| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha tuyên bố bắt đầu biểu tình

Chủ Nhật 04/02/2024 , 17:54 (GMT+7)

Sau khi chính phủ Pháp nhượng bộ và nông dân bắt đầu dừng biểu tình, nhiều quốc gia châu Âu khác đang đứng trước làn sóng phản ứng dữ dội từ nông dân trong nước.

Những nông dân biểu tình ở Italy yêu cầu đối thoại với chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni, song chưa được hồi đáp. Ảnh: AFP.

Những nông dân biểu tình ở Italy yêu cầu đối thoại với chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni, song chưa được hồi đáp. Ảnh: AFP.

Hôm 3/2, khoảng 150 máy kéo đã tập trung ở Orte, cách thủ đô Rome của Italy khoảng 80km về phía bắc. Theo hãng tin AFP, những người biểu tình tại đây kêu gọi mức lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn, đồng thời tuyên bố họ sẽ tiến về thủ đô Rome của Italy.

"Nông nghiệp Italy đã thức giấc. Đây là thời khắc lịch sử và những người có mặt ở đây đang chứng minh điều đó. Lần đầu tiên trong lịch sử, nông dân đoàn kết dưới lá cờ Italy", người biểu tình Felice Antonio Monfeli nói.

Trong những ngày qua, nhóm nông dân biểu tình này đã kêu gọi đối thoại với chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni, nhưng cho đến nay giới chức nước này vẫn chưa đưa ra phản hồi.

"Tình hình đang rất cấp bách, chúng tôi không thể trở thành nô lệ trong chính các công ty của mình", người biểu tình Domenico Chiergi nói.

Ở Hy Lạp, khoảng 2.000 nông dân đã biểu tình tại Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai của nước này, hôm 3/2 để kêu gọi chính phủ tăng hỗ trợ. Cuộc biểu tình của nông dân Hy Lạp diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis công bố thêm các biện pháp hỗ trợ.

Một số nông dân từ các ngôi làng miền núi Thessaly đã phản ứng bằng cách đổ hạt dẻ và táo bị hỏng vì thiên tai ra đường phố.

"Chúng tôi không có thức ăn, chúng tôi cũng không thể giảm chi tiêu. Chúng tôi muốn ở lại trên chính mảnh đất của mình và không phải đi di cư”, Chủ tịch Hiệp hội Nông thôn Karditsa Kostas Tzelas nói với hãng tin AFP.

Khoảng 2.000 nông dân Hy Lạp biểu tình ở thành phố Thessaloniki hôm 3/2: Ảnh: AFP.

Khoảng 2.000 nông dân Hy Lạp biểu tình ở thành phố Thessaloniki hôm 3/2: Ảnh: AFP.

Thủ tướng Mitsotakis hôm 2/2 đã gia hạn chính sách hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel và giảm giá điện nông thôn đến tháng 9/2024. Quyết định trên nằm trong gói biện pháp trị giá hơn 1 tỷ euro mà Thủ tướng Hy Lạp công bố. Tuy nhiên, ông Tzelas cho rằng các biện pháp trên chưa đáp ứng được nguyện vọng của người nông dân.

Chủ tịch liên minh các hiệp hội nông nghiệp Hy Lạp Rizos Maroudas chia sẻ với báo giới rằng một cuộc họp đã được lên kế hoạch vào tuần tới "để quyết định liệu các cuộc biểu tình phong tỏa có leo thang hay không".

Sự bất mãn của nông dân cũng đã ảnh hưởng đến Thụy Sĩ, nơi có khoảng 30 máy kéo diễu hành ở Geneva hôm 3/2 trong cuộc biểu tình đầu tiên của đất nước kể từ khi phong trào bắt đầu trên toàn châu Âu.

"Là một người trẻ tuổi, chúng tôi rất sợ hãi khi không biết liệu công việc của mình có tương lai hay không", Antonin Ramu, một người trồng nho 19 tuổi, nói với hãng tin AFP.

Ở Tây Ban Nha, 3 hiệp hội nông dân chính của nước này cũng tuyên bố sẽ tiến hành nhiều cuộc biểu tình hơn trong những tuần tới, với một cuộc biểu tình lớn ở Barcelona vào ngày 13/2.

Tại Đức, hàng trăm nông dân lái máy kéo đã chặn đường đến sân bay Frankfurt, sân bay đông khách nhất nước này, nhằm phản đối cải cách chính sách thuế diesel. Một hiệp hội nông dân ở Hesse, Đức, ước tính số lượng máy kéo lên đến 1.000 chiếc, trong khi cảnh sát nước này cho biết khoảng 400 máy kéo đã tham gia biểu tình trước khi kết thúc vào đầu giờ chiều ngày 3/2. Cuộc biểu tình của nông dân ở biên giới Hà Lan - Bỉ chặn cao tốc chính cũng kết thúc vào tối 3/2, hãng tin Belga đưa tin.

Nông dân biểu tình chặn biên giới Hà Lan - Bỉ hôm 3/2. Ảnh: AFP.

Nông dân biểu tình chặn biên giới Hà Lan - Bỉ hôm 3/2. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, lực lượng an ninh của Pháp đã dỡ bỏ các rào chắn trên đường cao tốc một ngày sau khi Liên đoàn Nông dân Quốc gia (FNSEA) chính thức kêu gọi dừng biểu tình sau những nhượng bộ của chính phủ. Các cuộc biểu tình của nông dân Pháp đã buộc chính phủ của tân Thủ tướng Gabriel Attal phải tạm dừng kế hoạch giảm sử dụng thuốc trừ sâu và đưa ra gói viện trợ 400 triệu euro.

Nông dân và tài xế vận tải Romania hôm 3/2 cũng tuyên bố chấm dứt cuộc biểu tình chặn đường sau một thỏa thuận với chính phủ.

EU đang nỗ lực giải quyết những vấn đề đáng lo ngại trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6/2024. Ủy ban châu Âu (EC) hôm 1/2 cam kết sẽ có các biện pháp để bảo vệ "lợi ích hợp pháp" của người nông dân EU.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.