| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Phú Yên hào hứng học quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp

Thứ Ba 27/08/2024 , 18:56 (GMT+7)

Nông dân Phú Yên hào hứng khi được cán bộ chuyên môn ‘cầm tay chỉ việc’ tại các lớp huấn luyện nông dân về chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM).

Nông dân Hợp tác xã Nông nghiệp 1 phường 9 ra ruộng học tập chương trình IPHM trên cây lúa. Ảnh: KS.

Nông dân Hợp tác xã Nông nghiệp 1 phường 9 ra ruộng học tập chương trình IPHM trên cây lúa. Ảnh: KS.

Hào hứng học IPHM

Sáng sớm, chúng tôi cùng 30 nông dân của Hợp tác xã nông nghiệp 1 (phường 9, TP Tuy Hòa) ra ruộng để thực hành chương trình IPHM trên cây lúa. Tại đây, nông dân được cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV TP Tuy Hòa “cầm tay chỉ việc” để đo đếm, điều tra thiên địch, sâu bệnh hại và tình hình sinh trưởng của cây lúa. Từ đó, nông dân sẽ đánh giá để đưa ra biện pháp xử lý sắp tới trên ruộng lúa của mình.

Bà Nguyễn Thị Kim, nông dân ở phường 9 cho biết, đây là lớp huấn luyện chương trình IPHM đầu tiên trên địa bàn. Các giảng viên hướng dẫn, truyền đạt kiến thức về IPHM dễ hiểu, còn nông dân hào hứng tham gia học tập đầy đủ, nghiêm túc để nắm bắt tiến bộ kỹ thuật. “Đến nay, bà con đã học đến tuần thứ 9, còn 5 tuần nữa sẽ kết thúc. Ngoài học lý thuyết, bà con còn được thực hành tại ruộng từ lúc gieo sạ cho đến khi thu hoạch”, bà Kim chia sẻ.

Nông dân cho biết chương trình IPHM rất bổ ích. Ảnh: KS.

Nông dân cho biết chương trình IPHM rất bổ ích. Ảnh: KS.

Qua theo dõi, nông dân đều đánh giá ruộng lúa thực hành chương trình IPHM sinh trưởng và phát triển tốt, dù chỉ gieo sạ 4 - 6kg lúa giống/sào (500m2). Lúa đã phát triển 7 lá nhưng chưa phát hiện sâu, rầy gây hại. Do đó, bà Kim cũng như bà con nông dân đều khẳng định khi sạ thưa, không chỉ tiết kiệm chi phí giống, lúa ít sâu bệnh mà còn bảo vệ được thiên địch giúp khống chế hiệu quả sâu rầy, không phải sử dụng thuốc BVTV.

Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp 1 cho biết, trước đây, nhờ tập huấn chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bà con trong Hợp tác xã đã thay đổi nhận thức trong việc giảm mật độ gieo sạ từ 12 - 15kg lúa giống/sào xuống còn 7 - 10kg/sào, có những diện tích sạ hàng chỉ 5 - 6kg/sào. Nay bà con được tập huấn chương trình IPHM để hướng đến sản xuất nông nghiệp sinh thái, bền vững, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, ông hi vọng sau khi lớp huấn luyện kết thúc, nông dân sẽ áp dụng kiến thức được học để sản xuất lúa hiệu quả, mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình. Đồng thời lan tỏa cho các nông dân xung quanh cùng thực hiện như đã từng thực hiện chương trình IPM.

Nông dân hiểu tác hại đốt rơm rạ

Rời Hợp tác xã nông nghiệp 1, chúng tôi đến Hợp tác xã nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Hòa An Tây (huyện Phú Hòa) khi nông dân đang tập trung tại hội trường để nghe cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh giảng về chương trình IPHM.

Nông dân học tập nghiêm túc, tham gia đầy đủ về chương trình IPHM. Ảnh: KS.

Nông dân học tập nghiêm túc, tham gia đầy đủ về chương trình IPHM. Ảnh: KS.

Ông Trần Hòa, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Kinh doanh tổng hợp Hòa An Tây cho biết, ông từng tham gia nhiều lớp tập huấn, tuy nhiên lớp huấn luyện về chương trình IPHM này rất bổ ích cho nông dân. Theo ông Hòa, thật ra chương trình IPHM được xây dựng trên cơ sở kế thừa chương trình IPM, song có điểm khác hơn là giúp nông dân tiếp cận thêm kiến thức về cải tạo đất canh tác và một số nội dung khác.

“Hiện nay sản xuất lúa của bà con trên địa bàn đã có cải tiến phần nào nhờ chương trình IPM, song vẫn còn tình trạng đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch. Khi được tham gia lớp huấn luyện chương trình IPHM, bà con đã hiểu việc đốt rơm rạ gây tác hại tới môi trường, không làm đất tốt hơn mà còn tiêu diệt vi sinh vật có ích, làm cho đất chai cứng và mất cân bằng sinh thái ruộng lúa. Do đó, chương trình IPHM hướng dẫn nông dân để rơm rạ trên ruộng rồi tiến hành cày vùi. Tuy nhiên để rơm rạ phân hủy nhanh, đồng thời không gây ngộ độc cho lúa, nông dân có thể dùng các chế phẩm sinh học Emic, Trichoderma phun lên rơm rạ và ủ thành phân hữu cơ”, ông Hòa chia sẻ.

Qua chương trình IPHM, nông dân còn nắm thêm kiến thức tận dụng phụ phẩm như thân cây lạc, đậu xanh… kết hợp chế phẩm sinh học để ủ thành phân bón hữu cơ vi sinh, sau đó vãi xuống ruộng để tạo phì nhiêu cho đất rất tốt.

Hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững

Bà Nguyễn Thị Kim Hồng, Trưởng phòng BVTV (Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên) cho biết, IPHM là hệ thống quản lý cây trồng mà các biện pháp tác động dựa trên nền tảng môi trường, cụ thể như đất, nước, thời tiết, sinh vật gây hại, sinh vật có ích nhằm giảm những tác động gây bất lợi cho cây trồng. Đồng thời phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại cũng như nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Nông dân được 'cầm tay chỉ việc' trên đồng ruộng để nắm bắt các kiến thức về IPHM. Ảnh: KS.

Nông dân được "cầm tay chỉ việc" trên đồng ruộng để nắm bắt các kiến thức về IPHM. Ảnh: KS.

IPHM được phát triển trên nền tảng IPM, tuy nhiên có bổ sung một số nội dung đi sâu về sức khỏe của đất để bà con nắm bắt kiến thức cải tạo đất của mình nhằm canh tác bền vững.

Hơn nữa, chương trình IPHM còn giúp bà con nắm bắt kiến thức sản xuất nông nghiệp trong tình trạng biến đổi khí hậu, ngăn ngừa suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế. Từ đó, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp canh tác bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Phú Yên cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực của tỉnh từ năm 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.

“Tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã chủ trì tổ chức lớp đào tạo nâng cao giảng viên TOT - IPM lên TOT -IPHM cho 11 công chức, viên chức của Chi cục và Trung tâm Khuyến nông, được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận”, ông Minh chia sẻ và cho biết thêm, sau khi đội ngũ TOT - IPHM đào tạo xong đã về các địa phương mở các lớp huấn luyện nông dân về chương trình IPHM. Trong đó, vụ hè thu 2024 triển khai 13 lớp huấn luyện cho nông dân tại huyện 8 huyện, xã, thành phố. Năm 2025, toàn tỉnh sẽ triển khai 26 lớp huấn luyện theo kế hoạch đề ra.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.