| Hotline: 0983.970.780

Nông dân hồ hởi ra đồng ngày đầu năm mới

Chủ Nhật 18/02/2024 , 08:02 (GMT+7)

TIỀN GIANG Vui xuân không quên nhiệm vụ, nông dân tích cực chăm sóc đồng ruộng ngày Tết và nhiều doanh nghiệp đã khai trương năm mới, phát động thi đua sản xuất.

Canh chừng nước mặn

Thực hiện phương châm vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ, nông dân tỉnh Tiền Giang vừa đón Tết vừa tích cực chăm sóc đồng ruộng, vườn tược.

Giá sầu riêng đang ở mức cao, nông dân phấn khởi tích cực chăm sóc. Ảnh: Minh Đảm.

Giá sầu riêng đang ở mức cao, nông dân phấn khởi tích cực chăm sóc. Ảnh: Minh Đảm.

Những ngày Tết, đặc biệt cao điểm từ mùng 2 - 3 Tết, triều cường dâng cao kết hợp với gió chướng, nước mặn lấn sâu vào các cửa sông ở ĐBSCL. Tại cù lao Ngũ Hiệp, thời điểm này một số nhà vườn đã có sầu riêng mang trái non chuẩn bị thu hoạch nên bà con tích cực theo dõi bản tin dự báo của địa phương.

Ông Dương Văn Đây có hơn 2ha sầu riêng đang mang trái ở nhiều độ tuổi khác nhau cho biết, ông liên tục cập nhật thông tin xâm nhập mặn qua báo đài và các nhóm zalo, bạn bè, người thân. Đợt này, nước mặn không xâm nhập đến địa phương nên ông cảm thấy rất nhẹ nhõm. Tuy nhiên, ông lo lắng về khả năng xâm nhập mặn ở kỳ triều cường con nước rằm tháng giêng tới bởi dự báo từ đầu tháng 2 ĐBSCL sẽ bước vào cao điểm hạn mặn và mức độ cao hơn trung bình nhiều năm.

“Mấy ngày Tết ngày nào tôi cũng thăm vườn, tranh thủ lấy nước tưới cây. Vườn tôi có cây mang trái lớn, khoảng hơn 20 ngày nữa sẽ bán, một số đang cùm tay, một số đang xổ nhị. Con nước này thoát rồi, chờ nước tới coi sao. Mình cũng thủ như ngày xưa thôi, nếu mặn lên tới sẽ đóng cống, mặn ở lâu, thiếu nước sẽ phải mua, đê bao ổn định rồi ”, ông Dương Văn Đây chia sẻ.

Vụ lúa đông xuân an toàn, trúng mùa, được giá

Tại các huyện phía đông của tỉnh Tiền Giang, năm nay nông dân địa phương gieo sạ 20.600ha lúa đông xuân. Tại huyện Gò Công Đông, bắt đầu từ mùng 3 Tết, một số cánh đồng đã thu hoạch và đến mùng 4 Tết thương lái đã đến cân lúa.

Lúa đông xuân 2023 - 2024 được mùa, được giá. Ảnh: Minh Đảm.

Lúa đông xuân 2023 - 2024 được mùa, được giá. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân Nguyễn Văn Dương ở thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông) cho hay, 1,2ha đất của gia đình ông gieo sạ giống lúa Đài Thơm 8. Lúa được các thương lái đặt cọc với giá 8.800 đồng/kg, tăng khoảng 500 đồng/kg so với vụ trước, năng suất khoảng 8 tấn/ha, cao hơn vụ trước.

Năm nay, nguồn nước ngọt dồi dào nên nhiều kênh bị ứ nước, dẫn đến một số ruộng có nền thấp bị ngập, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Cách ruộng ông Dương không xa, một số bà con phải tích cực bơm nước ra kênh để tránh lúa đổ ngã, chờ nền ruộng khô để máy gặt vào thu hoạch.

Bà Nguyễn Kim Ngọc, thương lái thu mua lúa tại huyện Gò Công Đông cho biết, mùng 4 Tết là ngày đầu tiên bà xuất hành mua lúa đông xuân của nông dân. Giá lúa tiếp tục tăng cao so với vụ trước. Cụ thể, giá lúa Đài Thơm 8 dao động từ 8.700 - 8.800 đồng/kg, lúa ST25 có giá 10.000 đồng/kg. Trong vài ngày tới, nông dân huyện Gò Công Đông sẽ bước vào thời điểm thu hoạch rộ.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này, mực nước tại các kênh, rạch nội đồng trong vùng ngọt hóa Gò Công rất dồi dào. Cống Xuân Hòa chưa đóng ngăn mặn mà vẫn đang lấy gạn nước ngọt để bổ cấp cho vùng ngọt hóa Gò Công. Dự báo, đỉnh mặn sẽ xuất hiện trong tháng 3/2024. Với tình hình nguồn nước như hiện tại, các diện tích lúa đông xuân vùng ngọt hóa Gò Công sẽ đảm bảo an toàn.

Phấn khởi khai trương đầu năm

Sau thời gian nghỉ vui Tết cổ truyền, từ sáng ngày 15/2 (mùng 6 Tết), nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nghi thức khai trương đầu năm rất khí thế, chủ yếu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có đơn đặt hàng sớm ở lĩnh vực chế biến thủy sản, chế biến trái cây, xây dựng, nông sản.

Công ty Giống cây trồng Sen Hồng gặp gỡ nông dân, đại lý ngày khai trương năm mới. Ảnh: Minh Đảm.

Công ty Giống cây trồng Sen Hồng gặp gỡ nông dân, đại lý ngày khai trương năm mới. Ảnh: Minh Đảm.

Ngày khai trương đầu năm, hầu hết các chủ doanh nghiệp đã phát động phong trào thi đua, tổ chức liên hoan, tặng quà đầu năm, động viên cán bộ, nhân viên cố gắng, nỗ lực trong lao động sản xuất để giúp doanh nghiệp đạt kế hoạch đề ra.

Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 6.100 doanh nghiệp đang hoạt động. Năm qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh ở tỉnh đã rất nỗ lực trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 195.000 lao động.

Dịp Tết cổ truyền, hầu hết các doanh nghiệp đều có thưởng cho người lao động. Năm nay, tỉnh Tiền Giang phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 7 - 7,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75,8 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt trên 8.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 18.000 lao động. Để đạt các chỉ tiêu trên, có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, ngày khai trương sau Tết cổ truyền của các doanh nghiệp có vai trò, ý nghĩa rất lớn, tạo động lực, tinh thần lạc quan, phấn khởi, ra sức thi đua lao động sản xuất.

Ra đồng cùng nông dân ngày đầu năm mới. Ảnh: Minh Đảm.

Ra đồng cùng nông dân ngày đầu năm mới. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Cao Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Giống Cây trồng Sen Hồng tại xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho cho biết, năm qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Dịp Tết cổ truyền, người lao động đều có thưởng với mức thưởng bình quân đến vài chục triệu đồng/người. Năm nay, doanh nghiệp phấn đấu đạt mức tăng trưởng vượt 30% so với năm ngoái. Ngay ngày khai trương đầu năm số khách hàng đăng ký mua hạt giống của Công ty Sen Hồng đạt trị giá hơn 1,2 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, năm 2023, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp của tỉnh đạt 4,14%, cao nhất trong thời gian qua. Năm nay, ở lĩnh vực sản xuất, ngành NN-PTNT tiếp tục phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, trên cây cây lúa diện tích gieo trồng 111,58 nghìn ha, sản lượng lúa 693,27 nghìn tấn; cây rau màu diện tích gieo trồng 54,78 nghìn ha, sản lượng 1,197 triệu tấn; cây ăn trái các loại diện tích đạt 85,03 nghìn ha, sản lượng 1,79 triệu tấn.

Đối với chăn nuôi, đàn heo đạt 300,1 nghìn con, đàn bò 122 ngàn con và đàn gia cầm 16,49 triệu con. Diện tích nuôi thủy sản đạt 14,73 nghìn ha, tổng sản lượng nuôi và khai thác 284,74 nghìn tấn. Tổng diện tích rừng 1.677,5ha.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.