| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Bình Định “kết” lúa lai TH 3-7

Thứ Năm 16/04/2015 , 07:15 (GMT+7)

Đây là giống lúa lai mới, nhưng mới chỉ qua 1 vụ SX mà TH3-7 đã thuyết phục được nông dân.

Vụ ĐX 2014-2015 là vụ thứ tư ngành nông nghiệp Bình Định đưa giống lúa lai TH3-7 của Cty TNHH Cường Tân (Nam Định) vào mô hình trình diễn để đánh giá nhằm bổ sung vào cơ cấu giống lúa của tỉnh.

Thêm 1 lần nữa, giống lúa này khẳng định tính ưu việt trên đất Bình Định. Mô hình trình diễn giống lúa lai TH3-7 tại Bình Định trong vụ ĐX 2014-2015 được thực hiện tại thôn Nhơn Thuận, xã Tây Vinh (Tây Sơn) trên diện tích 1,6 ha với 25 hộ nông dân tham gia và 0,8 ha tại thôn Tài Lương 2, xã Hoài Thanh Tây (Hoài Nhơn) với 2 hộ tham gia.

Đây là giống lúa lai mới, nhưng mới chỉ qua 1 vụ SX mà TH3-7 đã thuyết phục được nông dân không chỉ những hộ tham gia mô hình, mà còn “hút” cả nông dân quanh vùng và đại diện UBND các huyện trong tỉnh về tham quan mô hình.

“TH3-7 là giống lúa chịu thâm canh, phù hợp với điều kiện canh tác của nông dân, nhất là trong vụ ĐX. Tiềm năng năng suất cao đã thấy rõ, đặc biệt gạo TH3-7 cơm mềm, thơm nên thị trường tiêu thụ rất ưa chuộng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ sớm đề xuất để UBND tỉnh Bình Định đưa TH3-7 vào cơ cấu giống lúa của tỉnh để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích SX”, ông Đỗ Tấn Tiên, GĐ Trung tâm Giống cây trồng Bình Định.

Theo ông Lê Văn Sang, PGĐ Trung tâm KN-KN Bình Định, sau 4 vụ SX giống lúa lai mới TH3-7 đã cho thấy nhiều tính ưu việt hơn so nhiều giống lúa lai khác. Về thời gian sinh trưởng, lúa lai TH3-7 chỉ 107 ngày, ngắn hơn 7 ngày so với giống Nhị ưu 838. Thời gian đẻ nhánh khỏe, rất tập trung; dạng cây gọn; lá đòng xiên, có màu xanh vừa; cứng cây.

Đặc biệt, trong vụ này, tình hình rầy nâu, rầy lưng trắng diễn biến phức tạp, cục bộ có nơi mật độ rầy lên đến 5.000 con/m2 trên một số giống lúa SX đại trà như ĐV108, Nhị ưu 838; nhưng trên ruộng trình diễn lúa lai TH3-7 không hề bị ảnh hưởng. Đồng thời giống lúa này cũng cho thấy sức chống chịu đổ ngã rất tốt nhờ cứng cây qua những cơn mưa xảy ra vào cuối tháng 3. Khác với những giống lúa khác nếu cho năng suất “khủng” thì chất lượng gạo sẽ kém, nhưng với TH3-7 năng suất thực thu vụ này đạt đến 82 tạ/ha mà chất lượng gạo được đánh giá rất cao.

Nông dân Nguyễn Thành Trung ở thôn Nhơn Thuận, xã Tây Vinh (Tây Sơn) chia sẻ: “Giống lúa lai TH3-7 sạ chỉ 2 kg giống/sào 500m2 nhưng nhờ đẻ nhánh tốt nên ruộng vẫn kín lúa. Ban đầu, thấy lúa lên thưa thớt quá lòng tui thấy không yên. Nhưng từ 75 - 82 ngày là lúa trỗ đều, gọn. Số bông hữu hiệu và số hạt chắc trên bông cao nên cho năng suất rất cao. Bón phân bình thường nhưng lúa phát triển, kháng sâu bệnh rất tốt”.

Ông Tăng Văn Trương, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hoài Ân sau khi tham quan mô hình lúa lai TH3-7 tại Tây Sơn đã nhận xét: “Theo dõi qua 3 vụ SX trước, tôi thấy TH3-7 là giống ổn định, có thể SX trên mọi chân đất cả đất phèn, đất trũng, đất kém dinh dưỡng và chịu nhiệt rất tốt. Sau đợt tham quan này, căn cứ vào những tính ưu việt của nó, chúng tôi sẽ đề xuất UBND huyện Hoài Ân đưa TH3-7 vào SX thử”.

Theo ông Đoàn Văn Sáu, GĐ Cty TNHH Cường Tân, TH3-7 là giống lúa lai 2 dòng (T1S96xR7) do PGS.TS Nguyễn Thị Trâm và cộng sự Phòng Công nghệ lúa lai thuộc Viện Nghiên cứu lúa - Học viện Nông nghiệp Việt Nam chọn tạo. Đây là giống rất triển vọng bởi nó chiếm được ưu thế về chất lượng cơm của giống bố (R7) và tiềm năng năng suất của giống mẹ.

“Gạo TH3-7 hạt dài, trong, cơm rất ngon, giá bán trên thị trường luôn cao hơn các loại gạo khác từ 1.000 - 1.500 đ/kg. Do chủ động SX trong nước nên giá giống TH3-7 thấp hơn nhiều so với các giống lúa lai nhập từ Trung Quốc. Đưa vào SX, giá giống lai TH3-7 chỉ cao hơn giống lúa thuần 1 triệu đồng/ha, nhưng nhờ năng suất cao, giá bán lúa thương phẩm cao hơn nên lãi tăng hơn so làm lúa thuần từ 7 - 10 triệu đồng/ha”, ông Sáu khẳng định.

Trong vụ HT sắp tới, theo kế hoạch, ngành nông nghiệp Bình Định sẽ tiếp tục phối hợp với Cty Cường Tân tiếp tục SX trình diễn trên nhiều địa phương và chân đất khác nhau để có cơ sở đánh giá chính xác hơn trước khi đưa ra SX đại trà.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.