| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Ninh Bình hồ hởi với sản xuất lúa hướng hữu cơ

Thứ Sáu 28/10/2022 , 15:48 (GMT+7)

Hiện Ninh Bình đã có khoảng 6.000ha lúa được các HTX đăng ký liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ.

Theo chân ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Bình và ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư tỉnh tới thăm cánh đồng lúa sản xuất theo chuỗi giá trị đồng bộ, hướng hữu cơ trong vụ mùa 2022 do Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang (Công ty Hồng Quang) liên kết với HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Liên Phương (xã Yên Nhân, Yên Mô) mới cảm nhận được hết sự đổi thay trong cách nghĩ, cách làm trên từng thửa ruộng của các hộ dân nơi đây.

Trước đó, mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị đồng bộ, canh tác theo hướng hữu cơ, áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy đã được Sở NN-PTNT Ninh Bình phối hợp với các doanh nghiệp lúa gạo triển khai thành công trong vụ xuân 2022. Ảnh: Trung Quân.

Mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị đồng bộ, canh tác theo hướng hữu cơ triển khai thành công trong vụ xuân 2022 tại Yên Khánh (Ninh Bình). Ảnh: Trung Quân.

Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Liên Phương hào hứng chia sẻ: HTX có 239ha sản xuất lúa. Từ năm 2021, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nôn - Khuyến lâm - Khuyến ngư tỉnh, HTX đã phát triển liên kết sản xuất với Công ty Hồng Quang, áp dụng canh phương pháp mạ khay, cấy máy, sử dụng phân bón hữu cơ. Các hộ dân được Công ty cung cấp bộ giống chất lượng như nếp hương, Hương Bình, J03..., cùng với các nhà máy bao tiêu toàn bộ sản lượng. Riêng vụ mùa 2022, HTX tham gia liên kết sản xuất với Công ty hơn 100ha, trong đó có 60ha theo hướng hữu cơ.

Theo ông Tú, từ khi tham gia liên kết sản xuất, các hộ rất phấn khởi vì có thể giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề: An tâm sản xuất vì có Công ty cung cấp bộ giống, phân bón chất lượng; Công ty thu mua tươi toàn bộ sản lượng giúp giảm áp lực, ảnh hưởng của thời tiết mưa bão trong quá trình phơi; tiết kiệm chi phí bao bì.

z3833395239572_b22313d8887751450f008760e8e4dcce

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Ninh Bình thăm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) vụ mùa 2022. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, khi sử dụng phân bón hữu cơ, cây lúa được cung cấp đầy đủ, cân đối dinh dưỡng nên khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, tập trung; bộ lá lúa xanh, dày và bền đến cuối vụ; thân cây lúa cứng, khả năng chống đổ và chống chịu sâu bệnh tốt; đất ruộng trở nên tơi xốp hơn...

Đặc biệt, khi áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy, vừa giúp tăng tỷ lệ sống cho lúa ở giai đoạn cây non nhờ giữ được nước mặt ruộng (gieo vãi không giữ được nước trong ruộng nên nếu gặp thời tiết rét, sương muối thì mạ non hay bị lụi, tỷ lệ cây chết cao), vừa giảm được chi phí thuốc BVTV. Cấy máy chỉ cần phun 1 lần thuốc ốc, trong khi gieo vãi 4 lần; thuốc trừ cỏ chỉ phun 1 lần, thậm chí nếu đều nước không cần phun, chỉ làm bằng tay, trong khi gieo vãi ít nhất phải 3 lần. Đặc biệt, cấy máy giúp giảm mạnh tỷ lệ và kiểm soát lúa ma hiệu quả.

z3833384264492_fbdf4d0e5a59f4682f737bbc46618b2e

Thu hoạch lúa tại mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Ảnh: Trung Quân.

Ngoài ra, hiệu quả kinh tế khi sản xuất theo hướng hữu cơ cao hơn hẳn so với cách làm truyền thống trước đây. Theo kết quả thực tế thu được, mặc dù vụ mùa thời tiết biến động thất thường nhưng lúa vẫn đạt năng suất khoảng 70 tạ/ha, với giá bán tươi (lúa tẻ) 6.500 đồng/kg, lúa nếp 7.300 - 7.600 đồng/kg, lợi nhuận thu được tăng trung bình 500.000 đồng/sào so với cách làm truyền thống trước đây (1 mẫu cao hơn 5 triệu đồng, gia đình nào canh tác tốt cao hơn 8 triệu đồng).

Không những vậy, những diện tích canh tác theo hướng hữu cơ đồng ruộng trong lành, cua, cá trở về sinh sôi nhiều, có những ngày cả HTX thu hoạch được 20 - 30kg cua, với giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/kg. Một minh chứng khác là gốc rạ xanh lâu, sau khi thu hoạch, nếu thời tiết có mưa thì tỷ lệ nảy đòng cao, người dân rút đòng đi bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg. Từ đó, tạo thêm thu nhập cho các hộ dân.

“Năng suất chưa vượt trội hẳn, nhưng với những chỉ số thu được thì canh tác theo hướng hữu cơ chắc chắn sẽ bền vững hơn. Tuy nhiên, muốn làm thành công phải thực sự kiên trì, với cây lúa phải làm tới vụ thứ 3 thì mới nhận thấy sự khác biệt rõ ràng giữa hai hình thức canh tác”, ông Tú đánh giá.

Cũng theo ông Tú, các hộ sản xuất trong HTX chỉ còn một điều băn khoăn là giá bán sản phẩm lúa sản xuất theo hướng hữu cơ và sản xuất bình thường vẫn chưa có sự khác biệt.

Các hộ dân tham gia chuỗi liên kết đồng bộ, sau khi thu hoạch được công ty thu mua toàn bộ sản lượng lúa tươi. Ảnh: Trung Quân.

Các hộ dân tham gia chuỗi liên kết đồng bộ, sau khi thu hoạch được doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản lượng lúa tươi. Ảnh: Trung Quân.

Do đó, nếu có chính sách phân định được thang bậc trong giá bán sản phẩm, kết hợp với truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì sẽ kích thích được người dân chuyển đổi hình thức canh tác. Đồng thời, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được đâu là sản phẩm hữu cơ, không phải là hữu cơ.

“Thời gian tới, HTX sẽ vận động tất cả các hộ trong HTX tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ, sử dụng mạ khay, cấy máy hoặc tay. Chúng tôi vẫn luôn có niềm tin là làm nhiều sẽ thành thói quen. Sau này, khi không còn chính sách hỗ trợ, các hộ vẫn sẽ duy trì canh tác theo hướng hữu cơ, thậm chí là chuẩn hữu cơ”, ông Tú đánh giá.

Trong vụ đông xuân 2022 - 2023 sắp tới, Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp với Công ty Hồng Quang và các doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo, HTX trên địa bàn tỉnh triển khai mạnh mẽ chương trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, áp dụng phương pháp mạ khay, cấy máy. Đáng mừng là đến hiện tại, số diện tích các HTX đăng ký tham gia trên địa bàn tỉnh đã tăng lên 6.000ha.

Xem thêm
Nuôi 6 vạn gà, mỗi ngày thu về 4 vạn quả trứng

Quảng Ninh Mỗi ngày trang trại gà của bà Phạm Thị Nguyệt Dung thu về 4 vạn quả trứng, cung ứng cho trên 70% các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, Nghệ An cẩn trọng đặc biệt

Nhận thấy diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi hết sức khó lường, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị ứng phó trên diện rộng.