TS Đoàn Xuân Cảnh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, những năm qua, diện tích sản xuất cà chua có xu hướng giảm do thiếu bộ giống cà chua năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chịu nhiệt và kháng bệnh xoăn vàng lá. Hiện diện tích trồng cà chua cả nước khoảng 25.000ha, trong đó 1/3 là canh tác ở Đồng bằng sông Hồng.
“Sản xuất 1ha cà chua ở Đồng bằng sông Hồng cho thu nhập từ 120 - 200 triệu đồng, cao gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Tuy nhiên, Việt Nam phải nhập khẩu khá nhiều hạt giống cà chua với giá từ 15 - 35 triệu đồng/kg, làm tăng chi phí đầu vào”, TS Cảnh chia sẻ.
Trước thực tế này, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã thu thập nguồn vật liệu từ 800 mẫu giống cà chua có nguồn gốc từ các tỉnh phía Bắc và sử dụng 10 cặp mồi SSR để đánh giá đa dạng di truyền cho 100 dòng thuần chọn lọc.
Sau khi phân nhóm các mẫu giống theo quy chuẩn, nhóm nghiên cứu chọn tạo dòng thuần theo phương pháp chọn lọc phả hệ. Thông qua phương pháp marker phân tử SSR kết hợp lây nhiễm nhân tạo virus xoăn vàng lá bằng phương pháp ghép ngọn, các nhà khoa học đã phân lập các mẫu giống cà chua nghiên cứu dựa trên tình trạng chín sớm, đặc điểm hình thái và năng suất.
Sau khi khảo nghiệm, 8 dòng cà chua được chọn lọc tiếp tục được lai tạo để tạo ra các tổ hợp lai mới có năng suất, tính kháng bệnh cao.
6 giống cà chua lai mới đều thuộc dạng hình thâm canh, thời gian sinh trưởng từ 125 – 135 ngày (vụ đông), cây cứng, khỏe, lá xanh đậm. Chiều cao cây trung bình từ 100,5 – 138,14cm. Theo dõi tiếp qua 3 năm tại ruộng khảo nghiệm thuộc huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) cho thấy các giống không xuất hiện triệu chứng bệnh xoăn vàng lá ở vụ thu đông, riêng vụ xuân hè có một số nhiễm bệnh nhẹ sau trồng khoảng 40 – 60 ngày.
“Các giống mới gồm VT2, VT4, VT8, VT12, VT15, VT18 đều có triển vọng tốt tại Hưng Yên, Hà Nam và Bắc Giang”, TS Cảnh nhận xét và cho biết trong vụ thu đông khảo nghiệm, năng suất trung bình của các giống mới đều vượt 60 tấn/ha, cụ thể là từ 63,54 – 69,16 tấn/ha. Đặc biệt, giống VT15 cho năng suất ấn tượng nhất.
Thời gian tới, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tiếp tục đánh giá, khảo nghiệm và phát triển các giống cà chua VT4, VT12 và VT15 ở vụ đông sớm, đông chính vụ để có cái nhìn rõ nét hơn trước khi cơ cấu lại mùa vụ tại các tỉnh phía Bắc.
Các giống cà chua lai được Viện nghiên cứu có số quả trên cây dao động từ 20,34 – 28,54 quả. Các thông số về năng suất, chất lượng so với giống đối chứng đều cao hơn 5 - 10%.
Trong điều kiện canh tác hoàn hảo, TS Đoàn Xuân Cảnh nhận thấy năng suất thực thu của các giống VT4, VT12 và VT15 có thể lên tới 73,14 tấn/ha khi gieo trồng vào vụ thu đông hoặc vụ đông. Toàn bộ 6 giống mới đều có khả năng chống chịu với bệnh virus xoắn vàng lá.
Không làm cây chết ngay nhưng bệnh xoăn vàng lá khiến cây cà chua bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sinh trưởng nếu người dân không sớm phát hiện và để bệnh kéo dài. Do đó, các nhà khoa học khuyến cáo người dân sử dụng cây giống khỏe mạnh, sạch bệnh, tưới nước phù hợp, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo trồng. Cùng với đó, sử dụng bẫy dính trong vườn để bẫy các loài côn trùng, hoặc sử dụng lưới chống côn trùng để ngăn chặn.
“Chúng tôi xác định các giống cà chua trên rất phù hợp với đồng đất Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang và có thể ở một số nơi khác”, TS Cảnh cho biết. Cũng theo TS Cảnh, nhiều khu vực tại phía Bắc, người dân trồng 2, thậm chí 3 vụ cà chua mỗi năm. Với việc thâm canh như vậy, sử dụng các dòng thuần làm vật liệu tạo giống cà chua kháng bệnh là yêu cầu cấp bách.