Một nỗ lực của Liên minh châu Âu và khối Mercosur (bao gồm Brazil, Argentina, Bolivia, Paraguay và Uruguay) nhằm đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay đã khiến nông dân Pháp tỏ ra tức giận.
Nông dân đã biểu tình trên khắp châu Âu vào mùa đông năm ngoái sau khi hàng nhập khẩu từ Ukraine tràn vào khối tăng vọt sau khi cuộc xung đột với Nga nổ ra.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ở Pháp dường như dữ dội hơn, sau khi mùa màng bị ảnh hưởng bởi thời tiết và dịch bệnh gia súc bùng phát, cùng với bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6.
"Chúng tôi có những yêu cầu tương tự như hồi đầu năm, không có gì thay đổi. Chúng ta phải cho chính phủ biết giới hạn của mình", Armelle Fraiture nói tại trang trại bò sữa của mình ở phía bắc Paris.
Khi nông dân phải đối mặt với hàng nhập khẩu rẻ hơn, các quy định nghiêm ngặt và thu nhập ít ỏi, một thỏa thuận Mercosur sẽ là "một giọt nước tràn ly", Arnaud Rousseau, người đứng đầu hiệp hội nông dân chính của Pháp, FNSEA, nói với BFM TV hôm 17/11.
Ông cho biết hàng chục nghìn trang trại ở Pháp, nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất EU, đang gặp khó khăn về tài chính.
Nông dân Pháp lo ngại một thỏa thuận Mercosur sẽ khiến EU tràn ngập thịt bò, thịt gà, đường và ngô từ Brazil và Argentina, những quốc gia mà họ cho rằng đã sử dụng các loại thuốc trừ sâu trên cây trồng và kháng sinh trong chăn nuôi bị cấm ở châu Âu.
Nông dân sẽ bắt đầu tổ chức các cuộc biểu tình vào trong ngày 18 và 19/11, chủ yếu là trước các tòa nhà chính phủ, trong một kế hoạch biểu tình kéo dài được lên kế hoạch cho đến giữa tháng 12, ông Rousseau nói.
Trước cuộc biểu tình quy mô toàn quốc, một nhóm nông dân đã lái máy kéo chặn một làn đường cao tốc gần Paris vào tối 17/11, với các biểu ngữ như "Đừng nhập khẩu những loại nông sản mà chúng ta không muốn".
Tổng thống Emmanuel Macron hôm 17/11 đã một lần nữa phản đối một thỏa thuận với khối Mercosur như đề xuất.
Tuy nhiên với việc Pháp thiếu các đồng minh EU trong các cuộc đàm phán Mercosur và những bất bình ở nông thôn ngày càng sâu sắc, chính quyền Tổng thống Macron có thể sẽ phải chật vật trong việc xoa dịu nông dân.
"Chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ ra đường để biểu tình, nhưng chúng tôi không biết khi nào có thể được trở về", bà Fraiture nói.