| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp An Giang vượt khó trước đại dịch Covid-19

Thứ Tư 02/06/2021 , 15:25 (GMT+7)

Năm 2020-2021, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ngành nông nghiệp An Giang phát huy được vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

An Giang thực hiện cơ chế điều hành linh hoạt, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ, giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Lê Hoàng.

An Giang thực hiện cơ chế điều hành linh hoạt, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ, giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19. Ảnh: Lê Hoàng.

Giai đoạn 2021 - 2025, nông nghiệp An Giang vẫn được xác định là nền tảng, bệ đỡ phát triển kinh tế của tỉnh. Phát huy vai trò quan trọng này, ngành nông nghiệp tập trung tái cơ cấu, đổi mới tăng trưởng theo chiều sâu và nỗ lực cho giai đoạn mới, bắt đầu ngay từ năm 2021.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, nhiều cơ hội mới cũng mở ra cho nông nghiệp An Giang khi mà các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam ký kết đã đi vào vận hành.  Để tận dụng tốt cơ hội đó, nông sản An Giang cần có đột phá trong phát triển thị trường, đặc biệt thị trường cao cấp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và tiếp tục tăng trưởng cao.

Giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,8%/năm, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến 2025 đạt 68 triệu đồng/người/năm. An Giang duy trì ổn định sản lượng lúa khoảng 3,7 - 3,9 triệu tấn/năm, song đảm bảo diện tích sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 80%. Diện tích nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” và mô hình Công nghệ sinh thái… đạt trên 50% diện tích ứng dụng có hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, để ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững trước biến đổi của thị trường, dịch bệnh Covid-19, thiên tai, các địa phương đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời chủ động rà soát các mặt hàng, nhất là các mặt hàng phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nắm rõ diện tích, sản lượng để có hướng xúc tiến, kết nối thị trường, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường.

Bên cạnh đó, An Giang thực hiện cơ chế điều hành linh hoạt, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ, giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19. Triển khai nhanh kế hoạch tái đàn heo trên địa bàn theo quy mô tập trung, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát, kiểm tra chặt hoạt động chăn nuôi gia cầm (nhất là vịt chạy đồng) để tránh bùng phát cúm gia cầm H5N1 cũng như các loại dịch bệnh khác.

Ngành nông nghiệp An Giang cũng cần đẩy mạnh mời gọi doanh nghiệp thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt như lúa, rau màu, cây ăn trái. Mỗi ngành hàng có ít nhất 2 doanh nghiệp mới tham gia liên kết gắn với tiêu chuẩn của doanh nghiệp.

Tại vùng trồng rau màu lớn nhất tỉnh An Giang là huyện Chợ Mới, nơi đây có hàng ngàn ha chuyên canh rau màu luôn có đầu ra ổn định, cung ấp trong tỉnh và các tỉnh lân cận như TP. Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP. HCM.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,8%/năm, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến 2025 đạt 68 triệu đồng/người/năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giai đoạn 2021 - 2025, ngành nông nghiệp đặt chỉ tiêu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,8%/năm, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đến 2025 đạt 68 triệu đồng/người/năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đặc biệt, thời điểm này do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên lượng rau màu có phần tiêu thụ chậm so với trước đây. Chính vì vậy nhiều nông dân đã chuyển sang trồng bắp bán trái non để phục vụ doanh nghiệp đóng hộp chế biến xuất khẩu khá nổi tiếng ở An Giang.

Đơn vị chính thường xuyên đứng ra bao tiêu bắp non của nông dân là Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) và HTX Nông sản GlobalGAP Mỹ An (xã Mỹ An, huyện Chợ Mới) vừa ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ bắp thu trái non trên địa bàn Chợ Mới.

Theo đó, Công ty Antesco sẽ cung cấp hạt giống bắp non chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, kiểm tra, đánh giá tình hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thu mua toàn bộ sản phẩm theo quy định của hợp đồng. Phía HTX nông sản GlobalGAP Mỹ An tổ chức xuống giống phù hợp để giao đủ sản lượng cho công ty.

Quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, bảo quản bắp non giao cho công ty phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, sản phẩm không bị nhiễm chất gây dị ứng. Đặc biệt, tuân thủ quy định, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sau 30 ngày kể từ ngày xuống giống để đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.

An Giang có diện tích lúa lớn thứ 2 ở ĐBSCL và năng suất tự hào đứng đầu ở khu vực. Nhờ vậy, từ năm 2020-2021, nhiều vụ lúa đông xuân, hè thu, thu đông nông dân đều trúng mùa, trúng giá và tận dụng được cơ hội giá lúa gạo tăng cao khi nhiều nước tăng nhu cầu mua lương thực ứng phó dịch bệnh Covid- 19, các mặt hàng cây ăn trái, cá tra sau thời gian khó khăn cũng dần lấy lại được lợi thế.

  • Tags:
Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Dừa hữu cơ Cocohihi - Tinh hoa xứ dừa Bến Tre vươn xa thế giới

Bến Tre không chỉ là xứ sở của dừa mà còn là nơi khởi nguồn của những sản phẩm hữu cơ, như dừa tươi Cocohihi, góp phần đưa nông sản Việt vươn ra thế giới.