| Hotline: 0983.970.780

Lúa mùa nổi được hồi sinh

Thứ Hai 26/12/2022 , 13:11 (GMT+7)

Vụ lúa mùa nổi năm 2022, nông dân xã Vĩnh Phước và xã Lương An Trà xuống giống 119ha, được doanh nghiệp bao tiêu với giá 16.000 đồng/kg, cho lợi nhuận 5 triệu đồng/công.

Empty

Cánh đồng lúa mùa nỗi ở huyện Tri Tôn - An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lúa mùa nổi cho thu nhập 5 triệu đồng/công

Chiều 25/12, TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II (Bộ NN-PTNT) khảo sát mô hình lúa mùa nổi ở xã Vĩnh Phước và xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) để trao đổi với nông dân về ý tưởng nâng cao giá trị mô hình “chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”.

Điểm khảo sát là những cánh đồng canh tác giống lúa mùa nổi nàng tây đùm và giống lúa chệt cụt, so sánh hiệu quả giữa 2 giống lúa. Theo chia sẻ của nông dân, vụ lúa mùa nổi năm nay, giống lúa nàng tây đùm cho năng suất tốt (khoảng 280-300kg/1.000m2), hạt lúa vàng đẹp, trong khi giống lúa chệt cụt cho năng suất khoảng 240-250kg/1.000m2, hạt lúa có màu hơi tối và chất lượng vào gạo không bằng giống lúa nàng tây đùm.

Vụ lúa mùa nổi năm 2022, nông dân xã Vĩnh Phước và xã Lương An Trà tăng diện tích xuống giống 119ha. Toàn bộ sản lượng lúa được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng thu mua giá cố định 16.000 đồng/kg (thông qua Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước). Tính ra, nông dân hợp tác trồng lúa mùa nổi đạt thu nhập khoảng 5 triệu đồng/công (1.000m2), hiệu quả cao hơn nhiều so canh tác lúa cao sản thông thường.

Empty

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II (Bộ NN-PTNT) đã đến tham quan mô hình lúa mùa nổi ở xã Vĩnh Phước và xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn vào mùa khô, sau khi thu hoạch xong lúa mùa nổi người dân tận dụng gốc rạ có sẵn của lúa mùa nổi để lại tiếp tục trồng một số cây màu khác, tăng thêm thu nhập như: cây kiệu cho lợi nhuận từ 22 - 24 triệu/công/vụ, trồng ớt đạt 16,5 triệu đồng/công/vụ, bí hồ lô khoảng 4,8 triệu đồng/công/vụ, còn khoai mì là 3,1 triệu đồng/công/vụ…

Bên cạnh lợi ích kinh tế, lúa mùa nổi còn giúp tạo không gian để chứa nước lũ, giảm nguy cơ vỡ đê ở vùng lân cận. Do vậy, nếu giữ được diện tích lúa mùa nổi sẽ giúp địa phương ứng phó tốt với lũ lụt, đặc biệt là lũ lớn.

Đất trồng lúa mùa nổi có nguồn dinh dưỡng dồi dào nhờ vào bồi lắng phù sa từ lũ và chất hữu cơ phân hủy bởi quá trình ngập lâu dài, pH đất thường thấp. Đặc biệt, trong số hơn 150 loài tảo có thế sống trong môi trường nước lũ, có 24 loài tảo lam (blue-green algae) có khả năng cố định đạm. Nhờ vậy, nông dân không cần bón phân cho ruộng lúa mùa nổi mà còn thu hoạch được các loại cá đồng vào trú ngụ tự nhiên.

Qua tham quan thực tế và trao đổi với nông dân, TS Trần Minh Hải cho biết, sẽ đề xuất nghiên cứu, tổ chức hội thảo nhằm tìm giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình canh tác lúa mùa nổi. Theo đó, ngoài bán sản phẩm lúa và tận dụng đất canh tác hoa màu, nông dân có thể tham gia kinh doanh du lịch sinh thái (tái hiện khung cảnh mùa nước nổi, trải nghiệm thu hoạch, thưởng thức đặc sản đồng quê…) xuất khẩu rơm an toàn sang Nhật Bản, sản xuất nấm rơm sạch với giá trị cao…

Bảo tồn giống lúa đặc sản vùng ĐBSCL

Lúa mùa nổi (floating rice) được người dân vùng ĐBSCL trồng trước năm 1985, là giống lúa có cơ chế sinh học vô cùng độc đáo. Nông dân trồng giống lúa này theo phương pháp truyền thống, không phân bón, thuốc trừ sâu, gieo sạ vào tháng 5 âm lịch... cây lúa tự ngậm sương mà nẩy mầm, rồi lớn.

Đặc biệt giống lúa này, khác lạ hơn các giống lúa khác ở chỗ trồng “thuận thiên” theo mùa nước lũ. Khi nước lũ từ sông Mekong đổ về, nước đến đâu, cây lúa vươn lóng đến đó từ 3 – 5m, vượt trên mặt lũ để sinh trưởng, đơm bông với thời gian sinh trưởng của lúa khoảng tầm 6 tháng nên được gọi là lúa mùa nổi.

Empty

Giống lúa này trồng “thuận thiên” theo mùa nước lũ. Khi nước lũ từ sông Mekong đổ về, nước đến đâu, cây lúa vươn lóng đến đó từ 3 – 5m, vượt trên mặt lũ để sinh trưởng, đơm bông với thời gian sinh trưởng của lúa khoảng tầm 6 tháng nên được gọi là lúa mùa nổi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đặc biệt, lúa mùa nổi còn tạo sinh cơ thuận lợi cho các loại thủy sản ẩn trú, sinh sôi và phát triển trong mùa nước nổi, giúp người dân tăng thêm thu nhập. Với những giá trị về dinh dưỡng, sinh trưởng “thuận thiên” ít ảnh hưởng đến môi trường.

Hiện toàn vùng ĐBSCL có trên dưới 300ha tập trung tại huyện Tri Tôn, Chợ Mới, An Phú (An Giang), huyện Tam Nông, Thanh Bình (Đồng Tháp) và huyện Tân Hưng (Long An)… mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn lúa thương phẩm.

Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn (An Giang) cho biết: hiện nay cây lúa mùa nổi là loại đặc sản ở vùng tứ giác Long Xuyên, diện tích khoảng 70 ha, chủ yếu tập trung ở xã Vĩnh Phước và Lương An Trà.

Đây là loại lúa thích ứng với vùng biến đổi khí hậu, có thể trồng trong vùng ngập lũ sâu, nước dâng đến đâu cây lúa phát triển đến đó. Đa phần người dân trồng lúa mùa nổi không dùng phân, thuốc BVTV, chủ yếu dựa vào thiên nhiên, nên hạt gạo đạt độ an toàn rất cao. Hiện tại, diện tích trồng lúa mùa nổi ở Tri Tôn được nhiều doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm giá từ 16.000 đồng/kg, còn giá gạo từ 29.000 - 30.000 đồng/kg.

Empty

Toàn bộ sản lượng lúa được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng thu mua giá cố định 16.000 đồng/kg (thông qua Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Phước). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo ông Văn, nhiều năm nay ngành nông nghiệp huyện Tri Tôn kết hợp với Trường đại học An Giang để nghiên cứu bảo tồn, duy trì và cải thiện giống lúa đang canh tác tại địa phương. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu mong muốn tăng cường năng lực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác cho nông dân, hướng tới thương mại hóa lúa mùa nổi và cải thiện thu nhập cho bà con.

Nhiều năm gần đây nước lũ không về nhiều, cũng gây khó khăn cho việc sinh trưởng và phát triển giống lúa mùa nổi vì bị dịch hại tấn công nhất là chuột phá hại. Nhưng bù lại nông dân sản xuất giống lúa đặc sản này không tốn nhiều công và chi phí nhưng bán giá cao. Tuy năng suất thấp hơn lúa cao sản, nhưng bù lại lúa mùa nổi được bán với giá cao hơn do có hàm lượng vitamin E cao gấp 5 lần so với các loại gạo khác.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.