QUẢNG TRỊ Khuyến nông Quảng Trị đang triển khai nhiều chương trình để hình thành các sản phẩm sản xuất hàng hóa, tạo sinh kế cho bà con thiểu số vùng cao từ cây, con bản địa.
Đakrông là huyện miền núi của tỉnh Quảng Trị, là một trong 63 huyện nghèo trong cả nước, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, nhiều chương trình hỗ trợ các mô hình kinh tế cho người dân nơi đây đã được triển khai.
Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị là đơn vị đi đầu trong việc chuyển giao các tiến bộ KH-KT cho bà con. Một trong những cách làm ưu tiên là thực hiện mô hình trên nền tảng lựa chọn những cây, con giống bản địa. Ưu điểm của việc lựa chọn những loài cây, con giống này là đối tượng được chọn có sức chống chịu với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, sản phẩm làm ra có chất lượng tốt.
Mô hình nuôi các giống gà bản địa có chất lượng cao đang mang lại tín hiệu khả quan để tạo thu nhập tốt cho bà con xã A Ngo. Ảnh: Việt Toàn.
Nhằm chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi gà thịt thả vườn theo hướng an toàn sinh học từ nguồn giống gà Ri bản địa ấp nở tại địa phương, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt bản địa theo hướng an toàn sinh học trên đệm lót sinh học. Mô hình triển khai tại xã A Ngo, huyện Đakrông với quy mô 500 con, được nuôi ở 5 hộ. Đây là xã khu vực biên giới nên tham gia mô hình các hộ dân được hỗ trợ 100% kinh phí mua con giống (giống gà Cu Roang và giống gà Ri 21 ngày tuổi); vật tư thiết bị, máy ấp trứng; chế phẩm vi sinh và các nguyên liệu khác để làm đệm lót sinh học.
Được dự án hỗ trợ cùng với đức tính cần cù chịu khó, bà Hồ Thị Phía, thôn A Đeng, xã A Ngo đã biết áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi gà vào thực tế một cách hiệu quả. Sau gần 3 tháng nuôi, gà sinh trưởng phát triển rất tốt, trọng lượng bình quân đạt 1,2kg/con, tỷ lệ nuôi sống đạt 98%. Với hiệu quả ban đầu của mô hình, hứa hẹn sẽ có nguồn thu nhập ổn định và cao cho gia đình bà Phía.
Để triển khai theo đúng tiến độ, cán bộ kỹ thuật đã chuyển giao kỹ thuật nuôi gà bản địa theo đúng quy trình, đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Chiến, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đakrông cho biết, trong quá trình triển khai mô hình, Trạm hướng dẫn cách chăm sóc gà theo từng giai đoạn, công tác phòng và điều trị một số bệnh thường gặp ở gà bản địa cho các hộ dân.
Việc triển khai mô hình đã giúp các hộ dân quản lý tốt dịch bệnh, sử dụng đệm lót sinh học để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Qua đó, giúp các hộ làm quen với phương thức chăn nuôi mới, từng bước hình thành và xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng cho vùng...
Với những tín hiệu ban đầu đầy triển vọng, mô hình nuôi gà thịt bản địa được xem là hướng đi tích cực trong phát triển kinh tế cho các hộ dân ở xã A Ngo. Ngoài mục đích nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, mô hình nuôi gà thịt bản địa sẽ mở ra hướng đi mới, tạo sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương.
Hình thành vùng chuối tiêu hồng phía tây
Song song với việc chuyển giao kỹ thuật nuôi gà bản địa, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị còn xây dựng thêm các mô hình nhằm đa dạng hóa đối tượng cây trồng, vật nuôi cho đồng bào thiểu số khu vực miền núi. Trung tâm đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình thâm canh chuối tiêu hồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” tại huyện Đakrông. Đây là đề tài KH-CN cấp cơ sở được Sở KH-CN Quảng Trị phê duyệt.
Anh Hồ Văn Tia đang được cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị trao đổi kỹ thuật. Ảnh: Việt Toàn.
Mô hình thí nghiệm được triển khai tại hộ ông Hồ Văn Tia ở thôn A Ngo, xã A Ngo trên diện tích 1ha với 2.000 cây. Đây là giống chuối tiêu hồng nuôi cấy mô theo tiêu chuẩn 10 TCN 530:2002, chiều cao 25 - 35cm, đường kính thân 10 - 15mm, có 4 - 7 lá thật. Đồng thời, thử nghiệm 3 công thức về mật độ (2,5m x 2m; 2m x 2m và 1,8m x 2m) và phân bón (220N:60P:440K; 240N:65P:480K; 260N:70P:250K) khác nhau để theo dõi. Đến nay, cây chuối sinh trưởng, phát triển tốt nhất với mật độ 2,5m x 2m và phân bón: 240N:65P:480K.
Gặp chúng tôi khi đang tham quan mô hình trồng chuối, ông Hồ Văn Tia, chủ hộ thực hiện mô hình phấn khởi: "Trước đây gia đình chỉ làm các công việc trên nương rẫy, nay nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn cho kỹ thuật trồng chuối tiêu hồng, ban đầu cây nhỏ và ngắn lắm, ngắn như chiếc đũa. Cán bộ hướng dẫn cho tôi cách trồng, chăm sóc, bón phân, bây giờ cây chuối to cao quá đầu rồi. Tôi thích lắm, ai đến xem cũng khen, cũng thích".
Ông Hồ Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, UBND xã A Ngo đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình. Trong quá trình triển khai, các thành viên trong Ban chỉ đạo đã rất tích cực, tạo điều kiện cho hộ dân để thực hiện mô hình có hiệu quả, trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn.
Sở KH-CN và Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị kiểm tra giữa kỳ mô hình trồng chuối tiêu hồng ở xã A Ngo. Ảnh: Việt Toàn.
Mô hình triển khai trên cơ sở tác động đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, trong đó yếu tố quan trọng là phân bón, mật độ trồng, từ đó từng bước xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu chuối trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Qua kiểm tra, việc thực hiện đề tài đạt đúng tiến độ, bước đầu nhận thấy chuối tiêu hồng tương đối phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng miền núi phía tây Quảng Trị.
Ông Tạ Sáu, Trưởng phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN Quảng Trị) cho biết qua đánh giá mô hình, cây chuối tiêu hồng phát triển tốt, khá đồng đều. Đây là mô hình có nhiều triển vọng cho năng suất cao.
"Thời gian đến, chúng tôi đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển của chuối, đặc biệt là bón phân, chăm sóc, làm cỏ. Đồng thời, tỉa cây để ổn định cây con đảm bảo cho cây mẹ cùng với 2 - 3 cây con là tốt nhất. Chúng tôi sẽ đánh giá mô hình trong 2 vụ để khẳng định hiệu quả kinh tế, nếu đạt yêu cầu sẽ nhân rộng trên địa bàn các xã miền núi của huyện Đakrông", ông Tạ Sáu cho biết.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, ông Trần Cẩn cho biết đến nay, qua đánh giá, chuối sinh trưởng phát triển tốt, các chỉ tiêu theo dõi về mật độ và phân bón đều đạt yêu cầu đề ra. Thời gian đến, Trung tâm sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu phát triển, chú ý khâu phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, tuyển chọn công thức mật độ và phân bón tối ưu nhất để có hướng phát triển cho bà con.
Nghiên cứu phục hồi giống nếp Than
Bên cạnh một số mô hình đang được xây dựng và đã có kết quả, giống nếp Than - một giống bản địa của bà con dân tộc Pako tỉnh Quảng Trị là đối tượng đang được Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị theo dõi để xây dựng phương án phục hồi. Nếp Than là giống lúa nếp có từ xa xưa của người dân Pako, được gieo trồng chủ yếu trên các chân ruộng cao vùng đồi, gần khe suối. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng dài ngày, chiều cao cây thấp hơn so với các giống lúa thường, bông lúa to màu tím, hạt to mẩy.
Ruộng lúa nếp Than tại thôn A Đeng, xã A ngo. Ảnh: Việt Toàn.
Tuy là giống lúa nếp đặc sản, nhưng hiện nay số hộ gieo trồng không nhiều. Tại xã A Ngo, huyện Đakrông có diện tích đất sản xuất lúa 23ha, trong đó chỉ còn khoảng 20% trồng giống lúa này và có nguy cơ diện tích bị thu hẹp nếu không có chính sách bảo tồn và nhân rộng, có nguy cơ bị mất giống. Hiện tại, xã chỉ có thôn A Đeng duy trì gieo trồng giống lúa nếp than này với diện tích khoảng 5ha/năm.
Với mong muốn phát triển và bảo tồn giống lúa nếp than và xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả cũng như chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng mô hình, hiện Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đang đề xuất Sở KH-CN Quảng Trị hỗ trợ kinh khí để xây dựng đề tài nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp than.
Theo đó, nghiên cứu và hoàn thiện quy trình gieo trồng, chăm sóc để đảm bảo năng suất, chất lượng tốt nhưng vẫn giữ nguyên hương vị, làm cơ sở để phát triển giống và xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho địa phương phát triển sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống cũng như đảm bảo an ninh lương thực cho bà con.
Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.
TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.
Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.
Ngày 24/12, TP Cần Thơ tổ chức ngày hội 'Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Techfest Cantho 2024', sự kiện kỳ vọng là sân chơi sáng tạo, bổ ích cho các nhà khởi nghiệp.
Theo kết quả trồng thử nghiệm diện rộng tại các tỉnh phía Bắc, năng suất giống lúa Syn18 lên đến 9 tấn/ha, cao hơn 18,3% so với giống đại trà tại một số địa phương.
Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.
Theo Quy hoạch phát triển Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, thành phố sẽ hình thành 7 khu nông nghiệp công nghệ cao và 2 khu chăn nuôi tập trung.
Điện Biên Với đàn gà Mông đen 1.000 con nuôi thả mỗi lứa, chàng trai người Thái ở bản Co Luống (xã Mường Phăng, huyện Mường Phăng, tỉnh Điện Biên) lãi 200 triệu đồng.
Bệnh lở mồm long móng đang bùng phát tại 2 xã Đăk Nhoong và Xốp (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) với các triệu chứng bỏ ăn, nằm một chỗ, đi lại khó khăn.
KIÊN GIANG Sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ thành phân bón tại ruộng giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, lúa ít bị dịch hại, tăng năng suất và lợi nhuận.