Rũ áo bỏ nghề
Những ngày này, gia đình ông Bạch Văn Pha 68 tuổi, ngụ xã Tân Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) đang tu sửa lại ao hồ để chuyển qua nuôi cá, ếch và ba ba. Còn chuồng trại nuôi heo trước đây, do không còn dùng đến nên ông đã đập bỏ, lấy mặt bằng làm việc khác.
Chỉ tay vào chiếc chuồng bằng gỗ và thép lưới B40 rộng chừng 5- 6m2, ông Pha buồn rầu thổ lộ: “Giờ tôi chỉ nuôi 2 con heo rừng thôi. Nuôi cho khuây khỏa và khi nó lớn thì thịt ăn cải thiện chứ không làm lớn như trước nữa”.
Gia đình ông Pha từng nhiều năm chăn nuôi heo theo hình thức trang trại hộ gia đình. Khoảng 2 năm trước, ông nuôi heo nái và tự nhân đàn. Chủ động con giống nên trang trại 200m2 của gia đình lúc nào cũng đầy ắp heo lớn nhỏ. Có năm ông xuất chuồng hơn 100 con heo thịt, thu về hàng trăm triệu đồng.
Ăn nên, làm ra từ đàn heo nhưng rồi ông cũng trở thành kẻ thất bại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Năm 2019, sự nghiệp nuôi heo của ông buộc phải chấm dứt. Đau lòng vì trắng tay, buồn vì dịch vẫn còn, không thể tái đàn nên ông quyết đập bỏ trang trại, kiếm nghề khác làm ăn.
Ông nói giọng buồn rầu: “Bây giờ heo nái cũng mất hết rồi nên không tự nhân đàn được. Mua heo giống ngoài chợ thì giá quá cao, rủi ro dịch bệnh luôn tiềm ẩn nên chả dám”. Cũng theo ông Pha, đã có lúc ông định gây dựng lại chuồng nuôi heo nái để lấy giống. Trước khi bắt tay vào làm, ông lên tivi, đài báo xem thấy dịch bệnh vẫn hoành hoành, hàng trăm nghìn hộ nuôi heo đối diện cảnh trắng tay nên ông “bỏ cho chắc”.
Ở xã Tân Văn, không riêng gì ông Pha, nhiều hộ dân khác cũng buộc bỏ nghề nuôi heo. Có những hộ từng chăn nuôi đến 2.000 con heo cũng phải ngưng.
Bà Lương Nhữ Hoài Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn cho hay, hồi chưa xảy ra dịch bệnh, phong trào nuôi heo ở địa phương phát triển mạnh với tổng đàn trên 10.000 con. Từ lúc “bão dịch" quét qua, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hầu như không ai còn đủ sức vực lại nghề. Trang trại quy mô lớn thì chỉ còn đúng 2 hộ gượng dậy, tái đàn được.
“Người dân bỏ trại, chuyển qua làm việc khác nhiều. Có gia đình cũng muốn vay tiền để tái đàn nhưng giá giống quá cao và quan trọng hơn là họ vẫn đang sợ dịch”, bà Lương Nhữ Hoài Thanh thổ lộ.
Ông K’Bin, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà) cho biết, đợt dịch tả heo Châu Phi vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế người dân nên đa phần người chăn nuôi bỏ trống chuồng trại. Nhiều gia đình liều mình tái đàn nhưng vừa tái đàn vừa lo ngay ngáy.
“Run rẩy” tái đàn
Tình hình chung, chỉ những hộ chăn nuôi lớn, trang trại chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp (gia công) hoặc chỉ những hộ không bị dịch mới dám tái đàn.
Ở xã Tân Văn, gia đình ông Lương Văn Hoài hợp lực cùng ông Nguyễn Tuấn Cường chuyển đến khu vực đồi, cách xa dân cư xây dựng trang trại 0,5ha. Kể từ đầu tháng 4, sau khi hoàn thiện các hạng mục chuồng trại, hệ thống phòng ngừa dịch bệnh, ông liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP nuôi 400 heo thịt.
Theo chủ trang trại, trước đây gia đình ông phát triển đàn quy mô 1.000 con/năm ở khu chăn nuôi với diện tích 1ha. Nhờ các biện pháp ngừa dịch hiệu quả nên quá trình chăn nuôi không bị ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, để đảm bảo hơn nữa, ông Hoài và ông Tuấn quyết định chuyển trang trại đến nơi thưa dân cư. Ở khu trại mới, việc ra vào được kiểm soát nghiêm ngặt.
Ông Hoài chia sẻ: “Người lạ, thậm chí cán bộ đến thăm mô hình cũng không được vào. Trang trại có 2 nhân viên làm việc nhưng không ra ngoài. Chỉ những lúc đi cắt tóc hay chuyện gì hệ trọng mới được phép ra. Xong việc phải vào phòng sát khuẩn, tắm giặt sạch sẽ, thay đồ... rồi mới vào trại làm việc”.
Ở trang trại, hệ thống camera an ninh giám sát được ông Hoài lắp đặt theo dõi thường xuyên. Đối với việc nhập giống, bán heo thịt, người ở trong và ngoài chỉ giao dịch ở cổng chính, cách khu chăn nuôi hàng trăm mét.
Tại đây, chủ trang trại xây dựng máng kiên cố nối từ cổng chính đến khu chăn nuôi. Heo giống, heo thịt khi vào hoặc ra đều được lùa đi qua máng này. “Thuốc sát khuẩn, thuốc khử trùng luôn được chuẩn bị sẵn và phun ở khuôn viên theo định kỳ. Vôi bột rải khắp bề mặt nền đường vào trại và cứ 2 ngày rải một lần”, ông Nguyễn Văn Hoài chia sẻ.
Cũng theo ông Hoài, mọi việc đã thành quy trình và kỷ luật, trang trại luôn sạch nhưng bản thân ông chưa bao giờ yên tâm trước dịch bệnh. Ông chia sẻ: “Dịch bệnh hết sức nguy hiểm, không biết sẽ thế nào nên vừa làm vừa lo. Trang trại đầu tư tầm 1 tỷ đồng nên phải hết sức cẩn trọng”.
Ở thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà), gia đình bà Nguyễn Thị Năm đang thế chấp nhà đất, vay tiền ngân hàng để tái đàn heo. Bà Năm nuôi heo nái từ năm 2000 và đến năm 2018 bà chuyển sang nuôi heo thịt. Đợt dịch vừa qua, gia đình không bị ảnh hưởng nên những lứa heo cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng. Trừ chi phí giống, cám, thuốc, năm rồi bà lãi hơn 200 triệu đồng.
Bà Năm chia sẻ: “Đợt này tôi thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng tầm 500-600 triệu để tái đàn. Phía ngân hàng họ đang xét duyệt hồ sơ”.
Hiện bà Năm duy trì 2 trang trại bao gồm khu nuôi 3 heo nái và khu nuôi heo thịt rộng 200m2. Heo giống bà đưa vào nuôi rõ ràng về nguồn gốc và tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ. “Bây giờ tôi đang dùng các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại. Chỉ mong mọi điều yên ổn. Nếu dịch bệnh ập đến một cái là tôi trắng tay luôn”, nữ chủ trang trại lo lắng.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Lâm Đồng cho biết, tỉnh Lâm Đồng công bố hết dịch tả heo châu Phi ngày 5/5/2020. Hiện nay, Sở NN-PTNT đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn công tác tăng đàn, tái đàn.
Do vậy, tổng đàn heo của tỉnh đang từng bước khôi phục với xu hướng giảm dần hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hướng đến chăn nuôi tập trung, trang trại an toàn sinh học.
Hiện nay, tổng đàn heo của Lâm Đồng khoảng 380 nghìn con/460 nghìn con theo kế hoạch tái đàn năm 2020, trong đó heo sinh sản trên 46 nghìn con. Cũng theo ông Long, dịch tả heo châu Phi đã được khống chế nhưng nguy cơ bùng phát trở lại vẫn rất cao nên ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân thận trọng khi tăng đàn, tái đàn.
“Chúng tôi khuyến cáo bà con lựa chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y. Việc tái đàn phải theo lộ trình, không tái đàn ồ ạt để tránh dịch bệnh. Khi tái đàn, phải nuôi với số lượng 10% công suất chuồng nuôi, sau 30 ngày thì lấy mẫu xét nghiệm. Nếu 100% số mẫu âm tính với dịch tả heo châu Phi thì tái đàn 100% công suất”, ông Phạm Phi Long cho hay.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân khai báo với chính quyền địa phương mỗi khi nhập heo giống về nuôi. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ và khử trùng, tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường.