phát triển tốt.
“Việc bón phân chuồng cho cây chuối ở đây khiến bà con khá bất ngờ. Họ nói từ trước đến nay, chuối hay nhiều loại cây trồng khác chỉ được trồng và thu hoạch chứ không hề bón phân. Nhưng khi mô hình cho kết quả tốt, đồng bào mới có sự so sánh và kết luận việc bón phân cho năng suất cao hơn nhiều so với canh tác truyền thống”, ông Cẩn kể.
Sau gần 1 năm trồng và chăm sóc, cuối năm 2022, vườn chuối nhà ông Tia đã cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 40 tấn/ha, trọng lượng trung bình 20kg/buồng. Với giá bán trung bình 3,5 nghìn đồng/kg, gia đình ông Tia thu về 140 triệu đồng/ha/năm. Sau mỗi lần thu hoạch, ông Tia được cán bộ khuyến nông hướng dẫn bón phân hữu cơ vi sinh cho cây chuối.
Ông Tia cho hay, đây là lần đầu tiên gia đình ông trồng chuối có bón phân và phun các loại thuốc bảo vệ thực vật. Làm theo quy trình tuy khó và mất nhiều thời gian nhưng đổi lại năng suất, sản lượng cao, gia đình ông rất vui. Ông Tia hi vọng sẽ có nhiều gia đình đầu tư trồng chuối tiêu hồng đúng quy trình kỹ thuật để phát triển kinh tế.
“Cán bộ khuyến nông hướng dẫn làm đất, trồng và phun phòng trừ bệnh cùng các kỹ thuật chăm sóc cho cây chuối. Chuối tiêu hồng rất phù hợp với vùng đất này, nếu phát triển được nhiều hơn nữa thì đồng bào sẽ có cơ hội để xóa đói, giảm nghèo”, ông Tia phấn khởi.
Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết, qua kiểm tra mẫu kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm trên quả chuối chín tại mô hình, các chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng đều đạt ở ngưỡng an toàn. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị đã lấy 10 bụi chuối làm vật liệu đầu dòng cho công tác nuôi cấy mô. Đây là cơ sở để thời gian tới Quảng Trị tiến tới sản xuất giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô phục vụ nhu cầu về giống cho bà con.