| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Yên Bái hối hả xuống đồng gieo cấy lúa xuân

Thứ Hai 19/02/2024 , 18:08 (GMT+7)

YÊN BÁI Sau Tết Nguyên đán, nông dân Yên Bái tranh thủ thời tiết thuận lợi, hối hả xuống đồng gieo cấy lúa theo khung thời vụ.

Sau những ngày đoàn viên đón năm mới, từ mùng 6 Tết, gia đình ông Lò Văn Làn ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) đã xuống đồng tháo nước vào ruộng để làm đất gieo cấy lúa. Vụ xuân năm nay, gia đình ông Làn gieo cấy 1,1ha lúa với 2 giống lúa chính là Nếp 87 và ĐS1. 

Người dân huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) xuống đồng gieo cấy lúa trong những ngày đầu năm mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Người dân huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) xuống đồng gieo cấy lúa trong những ngày đầu năm mới. Ảnh: Thanh Tiến.

Theo ông Làn, để đảm bảo gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất, ngay từ trước Tết, gia đình ông đã chuẩn bị mạ, phân bón và làm đất. Những ngày sau Tết chỉ cần tháo thêm nước và bừa lại ruộng một lượt là có thể cấy lúa. Hiện nay, người dân trong xã đang đồng loạt xuống đồng, đổi công nhau để sớm hoàn thành việc gieo cấy. Sau đó lại cùng nhau tham gia các lễ hội xuân để cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.  

Không khí vui tươi, rộn ràng khắp cánh đồng Na Phang (xã Hát Lừu) từ ngày mùng 5, mùng 6 Tết. Vài năm nay, dù không còn được hỗ trợ giống, song nông dân Trạm Tấu cũng không cho đất nghỉ. Nhờ chủ động được nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi nhỏ do nhà nước hỗ trợ đầu tư nên nhiều diện tích có thể sản xuất 3 vụ/năm. Khoảng nửa tháng trước Tết, sau khi thu hoạch diện tích khoai tây trồng trong vụ đông, bà con trong xã đã tích cực làm đất, tích nước để gieo cấy lúa xuân. 

Ông Lò Văn Tiếp - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: Vụ xuân này, xã phấn đấu gieo cấy 225ha lúa với cơ cấu giống chủ yếu là Nếp 87 và ĐS1. Đến thời điểm này, bà con đã gieo cấy được hơn 70% diện tích. Chính quyền đang vận động bà con tranh thủ thời tiết nắng ấm xuống đồng gieo cấy để cây lúa bén rễ phát triển nhanh, dự kiến đến ngày 25/2 sẽ hoàn thành 100% diện tích.

Vụ xuân năm nay, huyện Trạm Tấu có kế hoạch gieo cấy gần 1.600ha lúa với cơ cấu giống lúa chủ yếu là Nhị ưu 838, Nếp 87, ĐS1 và các giống lúa thuần phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Đây là năm thứ 4 nông dân trong huyện không còn được hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp, vì vậy người dân đã chủ động mua giống lúa và phân bón phục vụ sản xuất.

Ông Giàng A Thào – Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu xuống ruộng cấy lúa cùng bà con nông dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Giàng A Thào – Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu xuống ruộng cấy lúa cùng bà con nông dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Giàng A Thào – Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu chia sẻ, ngay những ngày đầu xuân mới, huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể, chỉ đạo ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng phối hợp với các xã, thị trấn vận động, đôn đốc bà con tập trung gieo cấy đảm bảo diện tích và khung thời vụ. 

Ngày mùng 6 Tết, lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống đồng cấy lúa cùng bà con; động viên nông dân tích cực lao động, sản xuất ngay từ những ngày đầu xuân mới. Với tinh thần khẩn trương, tích cực xuống đồng, nông dân trong huyện phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa xuân trước ngày 25/2 để vụ lúa xuân thắng lợi trên cả 3 mặt diện tích, năng suất, sản lượng.

Những ngày đầu năm mới ở huyện vùng cao Mù Cang Chải thường diễn ra nhiều lễ hội mang đậm bản sắc của người dân tộc Mông. Bên cạnh tổ chức các hoạt động vui xuân, cầu mùa, chính quyền huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp, lực lượng khuyến nông và các địa phương vận động, hướng dẫn người dân gieo cấy lúa đảm bảo khung lịch thời vụ tốt nhất.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Mù Cang Chải gieo cấy hơn 1.700ha lúa. Ảnh: Thanh Tiến.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Mù Cang Chải gieo cấy hơn 1.700ha lúa. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, trên các thửa ruộng bậc thang người dân ở các địa phương trong huyện đang hối hả tháo nước, làm đất để gieo cấy. Vụ xuân năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo trồng hơn 1.830ha cây nông nghiệp, trong đó trên 1.700ha lúa, còn lại là ngô và rau màu các loại.

Ông Lương Văn Thư – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải cho biết, để nâng cao năng suất lúa, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con sử dụng cơ cấu giống chủ yếu là lúa lai như: Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, Phúc Thái 168, TH 3-3, Thụy Hương 308, Nghi Hương 305… chiếm khoảng 80% tổng diện tích. Các giống lúa thuần chiếm 20% như: Hương chiêm, Séng cù, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, nếp 87, nếp Hương và một số giống lúa nếp, lúa tẻ của địa phương…

Ông Nguyễn Xuân Huy – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Yên Bái cho biết, khung lịch gieo cấy lúa trên địa bàn tập trung 2 trà, gồm trà sớm và trà chính vụ. Tùy điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, thời gian sinh trưởng của giống và kế hoạch sản xuất tăng vụ của từng địa phương để bố trí thời vụ, tỷ lệ phù hợp, đảm bảo an toàn, tránh ảnh hưởng bất thuận của thời tiết, nhất là thời điểm giai đoạn lúa trỗ.

Tỉnh Yên Bái gieo cấy gần 19.000ha lúa trong vụ xuân 2024. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái gieo cấy gần 19.000ha lúa trong vụ xuân 2024. Ảnh: Thanh Tiến.

Tỉnh Yên Bái phấn đấu hoàn thành 100% diện tích gieo cấy lúa xuân trong tháng 2/2024. Để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ngành nông nghiệp đã có văn bản đôn đốc các địa phương tập trung hướng dẫn nông dân chăm sóc, bón thúc phân đợt 1 cho cây lúa, kết hợp làm cỏ sục bùn, tạo thuận lợi cho lúa đẻ nhánh sớm, đạt số dảnh cao nhất. 

Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa xuân, người dân các địa phương còn tích cực trồng rau màu. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng trên 7.600ha ngô, gần 150ha sắn, trên 1.100ha khoai lang, 700ha lạc và trên 4.500ha rau các loại.

Không khí xuống ruộng, lên rừng sản xuất vụ xuân đang rộn ràng, tấp nập ở nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái. Trong vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy gần 19.000ha lúa. Hiện nay, người dân đã gieo cấy được trên 14.000ha, đạt 75% diện tích. Một số huyện có diện tích gieo cấy lớn gồm: Lục Yên 3.400ha, Văn Yên gần 3.000ha, Văn Chấn 2.700ha. Diện tích lúa được cung cấp nước tưới từ công trình thủy lợi gần 17.500ha; cơ cấu giống lúa lai chiếm 55%, lúa thuần 45% diện tích. 

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.