Cuộc cách mạng gọi tên thuốc kháng nấm olorofim có nguy cơ "chết yểu" trước khi được tung ra thị trường do hợp chất nông nghiệp tương tự (ipflufenoquin) được sử dụng trước đó. Olorofim là phát minh của công ty F2G của Anh, hướng tới một cơ chế mới trong điều trị bệnh nhiễm nấm Aspergillus và bệnh sốt thung lũng, tuy nhiên ipflufenoquin do công ty Nisso America phát triển trước đó cho ngành nông nghiệp cũng có cơ chế hoạt động tương tự. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng kháng thuốc của nấm vì nấm có thể thích nghi nhanh chóng để tự bảo vệ mình trước các phương pháp điều trị mới.
Nhiễm nấm là nguyên nhân gây ra hơn 1,5 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn thế giới. Các chuyên gia y tế vô cùng háo hức trước sự ra đời của các loại thuốc chống nấm thế hệ mới do các lựa chọn hiện tại còn khá hạn chế và thường có tính độc hại cao. Tuy nhiên, tình hình hiện tại với trường hợp của olorofim đòi hỏi sự hợp tác, liên kết giữa ngành y tế và ngành nông nghiệp nhằm xây dựng phương pháp điều trị chống nấm mới, hiệu quả. Cùng đó là sự cần thiết của việc thành lập một cơ quan liên ngành hoặc cơ quan quốc tế để đánh giá về các rủi ro và ưu tiên.
Nhiễm nấm là một mối quan ngại sức khỏe toàn cầu, với ít nhất 300 triệu người mắc bệnh mỗi năm và 1,5 triệu người tử vong vì nhiễm trùng. Bệnh do nấm gây ra là mối đe dọa nghiêm trọng tương tự như bệnh sốt rét hoặc bệnh lao, tỷ lệ mắc và phạm vi của chúng dự kiến sẽ tăng lên khi trái đất ấm lên. Chỉ riêng tại Mỹ, nhiễm nấm là nguyên nhân gây ra hơn 75.000 ca nhập viện và gây tổn hại khoảng 7,2 tỷ USD cho chi phí chăm sóc sức khỏe hàng năm.
Phát triển thuốc chống nấm là một nhiệm vụ đầy thách thức, vì nấm có nhiều điểm tương đồng về tế bào với con người. Điều này khiến cho các nghiên cứu tạo ra các loại thuốc không gây hại cho con người trở nên khó khăn và thường dẫn đến các tác dụng phụ độc hại. Ví dụ, amphotericin B, một loại thuốc chống nấm cũ kèm theo tác dụng phụ là gây run và sốt ở bệnh nhân.
Với bối cảnh hiện tại, Olorofim được coi là thuốc kháng nấm đầy hứa hẹn. Olorofim, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 2, đại diện cho một nhóm thuốc kháng nấm mới được gọi là chất ức chế DHODH. Tuy nhiên, vào mùa hè năm ngoái, người ta đã phát hiện ra rằng olorofim không phải là chất ức chế DHODH đầu tiên được phát triển tại Hoa Kỳ. Thuốc kháng nấm nông nghiệp ipflufenoquin, có nhiều điểm chung với olorofim, đã được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ phê duyệt. Điều này làm dấy lên mối lo ngại giữa các nhà phát triển của olorofim rằng việc triển khai hợp chất nông nghiệp có thể đe dọa hiệu quả của thuốc trước khi nó được tung ra thị trường.
Cả hai ngành y học và nông nghiệp đều đòi hỏi cần có các phương pháp điều trị kháng nấm mới, nhưng sự ra đời của các hợp chất mới vô hình chung đã trở thành một cuộc chạy đua với thời gian vì nấm nhanh chóng thích nghi để tự bảo vệ mình. Lĩnh vực đầu tiên triển khai phương pháp điều trị mới sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, nhưng hiện tại không có cơ quan liên ngành hoặc tổ chức quốc tế nào đánh giá rủi ro, thiết lập các ưu tiên hoặc đảm bảo sự hợp tác giữa hai lĩnh vực.
Khi mối đe dọa kháng thuốc chống nấm toàn cầu gia tăng, y học và nông nghiệp phải hợp tác với nhau để phát triển các biện pháp và chiến lược đánh giá rủi ro để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc. Sự hợp tác này rất quan trọng trong bối cảnh thực hiện mục tiêu Một sức khỏe, trong đó nhấn mạnh tính liên kết của sức khỏe con người, động vật và môi trường. Khi Tổ chức Y tế Thế giới lần đầu tiên công bố danh sách các mầm bệnh nấm ưu tiên vào năm 2022, nhu cầu về một cách tiếp cận thống nhất để giải quyết khả năng kháng thuốc của nấm ngày càng trở nên cấp bách.