| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội đi đầu trong ứng dụng IPHM trên rau an toàn

Thứ Ba 14/11/2023 , 08:51 (GMT+7)

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng IPHM vào sản xuất rau an toàn, trên nền tảng các lớp tập huấn IPM đã thực hiện.

Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong áp dụng ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM).

Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong áp dụng ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM).

Để tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn cho các giảng viên về quản lý sức khỏe cây trồng, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức Khai giảng khóa tập huấn nâng cao cho giảng viên TOT-IPM lên TOT-IPHM tại Hà Nội.

Đây là khóa tập huấn nhằm đào tạo đội ngũ giảng viên về Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) theo Quyết định số 3592/QÐ-BNN-BVTV của Bộ NN-PTNT.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn quốc đã có 48 tỉnh với 340 giảng viên TOT-IPHM, trong đó 42 tỉnh được đào tạo nâng cao, chuyển đổi từ giảng viên TOT-IPM sang TOT-IPHM với tổng số 240 giảng viên.

Cục Bảo vệ thực vật đang tham mưu, kiến nghị Bộ NN-PTNT phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ chương trình IPHM, đồng thời, lồng ghép nội dung quản lý IPHM vào các chương trình dự án liên quan đến sản xuất trồng trọt, tổ chức vùng nguyên liệu.

Là địa phương tiên phong áp dụng quản lý IPHM vào sản xuất rau an toàn, bà Lưu Thị Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Hà Nội cho biết, Hà Nội dù là Thủ đô nhưng diện tích sản xuất lớn.

Trong đó, diện tích lúa trên 160.000ha, với 70% diện tích trồng lúa chất lượng cao, diện tích rau quả trên 33.000 ha. Hà Nội cũng hình thành những vùng chuyên canh tập trung sản xuất trồng lúa, rau quả, cây cảnh…

Các giống lúa, cây trồng chất lượng cao thường đi đôi với sâu bệnh nhiều nên công tác quản lý dịch hại được thành phố chú trọng trong sản xuất. 2023 là một năm tình hình sâu bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, bà Hằng nhìn nhận, những kiến thức của khóa tập huấn này là rất cần thiết cho công tác bảo vệ sức khỏe cây trồng thời gian tới.

Cánh đồng rau an toàn xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội.

Cánh đồng rau an toàn xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội.

Theo bà Hằng, với sự chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, thực hiện các nội dung chuyên môn về thúc đẩy ứng dụng quản lý IPHM trong bảo vệ sức khỏe cây trồng, Chi cục tiếp tục tham mưu Sở NN-PTNT Hà Nội triển khai các mô hình hữu cơ, hướng dẫn nông dân phòng chống sâu bệnh trên cây trồng.

Điển hình, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Hà Nội đã thực hiện Đề án Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2009 - 2015.

Đề án tập trung triển khai các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất rau an toàn cho nông dân, tập huấn, huấn luyện, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và truyền thông nhằm đáp ứng an toàn thực phẩm trong sản xuất rau.

Thực hiện Đề án, Chi cục tổ chức gần 900 lớp huấn luyện nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên rau cho gần 27.000 nông dân. 8 cơ sở sơ chế rau an toàn ra đời gắn với vùng sản xuất tập trung có công suất 3-7 tấn/ngày tại Văn Đức, Yên Mỹ, Duyên Hà, Thanh Đa, Tiền Lệ, Chúc Sơn, Đặng Xá, Nam Hồng.

Tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc. Chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm 50%. Tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép thấp, chỉ có khoảng 1% mẫu vượt ngưỡng.

Nhờ vậy, diện tích sản xuất rau an toàn đến năm 2017 đạt hơn 5.000 ha, trong đó có hơn 200ha rau sản xuất theo VietGAP và trên 50 ha rau hữu cơ. Năng suất rau tăng 18%, sản lượng đạt gần 400.000 tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng. Giá trị sản xuất đạt từ 300 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Sau khóa tập huấn này, Chi cụcTrồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tiếp tục nâng cao quản lý dịch hại (IPM) lên quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) ứng dụng trong sản xuất các loại cây trồng nói chung và rau an toàn trên địa bàn Thủ đô nói chung.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Hà Nội cho rằng, quy hoạch đến năm 2030, diện tích lúa, cây rau quả của Hà Nội sẽ tiếp tục tăng.

Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng nông nghiệp thủ đô chất lượng cao, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, thực phẩm mang nhiều vitamin, khóa học tập huấn là cơ hội huy động nguồn lực tri thức đáp ứng nguyện vọng đó.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.