Trong khi đó, sản phẩm bán ra lại rớt giá, dội hàng từ nhà máy đến cửa khẩu. Lý do vì đâu mà người nông dân trồng mì lại phải chịu thiệt hại kép trong vụ mùa năm nay?
Khó khăn chồng chất khó khăn
Khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó có Tây Ninh, là nơi có diện tích trồng mì lớn nhất cả nước. Theo thống kê, diện tích trồng mì trên địa bàn tỉnh Tây Ninh năm 2018 lên đến 34.000 hecta. Khoai mì là một loại cây công nghiệp từng được xem là chìa khóa để người nông dân xóa đói giảm nghèo. Đã có giai đoạn giá mì lên rất cao do nguồn cung khan hiếm, giúp nhiều nông dân khấm khá hơn so với trồng những loại cây khác. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân tác động khiến nhiều người chạy theo cây mì mà không tìm hiểu kỹ thị trường lẫn kỹ thuật canh tác.
Cây mì đang gặp tình trạng dính bệnh khảm lá, vừa mất mùa vừa mất giá |
Theo báo cáo, giai đoạn gần đây việc tiêu thụ mì đang rất khó khăn. Đối với mì lát, giá xuất khẩu hiện đang tiếp tục giảm mạnh do nhu cầu mua từ Trung Quốc rất yếu. Tại cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) giá mua của các kho cao nhất chỉ 4.900 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá mua mì củ của các nhà máy tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm 200 đồng/kg, xuống còn 2.500 - 2.550 đồng/kg với mì 30 chữ bột, tương đương với giá mua tại ruộng còn 2.100 - 2.200 đồng/kg tùy vùng. Còn đối với tinh bột mì, hiện tại các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc đang đóng băng hoặc chỉ mua nhỏ giọt với giá giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia, để có lãi thì giá thu mua mì củ phải đạt ít nhất 3.000 đồng/kg. Nếu dưới con số đó nông dân sẽ lỗ do doanh thu không đủ bù chi phí sản xuất.
Cũng tại thời điểm này, trong khi người dân vừa mới khắc phục hậu quả từ cơn bão số 9 khiến nhiều diện tích mì phải trồng lại thì dịch bệnh khảm lá lại hoành hành với quy mô lớn, khiến sản lượng và chất lượng củ mì giảm mạnh, có nơi thiệt hại đến 50%. Do hầu như tất cả các địa bàn đều có dịch nên nguồn cung hom giống sạch bệnh rất khan hiếm, giá hom giống đội lên rất cao. Điều này càng khiến nông dân gặp nhiều khó khăn.
Vì đâu nên nỗi?
Việc nông dân hàng loạt tỉnh, thành đổ xô vào trồng một loại cây, con/vật nuôi theo phong trào là hiện tượng thường xuyên xảy ra ở nước ta. Cây mì cũng không ngoại lệ. Do có giai đoạn thu nhập từ cây mì cao hơn so với trồng các loại cây khác, nhiều nông dân đã quyết định phá bỏ cây mía, cây lúa hay cây ăn trái để trồng mì trong khi hoàn toàn không có kinh nghiệm chăm sóc lẫn thông tin thị trường đầu ra.
Hệ quả của việc thiếu kỹ năng, kinh nghiệm canh tác chính là năng suất không cao, chữ bột thấp. Không những vậy, khi dịch bệnh bắt đầu lây lan thì nông dân tỏ ra lúng túng, không biết cách phòng trừ để dập dịch. Đến kỳ thu hoạch, dù biết cây đã bị bệnh, củ rất nhỏ hoặc thậm chí không có củ, một số nông dân vẫn không chịu đem đi tiêu hủy mà lại sử dụng cây bệnh để làm hom giống cho vụ tiếp theo.
Còn về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, khi quyết định trồng một loại cây gì thì người nông dân phải có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về thị trường tiêu thụ. Nếu không nắm được những thông tin này, rủi ro rớt giá là hoàn toàn có thể xảy ra. Không những vậy, trong thời gian sắp tới, cây mì cũng sẽ như những loại nông sản khác bị áp dụng chính sách truy xuất nguồn gốc khi muốn xuất sang Trung Quốc - thị trường chiếm đến 90% toàn bộ sản lượng mì của Việt Nam. Điều này có nghĩa là mỗi lô hàng muốn qua được cửa khẩu sẽ phải có “mã code” chứng minh nguồn gốc xuất xứ, điều kiện sản xuất một cách đầy đủ, rõ ràng. Với tình hình canh tác manh mún như hiện nay, đây sẽ là một rào cản rất lớn cho nông dân. Đó là còn chưa kể đến vấn đề cạnh tranh gay gắt từ nông sản Thái Lan có chất lượng cao, giá rẻ, nguồn cung dồi dào.
Lối ra nào cho nông dân?
Một khi người nông dân đã nhận diện được vấn đề mình đang gặp phải cũng như nguyên nhân gây ra nó thì việc tìm ra phương án giải quyết những khó khăn trong canh tác nông nghiệp là điều hoàn toàn khả thi.
Nắm rõ quy luật cung cầu là cách để hạn chế tình trạng nông sản mất giá |
Giai đoạn hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập. Đây vừa là thử thách nhưng cũng vừa là cơ hội cho nông dân. Để tận dụng được lợi thế, nông dân phải nắm rõ về loại cây mình đang trồng từ kỹ thuật canh tác cho đến thị trường tiêu thụ. Không còn đơn giản là cày sâu cuốc bẫm, chăm chỉ làm việc trên đồng ruộng, xu thế thị trường hiện nay yêu cầu người nông dân phải nắm được những kiến thức để có thể đưa ra quyết định chính xác.
Quy luật cung cầu là một trong những kiến thức cơ bản nhất. Muốn có giá bán cao thì người nông dân phải cung cấp đúng sản phẩm mà thị trường đang cần với chất lượng tốt. Muốn có lợi nhuận cao thì ngoài yếu tố giá bán, chi phí sản xuất phải tiết giảm đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, thông thường lợi nhuận càng cao thì rủi ro đi kèm cũng sẽ càng cao. Những loại cây nào đang được thu mua với giá tốt thì khi trồng ồ ạt với số lượng lớn sẽ dễ dẫn đến tình trạng rớt giá.
Nhìn chung, đặc thù của ngành nông nghiệp là mang tính rủi ro, đặc biệt là rủi ro về thiên tai như thời tiết, dịch bệnh. Để kiểm soát được xác suất rủi ro hoặc giảm thiểu thiệt hại xảy ra, người nông dân có thể sử dụng một công cụ, đó là kỹ thuật canh tác hiện đại. Bằng việc áp dụng các thiết bị cơ giới cùng quy trình canh tác bền vững, năng suất cây trồng có thể được đảm bảo dù gặp phải điều kiện không thuận lợi.
Tuy nhiên, nếu rủi ro vẫn quá cao mà người nông dân không có đủ nguồn lực để hạn chế thì phương án tối ưu nhất chính là lựa chọn giống cây trồng khác an toàn hơn, ổn định hơn.