| Hotline: 0983.970.780

Nông dân ngồi chơi, thóc vẫn đầy bồ

Thứ Sáu 09/02/2018 , 13:15 (GMT+7)

Chuyện tưởng đùa nhưng có thật tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc… Ở đó, hầu hết công việc chân tay của người trồng lúa đã có máy móc và tổ dịch vụ SXNN làm thay. Cuối vụ, nông dân chỉ việc chở thóc về nhà.

Tổ dịch vụ là “nòng cốt”

Giữa cao điểm gieo cấy vụ đông xuân, nông dân oằn lưng cấy lúa. Thế nhưng, có một cánh đồng rộng 55ha ở xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), chủ ruộng chẳng màng việc đồng áng, nhẩn nha uống trà, liên hoan tất niên. Bởi, chuyện cày bừa, cấy hái đã có tổ dịch vụ đảm trách. Chẳng ai cảm thấy lo lắng vì nếu không may gặp rủi ro, đã có đơn vị cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đền bù thiệt hại.

03-12-44_dsc_0235
03-12-44_dsc_0239
Ứng dụng kỹ thuật mạ khay, máy cấy giúp nông dân tiết kiệm được khoảng 50% chi phí so với cấy lúa thủ công

Hơn 20 năm làm nông, bà Nguyễn Thị Hoa, một nông dân ở xã Thái Sơn bảo rằng: “Chưa thấy bao giờ làm nông lại nhàn hạ đến thế”. Nhà neo người, trước đây việc gieo cấy 5 sào lúa mỗi vụ giống như một cực hình với người phụ nữ này. Đã có lúc bà có ý định bỏ ruộng, cho người khác thuê để làm việc khác. Bởi vậy, khi tổ dịch vụ SXNN trong thôn được thành lập, ứng dụng cơ giới hoá trong các khâu làm lúa, bà Hoa rất hào hứng tham gia.

Đây là mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong SX lúa, được Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông chủ trì, phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Hiệp Hoà và UBND xã Thái Sơn xây dựng.

Theo đó, mục tiêu của mô hình là áp dụng cơ giới hóa 100% khâu làm đất đến khâu gieo cấy (sử dụng cơ giới hóa mạ khay, máy cấy), phòng trừ sâu bệnh (dùng máy phun thuốc công nghiệp) và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

Muốn vận hành được hệ thống SX đó, dứt khoát phải hình thành được một tổ dịch vụ khuyến công, tập hợp các thành viên thuần thục kỹ năng về vận hành máy móc; kiến thức nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt và tổ chức SX.
 

Tiết kiệm, hiệu quả

Ông Nguyễn Xuân Hạ - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Sơn chia sẻ: Tham gia mô hình này, nông dân được hỗ trợ 100% giống lúa Thái Bắc 1798 có chất lượng tốt, năng suất cao; 50% phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật. Đặc biệt, Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bắc Giang cam kết bao tiêu sản phẩm.

03-12-44_dsc_0229
Ảnh: Đồng Thái

Do áp lực khung thời vụ và khan hiếm lao động, nếu thuê người cấy lúa thủ công như trước đây, người giỏi nhất cũng chỉ được 1 sào/ngày, giá 300.000 đồng. Tuy nhiên, ứng dụng máy cấy Hamco loại 8 hàng, một ê kíp 4 người chỉ mất 15 phút/sào. Do đó, địa phương hoàn toàn chủ động được lịch thời vụ gieo cấy tối ưu.

Bà Nguyễn Thị Thuý, thành viên Tổ dịch vụ SXNN của thôn Quế Sơn tiết lộ: “Chi phí tất cả các khâu từ ngâm ủ giống, gieo mạ, phòng trừ sâu bệnh trên mạ và cấy lúa chỉ mất 150.000 đồng/sào, rẻ hơn một nửa so với giá công lao động thủ công. Bên cạnh đó, loại máy cấy của chúng tôi có thể điều chỉnh mật độ cấy phù hợp với đặc điểm sinh trưởng và phát triển của từng giống lúa.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, trong giai đoạn 2011-2013, dự án cơ giới hóa trong SX lúa đã được triển khai tại 30 tỉnh với các mô hình “cơ giới hóa khâu làm đất”, “cơ giới hóa khâu thu hoạch” mang lại nhiều kết quả. Đưa máy làm đất đa năng vào sản xuất đã làm tăng năng suất lao động từ 10 - 15 lần so với lao động thủ công, giảm đáng kể chi phí trong khâu làm đất 28 - 32%.

Bên cạnh đó, mô hình cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đã tăng năng suất thu hoạch từ 30 - 70 lần, giúp nông dân giảm được 30-40% chi phí so với thu hoạch bằng thủ công, đồng thời giảm tỷ lệ thất thoát trong thu hoạch xuống còn dưới 2%.

Ông Nguyễn Xuân Dũng - PGĐ Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông cho biết: Tại mô hình ở xã Thái Sơn, do địa phương đã hình thành cơ sở cung ứng dịch vụ làm đất và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, do đó dự án hỗ trợ kinh phí mua máy cấy (kèm theo giàn gieo mạ, khay làm mạ); máy phun thuốc BVTV. Tổ dịch vụ là đơn vị đầu mối tiếp nhận quản lý và thực hiện toàn bộ khâu dịch vụ cơ giới hóa trong mô hình.

 

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.