![watermark_z3974618508259_79ddb5df3b541b380048ee9ae7497ae8-1640_20221220_487-115415_491.jpg Năm 2022 ngành nông nghiệp An Giang thắng lợi lớn, tăng trưởng 3,16%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2023/02/03/watermark_z3974618508259_79ddb5df3b541b380048ee9ae7497ae8-1640_20221220_487-115415_491.jpg)
Năm 2022 ngành nông nghiệp An Giang thắng lợi lớn, tăng trưởng 3,16%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tăng trưởng vượt kịch bản đề ra
Trong năm 2022 toàn ngành nông nghiệp An Giang tăng trưởng 3,16% cao nhất từ trước đến nay, chỉ số tăng trưởng đó đã góp phần vào tăng trưởng, phát triển chung kinh tế cho cả tỉnh. Đồng thời, ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là bệ đỡ quan trọng giúp kinh tế An Giang vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang tự hào cho rằng: Chỉ tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp An Giang năm 2022 vượt kịch bản đề ra là 2,7%. Trong đó, trồng trọt đạt 31.648 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 2.079 tỷ đồng, thủy sản đạt 11.595 tỷ đồng.
Về Nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 68/116 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 58,62%. Hiện nay đang kiểm tra, rà soát hướng dẫn các xã trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Dự kiến sẽ có thêm 6 xã nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới toàn tỉnh là 74/116 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới trong tháng 2/2023. Có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh là 94%.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch liên kết, tiêu thụ nông sản ngay từ đầu năm, bố trí cơ cấu giống phù hợp với mùa vụ. Diễn biến thời tiết và tín hiệu của thị trường, bảo đảm việc tiêu thụ nông sản cho nông dân một cách thuận lợi nhất, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Nhờ vậy, sản xuất nông nghiệp năm 2022 của tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan.
![z4080242012375_ac7109e03eb96aed680f78b6ccdc805d-115414_830.jpg Trồng trọt đạt doanh thu 31.648 tỷ đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2023/02/03/z4080242012375_ac7109e03eb96aed680f78b6ccdc805d-115414_830.jpg)
Trồng trọt đạt doanh thu 31.648 tỷ đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Lâm, để nông nghiệp tăng trưởng bền vững và đầu ra thuận lợi không thể thiếu cầu nối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân. Xác định liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại. Do vậy, ngành nông nghiệp rất quan tâm và tích cực triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản giữa HTX với doanh nghiệp. Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân và dần hình thành vùng nguyên liệu lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Nhìn chung, sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2022 tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Diện tích xuống giống và năng suất lúa giảm nhưng tăng sản xuất nếp và các giống lúa chất lượng (Nàng Hoa, Lúa Nhật, ĐS1, OM 18...), chuyển đổi sản xuất màu, dựa theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Diện tích cây ăn trái trong giai đoạn thu hoạch cũng tăng nên tổng thể chung của lĩnh vực trồng trọt có mức tăng trưởng tốt trong năm 2022.
Chăn nuôi và thủy sản có nhiều dấu hiệu khởi sắc, đảm bảo ổn định nhu cầu lương thực, thực phẩm. Trong sản xuất, đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn theo hợp đồng với các tập đoàn và thị trường nước ngoài, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Toàn ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp nâng cao năng lực sản xuất theo hướng chuyên sâu, bền vững.
Bên cạnh đó, luôn chú trọng công tác quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình thủy lợi; dự báo, phòng, chống thiên tai, dịch hại; tiêm phòng để đảm bảo ngành nông nghiệp phát triển ổn định, hỗ trợ hoạt động của người nông dân.
![z4080352783863_46ca395829d06c0f68552aa6e861f7cd-115417_691.jpg Năm 2022 An Giang xây dựng cánh đồng lớn lúa, nếp ước diện tích thực hiện liên kết sản xuất năm 2022 là 115.000 ha, tăng 45.000 ha so với năm 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2023/02/03/z4080352783863_46ca395829d06c0f68552aa6e861f7cd-115417_691.jpg)
Năm 2022 An Giang xây dựng cánh đồng lớn lúa, nếp ước diện tích thực hiện liên kết sản xuất năm 2022 là 115.000 ha, tăng 45.000 ha so với năm 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng cánh đồng lớn lúa, nếp tỉnh An Giang, ước diện tích thực hiện liên kết sản xuất năm 2022 là 115.000 ha, tăng 45.000 ha so với năm 2021. Tính đến nay các doanh nghiệp đã hoàn tất việc thu mua lúa, nếp trong vùng nguyên liệu. Vụ đông xuân 2021-2022 là 34.620 ha, hè thu 46.493 ha, thu đông 2022 là 34.000 ha.
Về việc cấp mã số vùng trồng đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng cây lúa, rau màu và cây ăn trái năm 2022 là 343 mã số. Hiện nay, mã số vùng trồng đang hoạt động là 326 mã số, trong đó 130 mã số vùng trồng được tái chứng nhận, 196 mã số vùng trồng cấp mới và 18 mã số vùng trồng thu hồi, không hoạt động và chưa được tái chứng nhận.
Năm 2023 phát triển nông nghiệp theo chiều sâu
Năm 2023 là năm giữa của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025, là thời kỳ tăng tốc để đạt mục tiêu tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2025, kế hoạch năm 2023 của ngành nông nghiệp An Giang là tiếp tục phấn đấu phát triển theo chiều sâu, tập trung vào tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu kết nối tiêu thụ và tăng cường sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và cả tiêu thụ trong nước.
![z4080706886477_77200ef93c7aa4695da3c59522345a6d-115418_741.jpg Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2023/02/03/z4080706886477_77200ef93c7aa4695da3c59522345a6d-115418_741.jpg)
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, kế hoạch ngành nông nghiệp An Giang năm 2023 được xây dựng trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục được Chính phủ quan tâm đầu tư, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi vào thực tiễn, với quan điểm chung được thống nhất từ Trung ương đến địa phương là lấy doanh nghiệp làm trọng tâm.
Theo đó, các cơ chế chính sách sẽ tập trung tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phát triển. Công tác quy hoạch kinh tế xã hội của Chính phủ và các địa phương thời kỳ 2021-2030 dự kiến sẽ hoàn thành trong năm cuối 2022, trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp An Giang sẽ có định hướng phát triển cụ thể hơn, rõ ràng hơn.
Ông Thư nhấn mạnh, năm 2023, ngành nông nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng sau thời gian dài dịch bệnh, An Giang tiếp tục thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, giao Sở NN-PTNT tỉnh phối hợp địa phương và cơ quan liên quan tập trung triển khai các chuỗi liên kết với các doanh nghiệp, nông dân, HTX, THT để tiêu thụ nông sản.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ phát triển theo chiều sâu, phát triển các ngành hàng theo chuỗi giá trị gắn với các mô hình tổ chức sản xuất HTX kiểu mới, sản phẩm chất lượng cao được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn trong và ngoài nước, tập trung đầu tư công tác sản xuất giống cây trồng vật nuôi...
![anh-1-115408_326.jpg Năm 2023 An Giang tiếp tục thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để gia tăng doanh thu cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2023/02/03/anh-1-115408_326.jpg)
Năm 2023 An Giang tiếp tục thực hiện chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để gia tăng doanh thu cho nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Thực hiện chăn nuôi theo hình thức trang trại, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến cho sản phẩm tăng ổn định. Đề án giống cá tra 3 cấp đang triển khai thực hiện, dự kiến kết quả sản xuất giống sẽ tăng cả về chất lượng và số lượng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bước sang giai đoạn nâng chất, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế.
Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện đăng ký mã số vùng trồng với Bộ NN-PTNT để tiến đến xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường chính ngạch. Về mùa vụ sản xuất, đề nghị các huyện bố trí lịch mùa vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, không để tình trạng xuống giống lệch vụ, kéo dài, nguy cơ ảnh hưởng của sâu, bệnh hại, tác động đến năng suất, sản lượng, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của tỉnh.