| Hotline: 0983.970.780

Phát triển ồ ạt, Lâm Đồng khó di dời nhà kính ra khỏi nội đô

Thứ Hai 12/08/2024 , 11:11 (GMT+7)

Sản xuất rau, hoa trong nhà kính mang lại nhiều lợi ích như giảm chi phí, năng suất tăng, nhưng việc mở rộng diện tích quá mức khiến Lâm Đồng đối mặt nhiều thách thức.

Việc phát triển nhà kính ở Lâm Đồng thiếu sự kiểm soát, đặc biệt một số nhà kính lấn chiếm đất rừng, hành lang bảo vệ các công trình, ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị. Ảnh: TL.

Việc phát triển nhà kính ở Lâm Đồng thiếu sự kiểm soát, đặc biệt một số nhà kính lấn chiếm đất rừng, hành lang bảo vệ các công trình, ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị. Ảnh: TL.

Năng suất cao gấp 2 - 3 lần

Mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo quản lý nhà kính trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm xác định các giải pháp quy hoạch, quản lý, phát triển nhà kính đảm bảo hài hòa giữa các mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển đô thị, đảm bảo cảnh quan môi trường hướng đến nông nghiệp đô thị xanh và bền vững.

Đồng thời, triển khai hiệu quả đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, tính đến hết quý I/2024, diện tích nhà kính toàn tỉnh hơn 5.600ha. Trong đó, TP Đà Lạt chiếm trên 50% diện tích nhà kính với hơn 2.900ha, huyện Đức Trọng 317ha, huyện Đơn Dương 450ha, huyện Lạc Dương 1.648ha.

Việc các tổ chức, hộ nông dân phát triển nhà kính kết hợp với ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ, thiết bị công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp những năm gần đây chủ yếu do hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với cây trồng cùng loại canh tác ngoài trời.

Giá trị sản xuất cây hoa trong nhà kính từ 1,6 - 1,8 tỷ đồng/ha/năm. Ảnh: PC.

Giá trị sản xuất cây hoa trong nhà kính từ 1,6 - 1,8 tỷ đồng/ha/năm. Ảnh: PC.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quá trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là tại TP Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng), nhà kính là một trong những giải pháp kỹ thuật được nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ưu tiên đầu tư xây dựng, làm cơ sở cho việc kết hợp với các giải pháp công nghệ cao khác phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Điều tra của Chi cục Trồng trọt và BVTV Lâm Đồng trên một số loại rau, hoa sản xuất trong nhà kính tại Đà Lạt cho thấy: Pó xôi giảm được lượng phân bón 30%, giảm lượng thuốc BVTV 30%; hoa hồng phân bón giảm 36%, thuốc BVTV giảm 50%; dâu tây giảm phân bón 40%, giảm thuốc BVTV 50%. Canh tác rau, hoa trong nhà kính giảm được 30% lượng nước tưới và phân bón, giảm 50% chi phí thuốc BVTV.

Từ những hiệu quả mang lại, nhiều doanh nghiệp, nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng nhờ ứng dụng công nghệ cao sản xuất trong nhà kính. Tùy loại rau, hoa, khi ứng dụng đồng bộ nhà kính và các công nghệ cao khác năng suất sẽ cao hơn 2 - 3 lần, giá trị nông sản cao hơn 1,5 - 2 lần so với không trồng trong nhà kính.

Nhiều thách thức

Theo ông Nguyễn Văn Châu, bên cạnh những hiệu quả, lợi ích kinh tế do việc ứng dụng nhà kính mang lại trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, việc phát triển nhà kính thiếu sự kiểm soát, đặc biệt một số nhà kính lấn chiếm đất rừng, hành lang bảo vệ các công trình (giao thông, thủy lợi, khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, an ninh, quốc phòng...) đã ảnh hưởng đến cảnh quan, mỹ quan đô thị.

Hiện tỉnh Lâm Đồng có 3 địa phương ban hành kế hoạch quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030. Ảnh: PC.

Hiện tỉnh Lâm Đồng có 3 địa phương ban hành kế hoạch quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030. Ảnh: PC.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nhà kính với mật độ xây dựng cao, không bố trí các diện tích sản xuất ngoài trời, diện tích cây xanh và hệ thống thu, thoát nước đã tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, cản trở quá trình thẩm thấu của nước mưa, đây là một phần nguyên nhân gây ra ngập úng tại một số khu vực.

“Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ nhà kính và các giải pháp thâm canh cao cũng khiến tính đa dạng sinh học bị hạn chế, nhiều loài thiên địch giảm, ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật sống trong tự nhiên”, ông Nguyễn Văn Châu cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, nhà kính Đà Lạt là tồn tại tất yếu, gắn liền với sự phát triển nông nghiệp của TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là thể hiện của nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

PGS.TS Mai Văn Trịnh cũng cho rằng, TP Đà Lạt cũng như ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần phát triển nhà kính dựa trên quy hoạch tổng thể và quy hoạch cảnh quan, liên kết du lịch với nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp trải nghiệm, đa giá trị.

PGS.TS Mai Văn Trịnh cho rằng, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần phát triển nhà kính dựa trên quy hoạch tổng thể và quy hoạch cảnh quan. Ảnh: VL.

PGS.TS Mai Văn Trịnh cho rằng, ngành nông nghiệp Lâm Đồng cần phát triển nhà kính dựa trên quy hoạch tổng thể và quy hoạch cảnh quan. Ảnh: VL.

Đối với ngành sản xuất hoa, ông Lại Thế Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt lo ngại việc triển khai thực hiện giảm thiểu nhà kính trong nội ô TP Đà Lạt. Đầu tiên phải kể đến việc lựa chọn loài và giống hoa ngoài trời (sau khi tháo dỡ nhà kính) rất khó khăn do thiếu giống thích nghi, thiếu quy trình sản xuất, cần tăng quy mô diện tích mới bảo đảm sinh kế nông hộ, trong khi chuỗi sản xuất và tiêu thụ, thị trường chưa rõ. Các loài hoa trồng ngoài trời hiện nay chủ yếu là hoa kèm, trang trí, nhu cầu sản lượng ít, giá trị thấp, thị trường hẹp, khó tăng diện tích gieo trồng…

Hơn nữa, việc di dời nhà kính đi đâu khi nông dân không có đất ở khu vực ngoại ô TP Đà Lạt cũng là khó khăn rất lớn, chỉ có tháo gỡ nhà kính làm phế liệu. Nhà kính là tài sản lớn của người dân với giá trị từ 2 - 3 tỷ đồng/ha (vay đầu tư, khấu hao dài hạn…), trong khi nếu tháo dỡ mà không có nơi di dời để sử dụng thì tài sản trở thành phế liệu khi không còn giá trị sử dụng.

Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ cùng với các sở, ngành liên quan có những kiến nghị, đề xuất gửi UBND tỉnh Lâm Đồng. Từ đó, triển khai hiệu quả đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 của UBND tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng có 3 địa phương ban hành kế hoạch quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030 gồm TP Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đơn Dương. Các kế hoạch này đã đề ra các lộ trình và giải pháp cụ thể, bám sát vào đề án của tỉnh để triển khai thực hiện. Trong đó giải pháp để giảm diện tích nhà kính tại đô thị cần phải giải tỏa 100% nhà kính xây dựng trái quy định. Đến nay, toàn tỉnh đã giải tỏa, di dời được 105ha/134ha diện tích nhà kính xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.