| Hotline: 0983.970.780

'Nông dân 600 tỷ' lên tiếng về chủ trương Đà Lạt xóa nhà kính

Thứ Sáu 11/10/2024 , 08:15 (GMT+7)

Lâm Đồng Ông Trần Huy Đường (Công ty Lang Biang Farm) ở TP Đà Lạt cho rằng Quyết định 178 của UBND tỉnh Lâm Đồng khiến cho mình và các chủ nhà kính khác lo lắng.

Ông Trần Huy Đường (Công ty Lang Biang Farm) tự tin ăn rau ngay tại nhà màng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Trần Huy Đường (Công ty Lang Biang Farm) tự tin ăn rau ngay tại nhà màng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lịch sử của nhà kính ở Đà Lạt

Ông Đường có các khu nhà màng trị giá 600 tỷ đồng. Ông phân tích, Quyết định 178/QĐ-UBND ngày 30/1/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu chung là triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025 giảm 20% diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp tại các vùng nội ô, nội thị, khu dân cư so với hiện trạng của năm 2022; đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

“Cá nhân tôi cho rằng quyết định này rất khó thực hiện, và tài sản của người dân chúng tôi đã đầu tư, muốn di dời thì phải có chính sách đền bù. Quyết định này gây không ít tâm lý bất an cho người dân đang sử dụng đất nông nghiệp làm nhà kính phục vụ nông nghiệp công nghệ cao", ông Đường nêu quan điểm. Để có góc nhìn đa chiều, ông xin chia sẻ:

Nhà kính (hay nhà màng) khởi đầu ở Đà Lạt cách đây 30 năm khi Công ty DaLat Hasfarm đưa công nghệ trồng hoa ôn đới về, rồi từ đó dần phát triển và được chính quyền ủng hộ. Trong nông nghiệp công nghệ cao thì nhà màng gần như là điều kiện cần. Bảng so sánh dưới đây cho thấy tính ưu việt của canh tác rau, hoa ôn đới trong nhà màng.

 

Lượng phân bón, thuốc BVTV được giảm thiểu do không bị rửa trôi. Hiệu suất sử dụng đất gần như 100% do kiểm soát được vi khí hậu. Có thể nói sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã và đang làm cho nông dân Đà Lạt giàu lên. Người du lịch thích lên Đà Lạt để thưởng thức rau ngon và ngắm hoa đẹp. Trải nghiệm rau, hoa nông nghiệp công nghệ cao cũng là một điểm nhấn để du lịch Đà Lạt phong phú hơn.

Tùy thuộc nhu cầu của các cây trồng và khả năng đầu tư mà có các suất đầu tư nhà màng ở Đà Lạt khác nhau:

- Nhà màng tre (chưa bao gồm thiết bị phụ trợ) giá trị 1 tỷ đồng/ha.

- Nhà màng sắt liên kết bằng hàn (chưa bao gồm thiết bị phụ trợ) giá trị khoảng 2 tỷ đồng/ha.

- Nhà màng sắt mạ kẽm liên kết bằng ốc vít (chưa bao gồm thiết bị phụ trợ) giá trị khoảng 3 tỷ đồng/ha.

- Nhà màng sắt kẽm mạ nhúng nóng hiện đại giá khoảng 10 - 20 tỷ đồng/ha.

Trong khi đó nhà màng ở châu Âu khoảng 2 - 3 triệu Euro/ha, nhà máy nông nghiệp giá trị còn cao hơn nhiều.

Suất đầu tư nhà màng ở các địa phương rất khác biệt do đặc điểm khí hậu của mỗi vùng miền và nhu cầu rất khác nhau của mỗi loại cây trồng nên việc "coppy" mẫu nhà màng ở Đà Lạt áp dụng cho nơi khác là một sai lầm. Xu hướng phát triển nhà màng của thế giới đang tăng bình quân 20 - 25%/năm, điển hình như Trung Quốc có khoảng 1 triệu ha, Tây Ban Nha có khoảng 73.000ha... Còn tốc độ phát triển nhà màng ở Việt Nam chừng 8 - 10%/năm, với diện tích hiện có khoảng 7.000ha, chủ yếu ở Lâm Đồng.

Nhà màng trồng rau ở Đà Lạt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà màng trồng rau ở Đà Lạt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhà màng có phải là tác nhân gây phát thải khí nhà kính?

Theo số liệu của Cục Khảo sát Địa chất của Mỹ khi theo dõi nhiệt độ ngoài trời, khu vực có xây dựng nhà màng thấp hơn 0,8 độ C so với khu vực không xây dựng nhà màng. Nhưng trên phương tiện truyền thông hoặc mạng xã hội và dư luận xã hội thì dường như chỉ có Việt Nam nói nhà màng gây biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, một số mặt trái của nhà màng là từ góc độ du lịch, cảnh quan đô thị nhìn trắng xóa, gây nhức mắt, phản cảm. Nhà màng là một trong các nhân tố làm sạt lở, lũ lụt ở Đà Lạt do không thu gom nước mặt (100% nước mưa được đẩy ra sông suối). Vào nhà màng lúc trời nắng (nếu không làm đúng kỷ thuật và không có các thiết bị phụ trợ) nhiệt độ bên trong có thể tăng cao hơn bên ngoài 3 - 7°C. Người không hiểu thì suy diễn nhà màng làm thời tiết nóng lên.

Biến đổi khí hậu nghiêm trọng trên toàn cầu nên Đà Lạt không tránh khỏi. Ví dụ nhiệt độ trung bình tăng 0,5°C trong 10 năm, ngày 20/4/2024 nhiệt độ ngoài trời đạt 30,5°C, ngày 23/6/2022 lượng mưa sau 5 phút đạt 20mm; sạt lở, ngập, lốc xoáy, rất nhiều hiện tượng thiên nhiên cực đoan. Thêm vào đó là công tác quy hoạch phát triển tổng thể của Đà Lạt còn nhiều cấp cập.

Ông Đường viện dẫn, theo Điều 10 - Luật Đất đai năm 2013 thì việc xây dựng nhà kính để phát triển nông nghiệp theo quy định thì không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhưng những hộ dân thực hiện việc chuyển đổi đó phải thực hiện việc đăng ký biến động đất đai sau khi thực hiện. Thực tế trừ một số dự án đầu tư được phê duyệt, còn hầu hết người dân làm nhà màng hợp pháp trên đất nông nghiệp đều không làm thủ tục đăng ký biến động đất đai.

Thu hoạch rau trồng trong nhà màng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thu hoạch rau trồng trong nhà màng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quy hoạch đô thị nói chung phải mang tính dài hạn, khả thi, chấp nhận có cả nhà màng trong đô thị (nông nghiệp trong đô thị) và đặc biệt quan tâm đến hệ thống thoát nước mặt. Những người đã sống ở khu vực chợ Hoàng Diệu (phường 3, thành phố Đà Lạt) thì biết rõ tác dụng của việc trước và sau khi quy hoạch cải tạo suối Cam Ly, không bao giờ khu vực này bị ngập nữa.

Kinh nghiệm quản lý nhà màng của các nước là quy hoạch và làm theo quy hoạch. Nhà màng là một tài sản có giá trị, là cơ nghiệp của nông dân. Để làm nông nghiệp công nghệ cao cần đầu tư tài sản đi kèm nhà màng, khu sơ chế đóng gói và xử lý sau thu hoạch, ao hồ và hệ thống thu gom nước, kho lạnh, hệ thống giao thông nội đồng, khu tập kết máy móc thiết bị phụ trợ, kho vật tư, khu vực tập kết và xử lý rác thải, khu vực vệ sinh... 

Các tài sản này cần phải được công nhận và được pháp luật đối xử công bằng như các tài sản khác. Cần có khái niệm, quy định, quy chuẩn, định mức (đây cũng là một vấn đề khá phức tạp và sẽ có bài viết khác đề cập), quản lý cho phép (tham khảo các quy định như Luật Xây dựng) và ghi nhận tài sản.

Do đó theo ông Đường, quy hoạch nhà màng trong dài hạn (tương đương một chu kỳ quy hoạch kiến trúc) là việc cần thiết, đồng thời kiểm soát ngay việc làm mới nhà kính theo đúng trình tự thủ tục. Thậm chí trung ương cần có nghị quyết riêng về nhà màng cho Đà Lạt. Bên cạnh đó, cần có chế tài, quy định và có giải pháp thu gom nước mặt từ khu vực nhà màng. Trước mắt, có thể đưa quy định về thu gom nước mặt là tiêu chuẩn để đánh giá sản phẩm OCOP, VietGAP, GlobalGAP, doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ… của các đơn vị có sản xuất nhà màng.

“Tôi đề nghị có đề tài khoa học đủ sức thuyết phục cho vấn đề này. Đối với những nhà màng có giá trị đầu tư lớn, hiện đại, cần có quy định cụ thể, ví dụ trên 20 tỷ đồng/ha phải lập dự án đầu tư. Bên cạnh đó cần thống kê, đăng ký, ghi nhận tài sản cho nhà màng. Cần thiết phải có những mô hình mẫu nhà màng về đầu tư công nghệ cao để chống biến đổi khí hậu nhằm sản xuất nông nghiệp bền vững, tiến tới nông nghiệp netzero, nông nghiệp bán tín chỉ carbon”.

(Ông Trần Huy Đường)

Xem thêm
Tỷ lệ mẫu dương tính với virus cúm A khá cao tại các chợ gia cầm

Do tỷ lệ mẫu dương tính với virus cúm A khá cao tại các chợ gia cầm, nhóm nghiên cứu khuyến cáo người dân cẩn trọng khi tiếp xúc với gà, vịt sống.

Nâng cấp chất lượng tổ yến để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Tiền Giang Chú trọng giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm tổ yến, đồng thời tuân thủ các quy định Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Ngô, rau màu thế chân vùng dong riềng chết khô

Yên Bái Cả cánh đồng bát ngát ven sông Hồng ở Quy Mông phủ một màu u ám, nước lũ rút, đất bùn nứt nẻ, những ruộng dong riềng chuẩn bị đến kỳ thu hoạch chết khô.

Bình luận mới nhất