| Hotline: 0983.970.780

Nông dân vùng cao thắng lớn nhờ nuôi lợn

Thứ Năm 08/12/2022 , 09:03 (GMT+7)

Nghề nuôi lợn không dễ như anh Ngọc lầm tưởng, dù vậy với niềm tin chưa bao giờ cạn vơi, người đàn ông đầy nghị lực đã vượt qua giai đoạn khốn khó nhất.

Anh Trần Đình Ngọc là gương điển hình chăn nuôi giỏi ở khu vực vùng cao Nghệ An. Ảnh: VK.

Anh Trần Đình Ngọc là gương điển hình chăn nuôi giỏi ở khu vực vùng cao Nghệ An. Ảnh: VK.

Thất bại không nản lòng

Môn Sơn là xã vùng cao của huyện Con Cuông, Nghệ An. Nơi đây lắm núi, nhiều sông nhưng quỹ đất sản xuất ít ỏi, người dân bản địa vẫn phải “bám lấy rừng” để kiếm kế sinh nhai, thành thử cuộc sống còn nhiều khốn khó.

Thuộc diện “dân cày không có ruộng” nhưng anh Trần Đình Ngọc, SN 1977, trú tại bản Xiềng luôn nung nấu phải sớm thoát ra khỏi nghịch cảnh, quyết không để cái đói cái nghèo đeo bám. Thuộc típ người chịu thương chịu khó lại có trình độ, tư duy khá nhạy bén, sau thời gian dài theo ngành xây dựng anh cũng tích cóp được ít vốn liếng lận lưng.

Nghề nghiệp lúc bấy giờ khá ổn định, lại có đồng ra đồng vào nhưng chung quy rất nặng nhọc. Sau nhiều bận đắn đo, suy tính thiệt hơn, anh bàn với vợ chuyển đổi hình thức sang lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: Xây dựng trang trại nuôi lợn quy mô lớn.

Để có được cơ ngơi như hôm nay, gia đình anh Ngọc đã trải qua những lúc cơ hàn. Ảnh: VK.

Để có được cơ ngơi như hôm nay, gia đình anh Ngọc đã trải qua những lúc cơ hàn. Ảnh: VK.

Nghĩ là làm, năm 2015 anh Ngọc dốc toàn bộ vốn liếng, đồng thời huy động thêm nhiều nguồn khác nhau triển khai xây dựng 2 phân khu chăn nuôi lợn công nghiệp trị giá 1,8 tỷ đồng, sau đó rót thêm gần nửa tỷ đồng mua con giống, thức ăn… quyết tâm khởi nghiệp.

Xắn tay vào làm anh Ngọc mới vỡ ra rằng, lý thuyết và thực tiễn là 2 phạm trù hoàn toàn trái ngược, mọi thứ không hề giản đơn như anh hình dung trước đó. Sự cố thi nhau tiếp diễn khiến tình hình dần vượt ra khỏi tầm kiểm soát, dồn tiền của đổ công sức chỉ thu về trái đắng khiến người trong cuộc không khỏi hoang mang:

“Giá thức ăn tăng cao vùn vụt, trong khi lợn đang trong quá trình sinh trưởng không thể giảm khẩu phần, do đó chỉ duy trì được một thời gian là hết sạch vốn liếng. Trót đâm lao phải theo lao, tôi phải cầm cố sổ đỏ của gia đình, mượn thêm một sổ đỏ nữa của anh rể vay thêm 800 triệu đồng để cáng đáng. Lúc bấy giờ trong chuồng có 53 lợn nái, 600 lợn thịt, nuôi ngày nào là chết tiền ngày đó, lắm lúc bất lực chẳng thốt nên lời”, anh Ngọc bùi ngùi nhớ lại.

Chi phí đầu vào cao ngất ngưỡng, giá lợn lại rớt thê thảm. Càng nuôi càng lỗ chổng vó, anh Ngọc đành bấm bụng bán “lúa non" chỉ để thu về  số tiền ít ỏi 300 triệu đồng. Tính ra lứa lợn đầu tiên anh Ngọc mất trắng 1,2 tỷ đồng, chưa kể kinh phí xây dựng chuồng trại.

Cạn vốn, tháng 8/2017 trang trại tạm dừng hoạt động. Tận 2 năm sau, khi thị trường có dấu hiệu khởi sắc trở lại, anh Ngọc mới nung nấu chơi một cú tất tay, quyết hoàn thành giấc mơ còn dang dở.

Lan tỏa cách làm hay

“Khi biết chuyện, chính quyền địa phương rất quan tâm, qua đó hỗ trợ đầu tư khoản kinh phí 100 triệu đồng, quy đổi bằng hiện vật là 60 con lợn đen bản địa, đây quả thực là động lực tinh thần hết sức lớn lao, giúp tôi vững tin khởi nghiệp lần 2”, anh Ngọc trút bầu tâm sự.

Quyết tâm không để vết xe đổ lặp lại, 2 vợ chồng không quản khó khăn, đều đặn thức khuya dậy sớm hàng tháng trời để quán xuyến chuồng trại, chăm bẵm vốn quý. Những con lợn bản địa được nuôi dưỡng trong môi trường phù hợp nên phát triển ổn định, chất lượng đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Giai đoạn này chủ yếu lấy công làm lãi, cái được lớn nhất là niềm tin được hồi sinh.

Khi nhận thấy mọi thứ đã chín muồi, anh Ngọc không ngần ngại huy động thêm kinh phí đầu tư nuôi lợn siêu nạc theo hướng tự động hóa nhằm giảm tải sức lao động, giảm chi phí nhân công lại cho hiệu quả kinh tế vượt trội.

Nhờ lắp đặt thiết bị hỗ trợ ở máng thức ăn và vòi nước, tính ra tổng thời gian chăm sóc đàn lợn gần 400 con chỉ gói gọn trong 5-6 tiếng/ ngày. Hiện trang trại của anh Ngọc vận hành theo quy trình khép kín, bình quân khoảng 5 tháng lại xuất bán một lứa.

Không ngại sẻ chia, sẵn sàng lan tỏa là điều anh Ngọc (áo xanh) luôn tâm niệm. Ảnh: VK. 

Không ngại sẻ chia, sẵn sàng lan tỏa là điều anh Ngọc (áo xanh) luôn tâm niệm. Ảnh: VK. 

Dù thị trường thời gian qua khá bấp bênh, giá thức ăn vẫn giữ ở mức cao nhưng nhờ chủ động hạch toán, hàng năm anh Ngọc vẫn đều đặn thu về khoản lãi 600-700 triệu đồng. Lúc này trong chuồng có tầm 90 con sửa soạn đến thời kỳ xuất bán, hơn 200 con phục vụ cho thị trường Tết nguyên đán, nếu không gặp sự cố bất trắc gia đình sẽ thu về trên dưới nửa tỷ đồng. Đến thời điểm này, có thể khẳng định anh Ngọc đã cụ thể hóa được giấc mơ của mình.

Đặc biệt hơn khi anh Ngọc sẵn sàng chia sẻ niềm vui của mình với cộng đồng làng bản: “Tôi vừa đề xuất với Ban quản lý bản Xiềng và UBND xã Môn Sơn lựa chọn một số hộ điển hình để ứng dụng theo mô hình của tôi. Đành rằng kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng có thể sử dụng đến 18-20 năm, bên cạnh đó vợ chồng tôi sẽ hỗ trợ thêm về kỹ thuật, quy trình chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh và trợ giá con giống”.

“Thị trường đầu ra khá rộng, tôi không lo ngại sẽ bị cạnh tranh. Ngược lại với việc hình thành các gia trại vệ tinh sẽ góp phần giảm thiểu chi phí vận chuyển, giảm giá thức ăn, vật tư thú y, đặc biệt là hạn chế tình trạng bị cánh thương lái ép giá”, anh Trần Định Ngọc chia sẻ.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất