Vượt lên cả Luật tục
Trước khi đến làng, chúng tôi ghé qua UBND xã. Chủ tịch xã - anh Nguyễn Kim Anh - sau khi làm việc với chúng tôi, "cảnh báo": "Giờ đang là mùa thu hoạch và phơi cà phê, chưa chắc đã gặp được giám đốc đâu".
"Giám đốc" mà anh Kim Anh nhắc đến, đó là bà M'lốp - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm Gla. Thật đúng như anh Kim Anh nói, Giám đốc M'lốp đang bận phơi cà phê. Và cũng thật may là bà đang phơi cà phê... ngay chính sân của Hợp tác xã.
Bà M'lốp luôn tận tình chỉ dạy cho thế hệ sau |
Khác với bản tính của phụ nữ BahNar là hiền lành, nhút nhát và ít muốn tiếp xúc với người ngoài, bà M'lốp thì lại rất vui vẻ và nhanh nhẹn. Bỏ chiếc cào phơi cà phê xuống sân, bà đưa chúng tôi về nhà xưởng của mình ở làng Đô 2- nơi khởi nguồn của Hợp tác xã bây giờ. Nhà xưởng của bà rộng khoảng bốn trăm mét vuông gồm khu chạy chỉ, khu đặt khung dệt, phòng trưng bày - cũng là kho bảo quản sản phẩm, phòng thay - thử áo váy...
Bà M'lốp năm nay năm mươi hai tuổi, được xem là người dệt thổ cẩm đẹp nhất làng. Bà cũng không nhớ mình bắt đầu học nghề từ lúc nào, chỉ biết rằng chính mẹ của bà, chị của bà là những người thầy đầu tiên của bà trong nghề này. Ban đầu, bà chỉ dệt để phục vụ cho chính nhu cầu trong gia đình như áo, váy, khố của chồng, của con và của mình. Vừa làm, bà vừa truyền nghề cho con gái. Tuy nhiên ở thời buổi hiện đại nên ti vi, xe máy, rồi điện thoại di động tràn ngập từng nhà, theo đó mà quần áo tân thời cũng được đám trai làng gái bản ưa chuộng hơn. "Lo cho cái nghề truyền thống này rồi sẽ mai một và mất hẳn, tôi xin phép chính quyền, mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã", bà M'lốp nói.
Hợp tác xã được thành lập năm 2006 với khoảng 80 xã viên, chủ yếu là phụ nữ trong làng và một số phụ nữ yêu nghề ở những làng lân cận. Ban đầu, xưởng dệt của Hợp tác xã đặt tại nhà của Giám đốc M'lốp nhưng sau xã viên ngày càng đông, nhu cầu nhà xưởng cũng lớn hơn nên huyện Đăk Đoa quyết định đầu tư cho Hợp tác xã một nhà xưởng rộng rãi, khang trang hơn. Giám đốc M'lốp cho biết: "Hiện Hợp tác xã có khoảng trên 300 xã viên, gồm phụ nữ tất cả các làng trong xã, có cả phụ nữ của nhiều xã khác trong huyện cũng tình nguyện tham gia".
Bà M'lốp không thể nhớ hết mặt học trò của mình. Trong suốt mấy chục năm làm nghề, bà đã truyền dạy cho không biết bao nhiêu người. Không chỉ trong làng, trong xã mà bà còn đi dạy nghề dệt thổ cẩm cho những buôn làng BahNar ở An Khê, Đăk Pơ, Kông Chro, ở mãi tận Kon Tum xa xôi...
- Ngày xưa, nghề này chỉ truyền lại cho con gái trong nhà. Những bí quyết gia truyền cấm không được truyền dạy cho người ngoài. Nhưng bây giờ, tôi sẵn sàng mang hết bí quyết gia truyền, những hiểu biết, những kỹ năng truyền lại cho bất cứ ai ham muốn học hỏi - bà M'lốp nói.
- Như vậy là chị đã vi phạm luật tục có từ ngàn đời?- tôi hỏi.
Bà cười hiền:
- Biết vậy, nhưng bây giờ cũng thoáng rồi. Với lại mình cứ giấu mãi, sau này những tinh hoa ấy sẽ dần mất đi thôi.
Những 'bàn tay vàng'
Bà M'lốp kể: Khi biết tôi có ý định thành lập Hợp tác xã, không ít người e ngại. Nhưng niềm tin và sự quyết tâm của bà M'lốp đã trở thành hiện thực khi mà bây giờ, Hợp tác xã đã có trên 300 xã viên tham gia. Sản phẩm Hợp tác xã làm ra không chỉ là áo váy, mà còn có cả những dụng cụ sinh hoạt tân thời như túi xách, ví, mũ, khăn choàng... Trong quá trình dệt nên những sản phẩm thổ cẩm, những nghệ nhân nơi đây luôn sáng tạo thêm nhiều mẫu mã mới để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, còn để đáp ứng yêu cầu của người đặt hàng.
Học trò của M'lốp có những "bàn tay vàng" |
Bây giờ, sản phẩm thổ cẩm của Hợp tác xã đã không còn quá xa lạ với thị trường. Đã từng có những đơn hàng lớn mà xã viên ở đây phải thức thâu đêm để dệt. Sản phẩm của Hợp tác xã đã có mặt trên cả nước, thậm chí có không ít Việt kiều ở nước ngoài về, đặt hàng và mang đi giới thiệu với bạn bè các nước...
Điều làm bà M'lốp vui nhất, đó là ở thời buổi hiện đại này, vẫn có rất đông chị em phụ nữ còn yêu nghề, tìm đến với bà.
Với M'Lơn (35 tuổi, làng Đô 2), có lẽ cô gái này học nghề dệt thổ cẩm từ lúc... còn nằm trong bụng bà M'lốp. Bao nhiêu tinh túy bí truyền của nghề dệt thổ cẩm, có lẽ bà M'lốp đã truyền dạy hết cho cô con gái yêu M'lơn này. Lúc chúng tôi đến nhà, M'lơn đang cặm cụi với hàng loạt túi xách, ví, khăn choàng cho một đơn đặt hàng. Tôi đùa:
- Bây giờ em lo học quản lý, sau này còn kế nghiệp Giám đốc Hợp tác xã của mẹ M'lốp chứ.
Cô cười:
- Có làm Giám đốc thì cũng phải dệt cho giỏi chứ. Học quản lý Hợp tác xã, trước tiên là phải học dệt cho thật giỏi đã!
Cái quan niệm "làm lãnh đạo" của cô gái BahNar này, xem ra còn hay hơn cả... Mà thôi, bây giờ cô phải lo cho cái đơn hàng trước mắt đã. Này nhé: Một bộ áo váy thổ cẩm có giá từ 1 triệu đến 1,3 triệu - tùy theo hoa văn, tùy theo kích cỡ; một túi xách cũng có giá từ 1 - 3 trăm ngàn đồng... Cô gái có "bàn tay vàng" trong làng dệt thổ cẩm Gla này lại tiếp tục cặm cụi với những sản phẩm của mình...