| Hotline: 0983.970.780

Nông nghiệp ĐBSCL: Chuyển mình và hội nhập

Thứ Sáu 12/02/2016 , 14:35 (GMT+7)

2016 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, khởi đầu của Kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) là năm “bản lề” của 2 giai đoạn quan trọng: 30 năm đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.


Nông nghiêp ĐBSCL từ “vườn nhà, đồng vàng” của Đổi Mới ra “chợ lớn”

Đổi Mới đã tạo ra ánh hào quang, tạo thế và lực cho nông nghiệp ĐBSCL. Hội nhập đang mở ra nhiều cơ hội và kỳ vọng mới, nhưng cũng nhiều thách thức.

Hệ quả tích cực hay tiêu cực của hội nhập quốc tế và khu vực ASEAN phụ thuộc vào việc tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của vùng này trong thời gian tới.

Nhận diện thành tựu, tồn tại chủ yếu

ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra bước đổi mới toàn diện cho cả vùng, góp phần đáng kể vào thành tựu chung của cả nước.

Đó không chỉ là những kỳ tích từ sự gia tăng sản lượng lúa gạo, thủy sản, trái cây mà chính là “cuộc chuyển đổi lớn” từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông sản hàng hóa.

Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo ra môi trường thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển. ĐBSCL đã dần hình thành các yếu tố của các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, tiền tệ. Thị trường lao động và khoa học - công nghệ cũng đang dần hình thành và phát triển.

Nông hộ từ “vòng dây” của ngăn sông cấm chợ, bị áp đặt giao nộp bằng các chỉ tiêu kế hoạch trong nền kinh tế không có thị trường, đã vươn lên trở thành những đơn vị “kinh tế nông hộ” - chủ thể quan trọng kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Nông dân ĐBSCL ngày càng tiếp cận và ứng dụng nhanh hơn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Đặc biệt gần đây, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” rồi “Cánh đồng lớn” (CĐL) đạt được thành công bước đầu rất quan trọng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, gắn sản xuất với thị trường, nông dân, nhà khoa học với doanh nghiệp. Mô hình CĐL không chỉ giới hạn ở sản xuất lúa mà còn được áp dụng đối với nhiều mô hình sản xuất khác như mía đường, chăn nuôi và thủy sản. Xây dựng nông thôn mới bước đầu tạo ra diện mạo mới với 19 tiêu chí quốc gia, tạo ra không gian sống, lao động sản xuất và hưởng thụ vật chất văn hóa, tinh thần tốt hơn cho người dân.


Bối cảnh hội nhập mới đòi hỏi một sự thay đổi kịp thời về cơ chế, chính sách

Tuy nhiên, cho đến nay vùng này còn nhiều tồn tại, yếu kém và đứng trước nhiều thách thức trong phát triển và hội nhập, cạnh tranh. Vòng luẩn quẩn của nông sản "trúng mùa, rớt giá” đang là thách thức phải vượt qua của ĐBSCL trên con đường ra "chợ lớn” toàn cầu. Cạnh tranh nông nghiệp cũng đang đặt ra yêu cầu giải quyết các “điểm nghẽn” tăng trưởng ở một thị trường lớn thay vì quanh quẩn bên những vườn cây, thửa ruộng, ranh giới hành chính tỉnh và tư duy ngập nước của ruộng đồng.

Tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, tiềm năng và lợi thế của vùng chưa được đầu tư, khai thác đúng mức. Kinh tế phát triển chủ yếu theo chiều rộng. Việc đầu tư và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tạo ra giá trị gia tăng thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi. Mức đầu tư cho vùng ĐBSCL còn thấp, đặc biệt là vốn đầu tư cho nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp so với tổng đầu tư toàn xã hội.

Hệ thống cơ chế, chính sách trong nông nghiệp còn bất cập đã ảnh hưởng đến sức hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực này. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không đồng bộ, khó kết nối với thị trường trong và ngoài nước. Nguồn lực lao động trong nông thôn đang có xu hướng giảm, một bộ phận không nhỏ lao động trẻ ở nông thôn rời bỏ ruộng vườn ra thành thị, gia nhập đội ngũ lao động phổ thông di dân đến làm việc tại các thành phố lớn ngày càng tăng. Thách thức gay gắt của hội nhập, cạnh tranh đòi hỏi “tam nông” ĐBSCL phải khắc phục những yếu kém nội tại và tận dụng lợi thế của vùng.

“Tư duy kinh doanh nông nghiệp”

Những "sàn giao dịch nông sản”, "ngân hàng lúa gạo”… theo phương thức kinh doanh hiện đại, chủ động cần được xem xét thấu đáo và bắt tay chuẩn bị tích cực hơn. Tư duy về lợi thế của nông nghiệp ĐBSCL cần được thể hiện trong một chiến lược quốc gia, vùng miền để tạo ra sức cạnh tranh hơn là quanh quẩn trong địa giới hành chính tỉnh, huyện như vừa qua.

Nông sản có được phát huy lợi thế cạnh tranh trong hội nhập được hay không bằng chính tư duy, tầm nhìn và cách làm nông nghiệp. Yêu cầu khắc nghiệt của hội nhập, cạnh tranh quốc tế đòi hỏi người nông dân phải vượt khỏi không gian ruộng đồng, phải chuyển đổi tư duy “làm ra nhiều nông sản” sang tư duy “làm ra nhiều giá trị từ nông sản”.

Nó phải được tiến hành bằng tư duy, chính sách dài hạn hơn là những đối phó ngắn hạn để hiện đại hóa ngành nông nghiệp, thoát khỏi cái bóng nông nghiệp truyền thống bằng khai thác lợi thế tự nhiên sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp tri thức. Doanh nhân hóa nông dân, nông dân làm giàu được từ kinh doanh nông nghiệp và môi trường nông thôn mới đáng sống là những kỳ vọng cho một giai đoạn mới.

Chuyển tiếp từ Đổi mới và Hội nhập

Sau 30 năm, động lực của đổi mới như các chính sách đất đai, chính sách phát triển thị trường, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò kinh tế nông hộ… đã đem lại nhiều thành công. Các nguồn lực từ đổi mới này đã tạo ra diện mạo mới cho ĐBSCL. Nhưng các nguồn lực từ thành công của Đổi Mới trong nông nghiệp dường như đang dần mất đi động lực trước đây khi đứng trước thách thức mới mà nông hộ, kinh tế nông nghiệp nhỏ lẻ, thiếu kết nối sản xuất - thị trường, “đồng vàng” và “chợ lớn”, nay đã không còn giữ được lực và đà như trước đây.

Để phát triển đồng bằng hơn nữa đang rất cần những nguồn lực mới, những mô hình phát triển mới với hiệu quả cao hơn, năng suất lao động cao hơn. Cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy hiệu quả làm thước đo của sự tăng trưởng. Động lực mới cho mô hình tăng trưởng mới này chính từ nội lực, từ nguồn nhân lực bậc cao, từ khoa học và công nghệ, và từ doanh nghiệp. Rất cần những chính sách năng động và quyết liệt để biến các nguồn lực từ yếu tố sản xuất, trở thành nội lực mới từ thị trường bằng mô hình tăng trưởng mới.

18-25-23_3
Khi gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, sẽ có thêm nhiều áp lực cạnh tranh từ bên ngoài

Bối cảnh hội nhập mới đòi hỏi một sự thay đổi kịp thời về cơ chế, chính sách, tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Khi gia nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, sẽ có thêm nhiều áp lực cạnh tranh từ bên ngoài, đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh nông nghiệp. Tái cơ cấu - “sự chuyển đổi lớn” của ngành nông nghiệp, rất cần sự tham gia mang tính quyết định của nông dân và doanh nghiệp. Người nông dân và doanh nghiệp nông thôn phải ở vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thành tựu 30 năm Đổi Mới nền nông nghiệp ở ĐBSCL đã tạo ra nhiều kỳ tích. Nhưng thành tích đã qua không phải là một đảm bảo cho thành công tới. Nông nghiệp ĐBSCL từ “vườn nhà, đồng vàng” của Đổi Mới ra “chợ lớn” của hội nhập quốc tế và khu vực đang rất cần quyết tâm và động lực mới.

(Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ)

Xem thêm
Làng bánh lá răng bừa nức tiếng xứ Thanh

Toàn xã Xuân Lập có khoảng 240 hộ sản xuất, kinh doanh bánh lá răng bừa, sản phẩm được bán quanh năm, đặc biệt bán chạy vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền…

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội rà soát, công bố tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1044/QĐ -TTg ngày 26-9-2024 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm triển khai thi hành Luật Đường bộ.