Gần 1 tuần sau cơn bão số 2, chúng tôi có mặt tại xã Diễn Thành (huyện Diễn Châu) để ghi nhận thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do mưa bão. Dù đây đang là giữa mùa thu hoạch dưa nhưng không khí trên những cánh đồng trở nên ảm đạm.
2.000ha vừng ở Diễn Châu gần như mất trắng |
Tranh thủ thời tiết nắng ráo, nông dân Diễn Thành ra đồng thu hoạch diện tích vừng bị ngã rạp đã già. Những hộ có dưa hấu, người thì kê quả lên cao, người ghim ngọn, thụ phấn. Một số thu hoạch vớt vát những quả dưa hấu còn có thể bán được, gom thành đống nhỏ, chờ xe đến thu mua.
Theo ghi nhận của PV, trên cánh đồng của xã Diễn Thành, toàn bộ diện tích vừng không còn một cây đứng thẳng. Đa phần là vừng gần đến ngày thu hoạch. Hầu hết diện tích dưa hấu vụ 2, vụ 3 hoặc héo hon hoặc chết được nông dân gom cây thành từng đống đầu bờ. Không khí ảm đạm, nỗi buồn hiện rõ trên từng khuôn mặt nhà nông.
Những ruộng dưa hấu bị ngâm nước đang dần héo rũ |
Ông Cao Văn Bá, xóm 4 xã Diễn Thành cho biết: “Sau vụ lạc xuân, gia đình tôi xuống giống 3,5 sào dưa hấu (500 m2/sào). Thông thường, mỗi cây dưa hấu sẽ để lại 2 - 3 cành, mỗi cành sẽ để lại 1 quả với trọng lượng 3 - 4kg. Nhưng sau khi bão càn quét, cây dưa hấu héo hon, ngọn gãy nát, lại bị ngâm nước gần 2 ngày, phấn hoa thối hết, khả năng cứu vãn năng suất rất thấp. May mắn lắm, nếu chăm sóc tốt, cuối vụ chỉ đạt 6 - 7 tạ/sào so với năng suất bình quân 1,8 - 2 tấn/sào. Không riêng gì gia đình tôi mà cả làng, cả xã này đều bị thiệt hại”.
Cạnh ruộng dưa hấu của ông Bá là ruộng vừng 3,5 sào của ông Cao Bá Đình. Ba người con ông Đình đang hì hục cắt đem về phơi dù vừng chưa đến độ già: “Ngã rạp hết rồi chú ơi! Vừng chưa già nhưng nếu để thêm vài bữa nữa, năng suất cũng không hơn bây giờ. Gặp nắng, rễ đã bị lung lay, cây ngã rạp thì vừng rất dễ bung hết xuống ruộng nên nhà cháu phải thu hoạch sớm. Một sào này may ra còn vớt vát chứ 2,5 sào còn lại chắc năng suất không đến 40% vì còn đến gần 1 tháng nữa mới đến ngày thu hoạch. Được hạt nào là lép hạt đó, gặp nắng sẽ nứt đổ hết xuống đồng”, người con gái ông Đình đang cắt vừng buồn bã cho biết.
Nông dân phải thu hoạch vừng non |
Chúng tôi tiếp tục đi lên cánh đồng dưa, vừng xóm 6 xã Diễn Thành, tình cảnh cũng tương tự. Dẫn chúng tôi đi xem ruộng dưa gần 4 sào đã có quả non, bà Phạm Thị Nga xót xa: “Gần 4 sào dưa nhà tôi chi chít quả non bị ngâm nước 2 ngày đêm thì mốc trắng, thối không còn 1 quả. Cây cũng đã bắt đầu héo chết, không thể cứu vãn được, nóng ruột, xót của nhưng không biết làm thế nào. Dưa hộ nào có quả sắp đến ngày thu hoạch, gặp trận bão này cũng thối gần hết. Vớt vát được quả nào thì lại bị tư thương chê ỏng, chê eo, giá bán chưa bằng 1/4 so với trước bão”.
Tại cánh đồng dưa hấu của xã Diễn Thành, theo tìm hiểu của PV, trước bão, tư thương đến tận ruộng thu mua với giá 6.500 đồng/kg. Với mỗi sào dưa, năng suất đạt 1,8 - 2 tấn, nông dân cũng thu về 11,7 - 13 triệu đồng. Nay năng suất vừa giảm, giá tư thương thu mua tận ruộng cũng chỉ 1,5 - 2 nghìn đồng/kg khiến nông dân thiệt đơn thiệt kép. Nhiều hộ chịu khó chọn những quả đạt chất lượng bán cho tư thương hoặc thồ đi chợ xa bán, số bị thối tấp đầy bờ, dưới mương nước.
Nông dân tấp quả dưa hấu thối đầy ruộng |
Sau cơn bão số 2, toàn huyện Diễn Châu có 2.000ha vừng, 500ha ngô, 200ha dưa hấu mất trắng. Riêng xã Diễn Thành có 65ha dưa hấu, gần 120ha vừng bị thiệt hại trên 70%.
Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết: “Hiện nay các địa phương đang động viên nhân dân tranh thủ ra đồng vớt vát được chừng nào hay chừng đó. Đối với dưa hấu bị hỏng, hiện nay bà con nông dân đang phá để gieo trồng các cây trồng khác. Một số diện tích có quả to thì nông dân kê cao quả tránh bị thối. Đối với cây vừng, 2.000ha gần như mất trắng vì đã ngã rạp hết, vừng lại chưa đến ngày thu hoạch. Giỏi lắm đến ngày thu hoạch cũng chỉ được 20 - 30% năng suất, sản lượng”.
Số dưa thu hoạch được lại bị tư thương ép giá |
Theo thống kê của Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An, bão số 2 đã gây thiệt hại nặng nề về người và của. Riêng về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có 810,7ha lúa bị thiệt hại; 11.984ha rau màu các loại, 8.077,17ha cây trồng hàng năm, 2.069,5ha cây ăn quả lâu năm, 4.839,03ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại; 203.249 cây xanh bị đổ ngã… Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục thống kê, rà soát, đánh giá diện tích cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại để hỗ trợ nông dân theo đúng quy định. Riêng đối với diện tích rừng, Sở sẽ thành lập đoàn liên ngành kiểm tra. Đối với những diện tích bị thiệt hại trên 70% sẽ thanh lý để trồng lại. |