| Hotline: 0983.970.780

Nông hộ sản xuất chè an toàn

Thứ Ba 19/12/2017 , 15:50 (GMT+7)

Minh Sáng là xưởng chè hộ cá thể đầu tiên ở Nghệ An đầu tư trồng và chế biến trà theo hướng VietGAP. Sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng ở Nghệ An mà các tỉnh miền Nam đón nhận.

Người mà chúng nói đến là ông Võ Văn Sáng, chủ xưởng chè Minh Sáng tại xóm 5, xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn.

09-13-33_ong_vo_vn_sng_voi_xuong_che_bien_tr_mi_ni_cu_gi_dinh
Ông Võ Văn Sáng với xưởng chế biến trà mini của gia đình (Ảnh: Văn Dũng)

Năm 2001, ba hộ dân đầu tiên của xã Hùng Sơn bắt tay vào trồng cây chè công nghiệp. Tại thời điểm đó, tổng diện tích chè của ba hộ chưa đến 3ha. Đó cũng là thời kỳ người trồng chè công nghiệp ở Nghệ An bắt đầu ăn nên làm ra và lên đỉnh hình sin của sự phát triển, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của cây chè bắt đầu tăng. Thế nhưng, hầu hết đều hái tay, năng suất công việc thấp, lại phải “cõng” hàng chục km xuống vùng thị trấn Anh Sơn để nhập hàng nên thực tế người trồng có lãi chẳng là bao.

Đến năm 2016, toàn xã đã có 470ha chè. Công việc hái chè chủ yếu bằng máy, người trồng chè thảnh thơi hơn nhiều nhưng mỗi ha chè chỉ cho lãi ròng 15 - 25 triệu đồng/năm. Hái bằng máy, giá chè nguyên liệu thấp, độ sát thương chè cao, thường xuyên đối mặt với việc cây bị chết do nắng hạn, lại phải sử dụng các loại thuốc BVTV nên bản thân người trồng cũng phải tiếp xúc với môi trường độc hại. Đây cũng là thời kỳ các xí nghiệp chè rơi vào khủng hoảng, sản lượng chè búp được thu mua hết nhưng giá bèo bọt.

Trước thực trạng này, ông Võ Văn Sáng hết sức trăn trở. Đầu năm 2016, ông cùng người con trai quyết định “Bắc tiến” học hỏi kỹ thuật trồng, chế biến chè tại tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, ông đầu tư gần 500 triệu đồng mua máy móc với 4 lò sấy, công suất 400 kg/ngày, xây nhà xưởng thực hiện quy trình trồng và chế biến chè theo hướng an toàn.

“Tôi nghĩ, tiềm năng cây chè trên đất Anh Sơn rất lớn nhưng thực tế, hiệu quả nó mang lại chưa thật cao bởi một lẽ, sản phẩm chưa tạo được thương hiệu và giá trị thực sự trong lòng người tiêu dùng. Sau khi tham quan trở về, tôi quyết định thuê 20 công nhân thời vụ để tập huấn kỹ thuật chăm sóc, hái chè bằng tay, kỹ thuật sao, chế biến, đóng gói chè.

09-13-33_tren_cnh_dong_che_duoc_trong_v_kiem_sot_cht_che_du_vo
Cánh đồng chè được trồng và kiểm soát chặt chẽ đầu vào (Ảnh: Văn Dũng)

Với công suất máy và thực lực của gia đình, tôi xác định chỉ sử dụng hết sản lượng chè trên diện tích 4,5ha của gia đình. Quy trình chăm sóc chè được giám sát chặt chẽ, chỉ sử dụng phân hữu cơ, vi sinh… không sử dụng phân chuồng tươi bón cho chè. Chè được bón phân dịp cuối năm và cách ly phân bón đến giữa mùa xuân mới bắt đầu thu hái”, ông Sáng tâm sự.

Điều đáng nói là, 4,5ha chè của ông không hề sử dụng thuốc BVTV. Theo ông Sáng, nếu chè được trồng đúng khoảng cách và sử dụng thuốc sinh học tự chế để phun phòng thì không có sâu bệnh hại. Ông sử dụng 50% tỏi + 50% ớt tươi giã nhỏ ngâm sau đó phun trừ, hiệu quả phòng trừ rất cao, sau 10 - 15 ngày sau sẽ thu hái.

Hiện tại, trang trại và xưởng chè của ông Sáng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Với 4,5ha chè, năm 2016 ông thu hái được 45 tấn búp, chế biến được 3 tấn trà. Ông chia làm 3 dòng sản phẩm chính, trong đó 50% là trà hộp thượng hạng, giá bán 400 nghìn đồng/kg; trà hút chân không 200 nghìn đồng/kg và chè rời 150 nghìn đồng/kg. Năm đầu triển khai trồng và chế biến chè an toàn, ông thu về 850 triệu đồng/4,5ha, trừ chi phí, lãi ròng 340 triệu đồng, tính ra lãi gấp 5 - 6 lần so với trồng chè công nghiệp thông thường cắt bằng máy bán cho các xí nghiệp chè. Dự tính, năm 2017, ông sẽ chế biến được khoảng 4,5 tấn trà các loại, thu về gần 1,3 tỷ đồng.

Đến nay, cơ sở SX, chế biến chè của ông Sáng đã được chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP và đã hoàn thiện hồ sơ để được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Điều đáng nói là sản phẩm trà của ông với nhãn hiệu "Trà Minh Sáng" đã được người tiêu dùng khắp nơi đón nhận và đi vào hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn tại một số địa phương.

09-13-33_b_dong_sn_ph_tr_minh_sng_duoc_nguoi_tieu_dung_don_nhn
Ba dòng sản phẩm trà Minh Sáng được người tiêu dùng đón nhận (Ảnh: Văn Dũng)

“SX ra đến đâu, hàng bán hết đến đó nhưng mới chỉ qua các kênh bán lẻ. Vì thế, trước mắt, tôi vẫn chỉ sử dụng hết nguyên liệu chè do mình trồng, vừa quản lý chặt chẽ đầu vào, chất lượng vừa đủ cung ứng cho thị trường. Sang năm, tôi dự kiến sẽ nâng cao chất lượng bằng việc học hỏi kỹ thuật ướp hương sen, hương nhài vào trà để tạo thêm hương vị đậm đà, thơm ngon cho trà.

Về việc mở rộng quy mô SX, chế biến hay không còn phụ thuộc vào thị trường và khả năng quản lý chất lượng đầu vào của chúng tôi nhưng chắc chắn, chúng tôi sẽ ngày càng hoàn thiện và cho ra đời những mẻ chè ưng ý nhất”, ông Sáng chia sẻ.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một xã vùng cao có 26 con trâu bò chết nghi do ung khí thán

NGHỆ AN Nhiều hộ dân tại bản Huồi Mũ của xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn, Nghệ An) đang hoang mang khi trâu, bò bỗng dưng chết hàng loạt.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.